Vì sao súng giả vẫn có thể gây chết người trên phim trường? - TrueID

Vì sao súng giả vẫn có thể gây chết người trên phim trường?

Khắc Nguyễn (TrueID)October 25, 2021

Vụ tai nạn khi Alec Baldwin vô tình bắn chết đạo diễn hình ảnh phim Rust cho thấy súng giả vẫn có thể gây nguy hiểm khó lường.

Cuối tuần qua, tai nạn thương tâm xảy ra trên phim trường Rust khi khẩu súng đạo cụ của Alec Baldwin vô tình cướp mạng đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins và khiến đạo diễn Joel Souza bị thương. Theo các nhân chứng, họ đang ghi hình một cảnh đấu súng theo phong cách Viễn Tây tại Bonanza Creek Ranch - địa điểm sản xuất nổi tiếng ở phía nam Santa Fe, thuộc bang New Mexico (Mỹ). Bộ phim đã phải ngừng sản xuất để phục vụ công tác điều tra.

null

Vụ tai nạn của Alec Baldwin được cho là có liên quan tới đạn rỗng.

Tuy các vụ tai nạn liên quan đến súng giả không thường xuyên xảy ra, nhưng nó vẫn làm dấy lên mối lo ngại về mức độ nguy hiểm của đạo cụ trên phim trường. Cách đây nhiều năm, con trai của Lý Tiểu Long là Lý Quốc Hào cũng bỏ mạng vì một bi kịch tương tự khi quay The Crow (1994). Chúng là lời nhắc nhở rằng súng giả vẫn có thể gây chết người dù đã được đảm bảo là không sử dụng đạn thật.

Súng đạo cụ là gì?

Trên thực tế, có đến hai loại súng đạo cụ được sử dụng trên phim trường. Loại đầu tiên là bản sao giả hoàn toàn, với ngoại hình y như thật để đánh lừa khán giả. Đây là mẫu súng cực kỳ an toàn nhưng lại gặp phải nhiều hạn chế khác. Ví dụ, những bộ phận giả thiếu trọng lượng, cảm giác cầm nắm và vẻ ngoài của súng thật khiến diễn viên không thoải mái và khán giả cũng chẳng tin những gì diễn ra trên màn ảnh.

null

Các đạo diễn vẫn dùng súng thật làm đạo cụ để tăng độ chân thực cho bộ phim.

Do đó, nhiều bộ phim vẫn dùng súng thật làm đạo cụ và thực hiện các bước an toàn theo quy định. Chúng không chỉ có cân nặng tương đương, mà còn được nạp một loại đạn rỗng đặc biệt để tái hiện âm thanh và hiệu ứng hình ảnh như đang ở trên chiến trường. Song, dù bắn ra bất kỳ loại đạn nào, loại súng này vẫn có khả năng sát thương nhất định. Do đó, chúng thường được sử dụng dưới sự giám sát của các chuyên gia an toàn.

Súng đạo cụ nguy hiểm ra sao?

Nhờ các quy định an toàn nghiêm ngặt, sự cố xảy ra từ súng đạo cụ là tương đối hiếm. Để tái tạo âm thanh, tia lửa từ nòng súng và độ giật lúc nhả đạn, những viên đạn trống vẫn có thuốc súng và phần vỏ ngoài. Điều này có nghĩa chúng chỉ khác đạn thật ở chỗ không có phần đầu đạn. Do đó, nếu nạn nhân đứng đủ gần, lực bắn ra từ nóng súng vẫn gây ra sát thương nghiêm trọng.

null

Lực bắn từ đầu đạn rỗng vẫn có thể gây sát thương cho người đối diện.

Tuy nhiên, bất kỳ loại vũ khí nào hoạt động dựa trên cơ chế dùng lực bắn ra một loạt đạn vẫn có rủi ro khác ngoài đạn rỗng. Ví dụ như một mảnh vỡ nào đó kẹt trong nòng súng và bị phóng ra ngoài khi bóp cò sẽ không khác gì đạn thật. Do đó, mỗi phim trường đều có một người chịu trách nhiệm bảo quản, kiểm tra kho vũ khí. Họ cũng lãnh nhiệm vụ đảm bảo súng an toàn trước khi giao cho diễn viên trước mỗi cảnh quay.

Những vụ tai nạn khủng khiếp liên quan đến súng đạo cụ

Một vài vụ tai nạn liên quan đến súng đạo cụ đã xảy ra trong lịch sử điện ảnh. Tai tiếng nhất trong số này chính là cái chết của Lý Quốc Hào trên phim trường The Crow. Trong cảnh quay nhân vật của tài tử quá cố bị một nhóm giang hồ sát hại, anh trúng đạn từ khoảng cách 4 m. Ê-kíp làm phim nhận ra sự bất thường khi nam diễn viên không thể đứng vững dù máy quay đã ngừng ghi hình.

Điều tra cho thấy khẩu súng được chỉnh sửa không đúng cách, khiến một viên đạn thật kẹt trong nòng súng. Viên đạn trống trong cảnh quay đã phát ra một lực đủ mạnh để phóng viên đạn thật này vào bụng Lý Quốc Hào. Cảnh sát tuyên bố nam diễn viên qua đời sau 6 tiếng phẫu thuật khẩn cấp. Tuy nhiên, đây không phải tai nạn duy nhất do đạn rỗng gây ra.

null

Cái chết của Lý Quốc Hào là tai nạn tai tiếng nhất liên quan tới súng đạo cụ.

Vào năm 1984, nam diễn viên người Mỹ có tên Jon-Erik Hexum tỏ ra thất vọng do sự chậm trễ liên tục trên trường quay của loạt phim hành động Cover Up. Sau khi đạo diễn quyết định quay lại một cảnh, Hexum bực tức lấy khẩu súng có nạp một viên đạn rỗng và xoay ổ lục. Tài tử không nhận thức rõ nguy hiểm nên đã tái hiện trò Cò quay Nga khi đặt súng vào đầu và bóp cò. Lực bắn đủ mạnh khiến anh xuất huyết não. Tuy được các bác sĩ cứu sống kịp thời, nhưng Hexum vẫn chết não sau đó 6 ngày.

Sau hàng chục năm, tai nạn thương tâm một lần nữa xảy ra trên phim trường Rust và cho thấy những quy định về an toàn súng đạn vẫn chưa đủ và thường bị ngó lơ bởi các đoàn phim nhằm tiết kiệm chi phí.

Tin liên quan:

>> Alec Baldwin vô tình bắn chết đạo diễn hình ảnh trên phim trường
>> Khẩu súng đạo cụ của Alec Baldwin có một viên đạn thật

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...