Tái hiện hình ảnh oai hùng của nhiều vị tướng thời Tam Quốc theo ngòi bút của La Quán Trung là thách thức không nhỏ với các nhà làm phim.
Là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc, Tam Quốc diễn nghĩa nhiều lần được chuyển thể lên cả màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ. Trong đó, nhiều tác phẩm chỉ làm riêng về một nhân vật, điển tích hay giai đoạn cố định. Song, không phải nhà làm phim nào cũng tái hiện được đúng hình ảnh những vị tướng nổi tiếng như trong trí tưởng tượng của độc giả.
Quan Vũ trong Chân Tam Quốc vô song (2021): Được chuyển thể từ tựa game Dynasty Warriors đình đám, Chân Tam Quốc vô song cuối cùng trở thành “bom xịt” có khả năng gây lỗ đến 30 triệu USD. Tác phẩm của Cổ Thiên Lạc bị chê bai bởi lạm dụng kỹ xảo không khác gì đang trình chiếu game và tạo hình nhân vật thảm họa. Trong đó, Quan Vũ của Hàn Canh bị cho là quá gầy gò, ẻo lả, không toát lên được khí chất của Võ Thánh.
Lã Bố trong Võ thần Triệu Tử Long (2016): Võ thần Triệu Tử Long là bộ phim phóng tác từ Tam Quốc diễn nghĩa với trung tâm là Triệu Tử Long do Lâm Canh Tân thể hiện. Tác phẩm đi theo hướng ngôn tình khi khai thác tình yêu giữa vị Thường thắng tướng quân này và nhiều cô gái khác nhau. Tạo hình các nhân vật cũng được thực hiện theo lối màu mè cho phù hợp nội dung phim. Trong đó, Lã Bố của cố diễn viên Cao Dĩ Tường bị chê thảm họa khi còn sặc sỡ hơn cả nữ chính.
Quan Vũ trong Anh hùng cái thế Tào Tháo (2013): Anh hùng cái thế Tào Tháo không dựa vào tiểu thuyết của La Quán Trung mà khắc họa nhân vật từ những ghi chép lịch sử. Bộ phim tập trung tái hiện cuộc đời Tào Tháo (Trần Lập Tân) từ những ngày đầu khởi nghiệp cho đến khi thành vua nước Ngụy. Do đó, những nhân vật quen thuộc khác thuộc nhà Ngô hay Thục Hán chỉ xuất hiện một cách thoáng qua. Giống với Chân Tam Quốc vô song, Quan Vũ của Trương Ích Quần hứng chịu chê bai vì quá nhỏ con, ốm yếu và không hề có khí phách của bậc võ tướng.
Lã Bố trong Đổng Tước Đài (2012): Đổng Tước Đài là câu chuyện hư cấu về những năm cuối đời của Tào Tháo. Ông nay đã thành Ngụy Vương và phải đối mặt với mưu đồ ám sát của kẻ thù. Lã Bố (Bảo Kiếm Phong) chỉ xuất hiện trong một vài cảnh hồi tưởng. Song, tạo hình đeo găng tay da và giáp sắt theo phong cách châu Âu của nhân vật khiến phim vấp phải vô số tranh cãi.
Tào Tháo trong Việt Quang Bảo Hạp (2010): Việt Quang Bảo Hạp là bộ phim hài ăn theo nhiều tác phẩm đình đám như Đại thoại Tây du (1995), Titanic (1997), Tuyệt đỉnh Kung Fu (2004) hay hai phần Đại chiến Xích Bích. Nhiều nhân vật Tam Quốc xuất hiện trong phim có tạo hình hài hước như Gia Cát Lượng của Tăng Chí Vỹ, Chu Du của Hoàng Bột... Tuy nhiên, Tào Tháo của Quách Đức Cương lại gây tranh cãi khi cải biên quá lố. Tay gian hùng được xây dựng theo lối hài hước với vẻ ngoài tròn trịa, ăn mặc gợi cảm và có nhiều hành động lố bịch.
Triệu Tử Long trong Tam Quốc chí: Rồng tái sinh (2008): Ra mắt cùng năm với Đại chiến Xích Bích, tác phẩm của Lưu Đức Hoa thua kém cả về doanh thu lẫn chất lượng nội dung. Trong đó, phần tạo hình biến tấu của các nhân vật quen thuộc bị nhiều khán giả chỉ trích. Triệu Tử Long do Thiên vương Hong Kong thủ vai trông giống samurai Nhật Bản hơn là một vị tướng thời nhà Hán.
Lã Bố trong Lã Bố và Điêu Thuyền (2001): Lã Bố và Điêu Thuyền là bộ phim truyền hình đầu tay của đạo diễn Trần Khải Ca, xoay quanh hai nhân vật nổi tiếng cùng tên trong Tam Quốc diễn nghĩa. Vai diễn “chiến thần” được giao cho Huỳnh Lỗi. Song, tạo hình thảm họa cũng diễn xuất kém cỏi của anh khiến bộ phim nhanh chóng bị trôi vào quên lãng. Nhiều người nhận xét Lã Bố của Huỳnh Lỗi giống “bang chủ cái bang” hơn là kẻ từng cùng lúc đấu với ba anh em Lưu - Quan - Trương.
Tào Tháo trong Lã Bố và Điêu Thuyền: Ngoài Lã Bố, tạo hình Tào Tháo của Nhiếp Viễn trong Lã Bố và Điêu Thuyền cũng bị đánh giá là thảm họa. Nhiều ý kiến cho rằng tài tử Diên Hi công lược quá điển trai và chính trực để vào vai tay gian hùng. Thật vậy, nhiều năm sau đó Nhiếp Viễn lại được khen ngợi khi góp mặt trong Tân Tam Quốc (2010) với vai Triệu Tử Long.