Nhiều phim Việt đã phải dời lịch chiếu vài năm hoặc thậm chí không thể ra rạp do khúc mắc ở khâu kiểm duyệt.
Kiểm duyệt là hệ thống kiểm soát, chỉnh sửa và sắp xếp các bộ phim, MV sao cho phù hợp từng đối tượng khán giả dựa trên một số yếu tố như độ phức tạp của nội dung, hình ảnh tình dục, khỏa thân, kinh dị, bạo lực, ngôn từ, sử dụng chất gây nghiện, chính trị, tôn giáo, lịch sử... Không ít bộ phim của điện ảnh nước nhà từng gặp rắc rối trong việc đạt được giấy phép phổ biến.
Người tình (2021): Từng dự kiến ra mắt từ năm 2018, bộ phim có Minh Tú đóng chính rốt cuộc phải tới mùa hè 2021 mới có thể ra rạp do vướng khâu kiểm duyệt. Lý do có lẽ nằm ở việc phim có chứa đựng nhiều cảnh nóng giống một tác phẩm trước đây của đạo diễn Lưu Huỳnh là Lấy chồng người ta (2012). Người tình lẽ ra là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Minh Tú - người vốn khi ấy đang gây tiếng vang khi giành giải Á quân của Asia Next Top Model 2017. Song, phim rốt cuộc còn ra rạp muộn hơn cả hai tác phẩm được thực hiện sau này có cô tham gia là Hoa hậu giang hồ (2019) và Bố già (2021).
Ròm (2020): Ròm cũng là tác phẩm phải lỗi hẹn với khán giả do kiểm duyệt. Phim vốn đã hoàn tất từ cuối năm 2019, nhưng bị bắt chỉnh sửa lại nhiều phân đoạn. Song, trong thời gian này, nhà sản xuất lại đưa tác phẩm tới Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019 và thắng giải New Currents. Hành vi ấy khiến đoàn phim Ròm bị xử phạt hành chính. Đến năm 2020, tác phẩm mới được cấp phép phát hành ở Việt Nam với nhãn 18+ sau khi đã chỉnh sửa, cắt gọt và thay đổi một số nội dung theo yêu cầu của hội đồng thẩm định.
Thất sơn tâm linh (2019): Thất sơn tâm linh ban đầu có tựa đề là Thiên linh cái với nội dung xoay quanh vụ sát nhân hàng loạt gây chấn động dư luận vào 20 năm trước tại Đồng Tháp. Do kiểm duyệt, phim phải dời lịch hơn nửa năm và cắt bỏ nhiều cảnh ghê rợn. Tác phẩm của đạo diễn Hàm Trần cũng phải đổi luôn từ thể loại kinh dị sang giật gân. Sau khi ra rạp, nhiều diễn viên như Hoàng Yến Chibi, Quang Tuấn bày tỏ sự thất vọng khi bản phim cuối cùng không giống những gì họ từng thực hiện.
Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! (2019): Vốn dự kiến lên sóng HBO ngày 10/11/2019, nhưng trước giờ G, bộ phim của đạo diễn Phan Đăng Di bỗng bị thay thế bằng một tác phẩm khác tại thị trường Việt Nam. Lý do được đưa ra là Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! chứa nhiều cảnh nóng không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Phim cuối cùng cũng được công chiếu, nhưng một số cảnh nóng mang ý đồ nghệ thuật đã bị lược bỏ.
Chàng trai năm ấy (2014): Không chứa nội dụng gây tranh cãi, Chàng trai năm ấy vướng lùm xùm kiểm duyệt xoay quanh việc ca khúc Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng M-TP thể hiện dính nghi vấn đạo nhạc Because I Miss You của Jung Yong Hwa. Cuối cùng, giọng ca Hãy trao cho anh phải thay phần beat của bài hát chủ đề thì bộ phim mới được cấp phép ra rạp.
Rừng xác sống (2014): Lê Văn Kiệt có lẽ là đạo diễn long đong nhất với quá trình kiểm duyệt. Sau Bẫy cấp 3, một bộ phim khác của anh là Rừng xác sống cũng bị cấm ra rạp. Tác phẩm xoay quanh một nhóm bạn trẻ người Mỹ đến Việt Nam du lịch và đụng phải đàn zombie khát máu. Đây cũng là bộ phim xác sống đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Song, phim đành phải lỗi hẹn với khán giả bởi có quá nhiều hình ảnh kinh dị, bạo lực và máu me.
Bụi đời Chợ Lớn (2013): Bụi đời Chợ Lớn đánh dấu sự trở lại của anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn với dòng phim hành động từ sau Dòng máu anh hùng (2009). Phim xoay quanh cuộc chiến tranh giành địa bàn giữa các băng nhóm giang hồ ở khu vực Chợ Lớn, TP.HCM. Vốn dự kiến ra rạp tháng 4/2013, tác phẩm phải dời lịch để chỉnh sửa, cắt gọt vì quá bạo lực. Tuy nhiên, đến tháng 6, tác phẩm bị cấm chiếu hoàn toàn do chưa "chỉnh sửa tổng thể”. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, anh chỉ có thể điều chỉnh một vài cảnh phim trong điều kiện kinh phí cho phép, chứ không thể thay đổi kịch bản và nội dung toàn bộ như yêu cầu.
Bẫy cấp 3 (2012): Bẫy cấp 3 của Lê Văn Kiệt là một bộ phim khác bị cấm chiếu. Tác phẩm xoay quanh một nhóm học sinh cấp III cùng nhau tổ chức đi du ngoạn Đà Lạt. Song, họ lần lượt trở thành nạn nhân của một kẻ sát nhân hàng loạt. Ngay trong trailer, khán giả có thể biết lý do khiến bộ phim không thể ra rạp. Dù nhân vật chính chỉ là học sinh, Bẫy cấp 3 lại chứa nhiều cảnh nóng phản cảm, cùng nội dung giết người không phù hợp độ tuổi.
Bi, đừng sợ! (2011): Bi, đừng sợ! từng bị ngó lơ và không được ra rạp trước khi đoạt giải tại Tuần lễ Phê bình phim (Critics Week) trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes lần thứ 63. Song, bản phim chiếu rạp Tại Việt Nam cũng không hề trọn vẹn. Nhiều cảnh nóng có ý nghĩa kết nối mạch phim, làm rõ tình huống cũng như tính cách nhân vật, đã bị cắt gọt mạnh tay. Bộ phim trở nên rời rạc và tối nghĩa ở nhiều phân đoạn khiến khán giả nước nhà không khỏi ngơ ngác trước những gì mình được theo dõi.
![]() |
![]() |
|
Hình ảnh đầu tiên từ phim 18+ ‘Người tình’ của Minh Tú | Phim 18+ của Minh Tú ra rạp sau 4 năm lận đận vì kiểm duyệt |