Bạo lực, máu me là những đặc trưng của các tác phẩm siêu anh hùng bị gắn nhãn R như The Suicide Squad, Logan, Deadpool... Bất chấp bị hạn chế khán giả dưới 17 tuổi, đa số vẫn gặt hái thành công tại phòng vé.
The Suicide Squad (2021)
Suicide Squad (2016) thắng lớn về mặt doanh thu, nhưng lại hứng chịu nhiều chỉ trích về mặt nội dung. Theo đó, hãng Warner Bros. quyết định thay thế David Ayer bằng James Gunn (Guardians of the Galaxy) ở vị trí đạo diễn của phần phim tiếp theo về Biệt đội Cảm tử. Không phụ lòng nhà sản xuất cũng như người hâm mộ truyện tranh DC, The Suicide Squad là bước cải tiến rõ rệt so với phần đầu.
91% bài bình luận dành cho tác phẩm là tích cực, theo tổng hợp của chuyên trang Rotten Tomatoes. Số đông khen ngợi tính giải trí của The Suicide Squad và đề cao tầm nhìn của James Gunn với quyết tâm thực hiện một bộ phim nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi). Những phân cảnh hành động bạo lực, máu me trở thành điểm nhấn của tác phẩm trong mắt khán giả.
Đáng tiếc, phim ra rạp và chiếu trực tuyến cùng lúc tại thời điểm biến thể delta của dịch Covid-19 lây lan rộng khắp tại Bắc Mỹ, nên hiện chỉ đạt thành tích lẹt đẹt tại phòng vé sau khi tiêu tốn tới 185 triệu USD để sản xuất.
Logan (2017)
Logan lấy bối cảnh nhiều năm sau trong vũ trụ phim X-Men do Fox xây dựng. Lúc này, Wolverine (Hugh Jackman) đã già nua, đang lẩn tránh sự truy đuổi của những nhóm chuyên săn bắt người đột biến. Trong lúc phải bảo vệ Giáo sư X (Patrick Stewart), gã tình cờ tìm thấy Laura (Dafne Keen) - một dị nhân nhí có năng lực rất giống mình.
Đánh dấu lần cuối cùng Hugh Jackman vào vai người chồn, Logan được đánh giá cao bởi kịch bản có chiều sâu và cách kể chuyện hấp dẫn của đạo diễn James Mangold. Ngoài ra, bộ phim còn thu hút người xem bởi nhiều phân cảnh hành động bạo lực đến từ Wolverine và cô bé Laura. Nhưng đằng sau những phân cảnh đẫm máu còn là nội dung cảm động liên quan tới số phận Wolverine và tình phụ tử.
Phim từng thu hơn 615 triệu USD toàn cầu, đồng thời nhận đề cử giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc.
Deadpool (2016) và Deadpool 2 (2018)
Từng xuất hiện trong X-Men Origins: Wolverine (2009), nhân vật Deadpool của Ryan Reynolds bị đánh giá là thảm họa khi khác quá xa nguyên tác. Reynolds đã phải mất nhiều năm thuyết phục 20th Century Fox thực hiện một phiên bản sát truyện tranh xoay quanh tên lính đánh thuê mồm mép, ưa bạo lực.
Chỉ với kinh phí ít ỏi 58 triệu USD, Deadpool đã thu về hơn 780 triệu USD toàn cầu bất chấp nhãn R. Thành công lập tức mở đường cho Deadpool 2, và phần hậu truyện tiếp tục mang lại 785,8 triệu USD. Khán giả được thỏa lòng với phiên bản nhân vật như bước ra từ truyện tranh với nhiều lần “phá vỡ bức tường thứ tư” trò chuyện với họ, cùng những màn ra tay máu me với đối thủ.
Sau khi Disney thâu tóm Fox vào năm 2019, Deadpool của Ryan Reynolds là nhân vật duy nhất từ thương hiệu X-Men được “Nhà Chuột” cùng Marvel Studios giữ lại và lên kế hoạch thực hiện tiếp phần ba.
Kick-Ass (2010) và Kick-Ass 2 (2013)
Kick-Ass mang đến hình tượng các siêu anh hùng tuổi teen hoàn toàn khác biệt. Ra đời vào năm 2010, bộ phim độc lập có kinh phí vỏn vẹn 30 triệu USD của Matthew Vaughn đã thu về gần 100 triệu USD toàn cầu. Tác phẩm không chỉ mở đường cho phần tiếp theo, mà còn giúp nhà làm phim người Anh đến với nhiều dự án bom tấn sau này như X-Men: First Class (2011) hay chuỗi phim điệp viên Kingsman.
Thương hiệu được so sánh với phong cách của đạo diễn Quentin Tarantino khi các nhân vật sử dụng bạo lực, nhiều khi là quá mức, để giải quyết các vấn đề và tiêu diệt kẻ xấu. Điều này khiến Kick-Ass từng gây ra không ít tranh cãi bởi khi tham gia đóng phim, nữ diễn viên Chloë Grace Moretz chỉ mới 13 tuổi.
Watchmen (2009)
Các dự án của đạo diễn Zack Snyder thường gây tranh cãi và Watchmen dựa trên cuốn tiểu thuyết truyện tranh cùng tên không phải ngoại lệ. Nhiều người yêu thích, tôn thờ rằng đây là tác phẩm điện ảnh dựa trên truyện tranh hay nhất mọi thời, nhưng cũng không ít người không cảm được bộ phim đen tối, bạo lực, cài cắm nhiều triết lý sâu xa.
Số đông nhận định Watchmen bám rất sát nguyên tác của Alan Moore. Câu hỏi, “Ai canh chừng những kẻ canh chừng?”, lẩn khuất đằng sau cốt truyện trước khi bùng nổ ở những phân đoạn cuối cùng.
Tuy nhiên, Watchmen không phải là một dự án thành công về mặt thương mại. Phim chỉ thu hơn 185 triệu USD toàn cầu, trong khi tiêu tốn tới gần 140 triệu USD cho khâu sản xuất.
Constantine (2005)
Constantine bị gắn nhãn R bởi yếu tố kinh dị và giật gân đầy ám ảnh. Tác phẩm của đạo diễn Francis Lawrence có cốt truyện bí ẩn lôi cuốn, cùng màn trình diễn mang phong cách rất riêng của ngôi sao Keanu Reeves trong vai chính.
Bộ phim theo chân thầy trừ tà John Constantine (Reeves) chiến đấu chống lại âm mưu thôn tính Trái Đất của bầy quỷ dữ địa ngục. Phim còn có sự tham gia của một số diễn viên tên tuổi khác như Rachel Weisz, Tilda Swinton và Shia LaBeouf.
Blade (1998), Blade II (2002) và Blade: Trinity (2004)
Thợ săn ma cà rồng Blade chuẩn bị xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel và do Mahershala Ali thể hiện. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX, khán giả đã được làm quen với phiên bản nhân vật của Wesley Snipes.
Năm 1998, Blade ra đời và khiến khán giả choáng váng về mức độ kinh dị, máu me và bạo lực. Tuy nhiên, phim đã thu 131 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí sản xuất chỉ là 45 triệu USD.
Tác phẩm giúp hãng New Line Cinema vượt qua khó khăn về mặt tài chính, đồng thời mở ra một thương hiệu điện ảnh mới. Blade II và Blade: Trinity sau đó đều đạt doanh thu tốt, nhưng bị số đông giới phê bình đánh giá có chất lượng không còn hấp dẫn như tập đầu tiên.
Tin liên quan:
>> Loạt câu hỏi bỏ ngỏ từ 'Suicide Squad: Điệp vụ cảm tử'
>> Những chi tiết thú vị ẩn giấu trong ‘Suicide Squad: Điệp vụ cảm tử’