Trong 6 lần được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ, các phiên bản năm 1997 và 2003 của Thiên long bát bộ đến giờ vẫn chinh phục được khán giả. Song, hai lần chuyển thể gần nhất phải hứng chịu vô số gạch đá.
Trong số các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, Thiên long bát bộ là bộ tiểu thuyết dài nhất với hơn 2 triệu chữ, khiến vị tác giả tốn nhiều thời gian nhất để sáng tác. Bởi số lượng nhân vật đông đảo, Thiên long bát bộ ít được giới làm phim chuyển thể lên màn ảnh hơn so với các tác phẩm khác của tiểu thuyết gia.
Thiên long bát bộ 1982
Diễn viên chính: Thang Trấn Nghiệp, Huỳnh Nhật Hoa, Lương Gia Nhân, Trần Ngọc Liên, Huỳnh Hạnh Tú
Số tập: 50
Điểm Douban: 8,1/10
Đây là lần chuyển thể đầu tiên và được chính Kim Dung nhận định là phiên bản bám sát nguyên tác nhất. Trong phim, nhân vật chính là Đoàn Dự (Thang Trấn Nghiệp), chứ không phải Kiều Phong do Lương Gia Nhân thủ vai. Nếu đã đọc tiểu thuyết gốc, khán giả có thể dễ dàng nhận ra mọi tình tiết đều có liên quan trực tiếp đến Đoàn Dự. Mở đầu và kết thúc câu chuyện đều là nhân vật này, hay ngay cả tựa đề Thiên long bát bộ cũng được lấy theo pháp danh của một trong tám vị thần hộ pháp trong Kinh Phật được các đời vua Đại Lý thờ phụng.
Lương Gia Nhân cũng được Kim Dung công nhận là người tái hiện thành công hình tượng Kiều Phong trong trí tưởng tượng của ông. Phân đoạn so tài cao thấp giữa Bắc Kiều Phong và Nam Mộ Dung (Thạch Tú) được đánh giá rất cao khi nam diễn viên họ Lương thể hiện xuất sắc khí chất hào sảng của anh hùng phương Bắc. Trong khi đó, Thạch Tú lại toát lên phong thái lãng tử, tính cách kiêu ngạo, lạnh lùng của một cao thủ võ công phương Nam.
Trong phim, nam diễn viên Huỳnh Nhật Hoa chấp nhận cạo đầu để đóng vai Hư Trúc, mặc cho nhiều lời dị nghị tại thời điểm đó. Đổi lại, nhân vật của ông trở thành hình mẫu tiêu biểu để các diễn viên thế hệ sau này học hỏi.
Điều duy nhất khiến khán giả hiện đại không hài lòng là các cảnh quay trong phim còn đơn giản, kỹ xảo có phần thô sơ vụng về, thô sơ do sự hạn chế của kỹ thuật làm phim vào thập niên 1980.
Thiên long bát bộ 1990
Diễn viên chính: Huệ Thiên Tứ, Quan Lễ Kiệt, Tống Cương Lăng, Thôi Hạo Nhiên, Trương Vịnh Vịnh
Số tập: 20
Điểm Douban: 4,7/10
Thiên long bát bộ (1990) do hãng phim CTV của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất. Đây là phiên bản có thời lượng ngắn nhất và bị cải biên khá nhiều nên không được lòng người hâm mộ nguyên tác. Trong phim, Đoàn Dự và Hư Trúc bị nhập thành một nhân vật do Quan Lễ Kiệt thể hiện, Vương Ngữ Yên và Mộng Cô cũng trở thành một người (Tống Cương Lăng), còn A Châu và A Tử do một mình Trương Vịnh Vịnh đảm nhận.
Bộ phim cố gắng biến hóa nội dung nhằm tạo ra sự khác biệt nhưng không thành công. Các cảnh võ thuật trong phim còn thiếu thuyết phục, bị khán giả so sánh với "hội người cao tuổi múa võ". Không những vậy, chính cách thể hiện nhân vật quá mờ nhạt và kém hấp dẫn của dàn diễn viên khiến phiên bản sớm rơi vào quên lãng.
Nam diễn viên Huệ Thiên Tứ từng thủ vai Lục Quan Anh trong Anh hùng xạ điêu (1983), Phó Hồng Tuyết trong Phó Hồng Tuyết Truyền Kỳ (1989), Trung Nguyên Nhất Điểm Hồng trong Sở Lưu Hương: Biên Bức Truyền Kỳ (1984). Song, ông không thể tỏa sáng trong vai Kiều Phong.
Thiên long bát bộ 1997
Diễn viên chính: Huỳnh Nhật Hoa, Trần Hạo Dân, Phàn Thiếu Hoàng, Lý Nhược Đồng, Lưu Cẩm Linh
Số tập: 45
Điểm Douban: 9/10
Không phải ngẫu nhiên mà Lý Thiêm Thắng được mệnh danh là "nhà sản xuất vàng" của đài TVB. Trong các phiên bản đã ra mắt, Thiên long bát bộ 1997 nhận được nhiều lời khen ngợi nhất với điểm số gần như tuyệt đối trên Douban. Tuy biên kịch Lương Vịnh Mai đã cải biên nội dung một chút để tăng thêm sự kịch tính, nhưng các tình tiết kinh điển mà nhà văn Kim Dung tạo ra trong nguyên tác vẫn được thể hiện trọn vẹn xuyên suốt tác phẩm.
Kiều Phong (Huỳnh Nhật Hoa) được khán giả yêu mến với tính cách hào sảng, uy phong và ngay thẳng. Cả hai nhân vật Hư Trúc, Đoàn Dự do lần lượt Phàn Thiếu Hoàng và Trần Hạo Dân đảm nhận đều rất xuất sắc. Từ ngoại hình cho đến lối diễn, bộ ba đều tỏ ra vô cùng phù hợp.
Ngoài ra, điểm bứt phá bất ngờ của phiên bản 1997 đến từ Vương Ngữ Yên của Lý Nhược Đồng. Sở hữu phong thái dịu dàng, nữ diễn viên truyền tải thành công khí chất thần tiên, thoát tục của nhân vật, khiến người xem mê đắm và tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Được đầu tư bởi ông lớn TVB, bộ phim sử dụng kỹ thuật quay phim hiện đại nhất thời bấy giờ, giúp đem tới những màn tỷ thí võ thuật đẹp mắt. Có một vài điểm trừ nhỏ dành cho phiên bản như các phân đoạn ở Nhạn Môn Quan hay hoàng cung Đại Lý trông còn giả tạo, hay phục trang dành cho một số nhân vật chưa thực sự hợp lý.
Thiên long bát bộ bản 2003
Diễn viên chính: Hồ Quân, Lâm Chí Dĩnh, Lưu Diệc Phi, Lưu Đào, Cao Hổ, Tu Khánh
Số tập: 40
Điểm Douban: 8,4/10
Thiên long bát bộ 2003 đã khắc phục toàn bộ điểm yếu của bản phim năm 1997 và nhận được nhiều lời khen dành cho diễn xuất, diễn viên, sự trung thành với nguyên tác... Ngoại cảnh bộ phim “đè bẹp” bản năm 1997 với những khung hình hoành tráng và hùng vĩ của núi non, sông nước. Thiết kế trang phục, cách trang điểm và làm tóc cho từng nhân vật cũng vô cùng tỉ mỉ.
Nhà sản xuất cẩn thận lựa chọn từng gương mặt diễn viên. Hồ Quân có phong cách điển hình của người đàn ông chững chạc, không bảnh bao bắt mắt, nhưng luôn tỏa ra sự mạnh mẽ cuốn hút. Kiều Phong của nam diễn viên được bình chọn là phiên bản nam tính nhất, với thân hình cao to cùng làm da rám nắng.
Vai nữ nổi bật nhất phải kể đến Vương Ngữ Yên do Lưu Diệc Phi thể hiện. Cô là diễn viên trẻ tuổi nhất từng vào vai “thần tiên tỷ tỷ”, đồng thời là phiên bản đẹp nhất từ trước đến nay.
Tân Thiên long bát bộ (2013)
Diễn viên chính: Chung Hán Lương, Kim Ki Bum, Hàn Đống, Trương Mông, Giả Thanh
Số tập: 54
Điểm Douban: 4,5/10
Sau hai phiên bản thành công liên tiếp, Tân Thiên long bát bộ lại chịu số phận trái ngược. Thay vì khai thác nội dung về các anh hùng hảo hán và những màn tỉ thí võ thuật, bộ phim biến tấu thành câu chuyện ngôn tình ướt át khi tập trung vào khía cạnh tình cảm của các nhân vật.
Ngoài ra, nhà sản xuất giao vai Đoàn Dự cho một diễn viên nước ngoài. Những tưởng đây sẽ là điểm nhấn, nhưng diễn xuất yếu kém của Kim Ki Bum đã gây tác dụng ngược. Dù sở hữu gương mặt điển trai, tài tử Hàn Quốc chắc chắn không thể sánh ngang Trần Hạo Dân hay Lâm Chí Dĩnh khi đảm nhận vai Đoàn Dự. Khí chất của một hoàng tử Đại Lý như biến mất khi Kim Ki Bum xuất hiện.
Chưa hết, bộ phim còn nhận điểm trừ lớn khi phần phục trang tỏ ra lòe lẹt tới mức quê mùa với các gam màu đỏ, xanh dương, xanh nõn chuối mà không hề có họa tiết đi kèm.
Ưu điểm lớn nhất của Tân Thiên long bát bộ là ngoại cảnh hoành tráng và đẹp mắt. Đồng thời, đây là phiên bản đầu tiên được chính tay Kim Dung cứu vớt khi ông đồng ý làm cố vấn, phụ trách tinh chỉnh toàn bộ nội dung. Bản phát trên đài Hồ Nam chỉ dài 30 tập. Nhưng sau khi được chính tay “cha đẻ" chỉnh sửa và lên sóng lần hai trên đài truyền hình Chiết Giang, bộ phim có đôi chút cải thiện về mặt nội dung với thời lượng 45 tập.
Thiên long bát bộ 2021
Diễn viên chính: Dương Hựu Ninh, Bạch Chú, Trương Thiên Dương, Văn Vịnh San, Tô Thanh
Số tập: 50
Điểm Douban: 3,5/10
Thiên long bát bộ 2021 là bản chuyển thể mới nhất, đồng thời hiện là phiên bản có điểm Douban thấp nhất với 61% khán giả chấm điểm một sao.
Bộ phim bị đánh giá có nội dung rời rạc và thiếu tính liên kết. Việc đạo diễn Vu Vinh Quang dùng những tập đầu tiên để giới thiệu xuất thân của toàn bộ tuyến nhân vật khiến nhiều khán giả khó lòng nắm bắt câu chuyện chính. Không những thế, Hư Trúc, Vương Ngữ Yên đáng ra phải xuất hiện muộn lại được đưa lên đầu phim, khiến mạch truyện trở nên hỗn loạn.
Diễn xuất trong phim khiến không ít người xem ngao ngán khi nam chính Kiều Phong (Dương Hựu Ninh) bị đánh giá là thiếu khí phách, tuy sở hữu tạo hình phong trần nhưng lại không thể hiện được nét đặc trưng hoang dã của nhân vật. Đoàn Dự (Bạch Chú) không có sự phóng khoáng, bị biến thành kẻ khờ khạo và yếu đuối. Ngược lại, Hư Trúc vốn là tiểu hòa thượng ngoại hình bình thường, nhút nhát, nhưng lại do Trương Thiên Dương có khuôn mặt điển trai, cách diễn linh hoạt đảm nhận.
Những tưởng kỹ xảo sẽ là điểm cộng của phiên bản 2021, nhưng bộ phim thêm thắt hiệu ứng quay chậm một cách vô tội vạ. Cùng với đó, việc ê-kíp lạm dụng kỹ xảo khiến các cảnh giao đấu trở nên thiếu uy lực. Có những lúc các đại hiệp chạm trán mà chẳng cần chạm vào người đối phương, đôi bên cứ thế "tung chưởng" gượng gạo vào không khí.
Tin liên quan:
>> 'Thiên long bát bộ 2021' hứng chịu chỉ trích khi vừa lên sóng
>> Các tạo hình bị cười chê trong ‘Thiên long bát bộ 2021’