Những bộ phim gây sốc vì cái kết quá bất ngờ - TrueID

Những bộ phim gây sốc vì cái kết quá bất ngờ

Khắc Nguyễn (TrueID)June 23, 2021

Nhờ thủ pháp đánh lạc hướng tài tình, nhiều đạo diễn khiến người xem bị sốc bởi kết phim vượt xa mọi dự đoán.

“Cá trích đỏ” (red herring) là thuật ngữ dùng để chỉ một thứ được tạo ra nhằm đánh lạc hướng hoặc gây hiểu nhầm khi tranh luận. Trong điện ảnh, nhiều đạo diễn đã sử dụng thủ pháp này để dẫn dắt suy nghĩ của khán giả theo một hướng hoàn toàn khác so với cái kết thật sự.

null

Captain America: Civil War (2016): Từ đầu phim, Zemo (Daniel Brühl) tỏ ra ám ảnh với việc trả thù nhóm Avengers và dự án Winter Soldier. Về sau, Civil War tiết lộ rằng Bucky (Sebastian Stan) chỉ là một trong số nhiều Chiến binh Mùa đông được tạo ra tại căn cứ ở Siberia. Nhưng do tâm lý bất ổn, đám siêu chiến binh đã được cho ngủ đông. Người hâm mộ đều đoán rằng Bucky và Captain America (Chris Evans) sẽ làm hòa với Iron Man (Robert Downey Jr.) để cùng nhau hợp lực chống lại nhóm người kia. Song, Zemo hóa ra cũng thù ghét các siêu chiến binh và âm thầm sát hại chúng. Âm mưu thực sự của gã là dùng đoạn phim Bucky sát hại cha mẹ Tony Stark để khiến nhóm Avengers tan rã mãi mãi.

null

Inception (2010): Tác phẩm khoa học viễn tưởng của Christopher Nolan tạo ra một loạt tình tiết không rõ ở đời thực hay các tầng giấc mơ khác nhau. Phim kết thúc với việc Dom Cobb (Leonardo DiCaprio) hoàn thành nhiệm vụ và được tha bổng để trở vê Mỹ và đoàn tụ với hai con. Tuy nhiên, Inception kết thúc khi con quay vẫn chưa ngã xuống và làm dấy lên câu hỏi liệu đây là mơ hay thực. Nolan cũng không đưa ra câu trả lời rõ ràng, mà chỉ nói rằng mọi thứ không còn quan trọng với Cobb nữa. Tay trộm giấc mơ đơn giản chấp nhận mọi thực tại, miễn là anh được gần với các con.

null

The Mist (2007): The Mist dành nhiều thời lượng để thuyết phục khán giả rằng loài người đã bị tận diệt khi một thí nghiệm quân sự thất bại khiến vô số quái vật tràn đến Trái Đất thông qua màn sương. Điều này được thể hiện rõ qua việc David (Thomas Jane) cùng con trai và một số người sống sót chạm mặt con quái vật khổng lồ có kích thước bằng tòa nhà chọc trời. Họ đành đưa ra quyết định khó khăn là tự sát thay vì trở thành mồi ngon cho đám sinh vật khát máu. Song, chỉ vài phút sau khi David nổ súng sát hại mọi người lẫn con trai, quân đội xuất hiện và quét sạch lũ quái vật. Hóa ra, họ đã có thể sống sót nếu như chịu chờ đợi thêm ít phút nữa.

null

No Country for Old Men (2007): Bộ phim giật gân của anh em nhà Coen ban đầu có cấu trúc giống như những tác phẩm Viễn Tây cổ điển. Do đó, khán giả đã mong đợi hai “người hùng” Llwellyn Moss (Josh Brolin) và Cảnh sát trưởng Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones) có màn đối mặt rồi đánh bại kẻ phản diện Anton Chigurh (Javier Bardem) ở cuối phim. Đáng buồn thay, Moss bị một băng đảng Mexico sát hại 25 phút trước khi No Country for Old Men kết thúc. Bộ phim kết thúc lặng lẽ bằng việc Bell thừa nhận Chigurh đã vượt mặt ông và trốn thoát thành công với số tiền.

null

Memento (2000): Bộ phim cân não của Christopher Nolan hướng người xem theo hành trình trả thù của Leonard Shelby (Guy Pearce) với kẻ đã cưỡng hiếp và giết chết vợ anh là Catherine (Jorja Fox). Bị thu hút bởi lối kể chuyện phi tuyến tính và đầy nút thắt, khán giả dần tin rằng Teddy (Joe Pantoliano) là hung thủ. Trên thực tế, Catherine đã sống sót sau cuộc tấn công ban đầu, và chính Leonard đã vô tình giết cô bằng việc tiêm quá liều insulin do chứng hay quên của anh. Hơn nữa, Leonard và Teddy đã giết kẻ tấn công thực sự hơn một năm trước đó. Việc Leonard tự định hình Teddy là hung thủ cốt chỉ để tránh đối mặt với thực tế anh mới chính là người giết Catherine.

null

The Sixth Sense (1999): Ngày nay, cái kết của The Sixth Sense không còn quá mới mẻ. Nhưng tại thời điểm phim ra mắt, nó đã tạo ra cơn sốt khi gây sốc cho toàn bộ khán giả. Trọng tâm của tác phẩm do M. Night Shyamalan thực hiện tập trung vào việc nhà tâm lý học trẻ em Malcolm Crowe (Bruce Willis) cố gắng giúp đỡ Cole Sear (Haley Joel Osment) - cậu bé có thể nhìn thấy và giao tiếp với người chết. Nội dung này được bám sát và phát triển trọn vẹn đến gần cuối phim - khi Malcolm bất ngờ được hé lộ là đã chết. Nút thắt sau này được nhiều nhà làm phim khác học hỏi, nhưng khó lòng tạo được cảm xúc như bản gốc.

null

Saw (2004): Saw là một trong những bộ phim kinh dị thành công nhất lịch sử khi có doanh thu cao gấp gần 100 lần kinh phí và mở ra thương hiệu phim kéo dài đến tận hôm nay. Ngoài yếu tố kinh dị máu me, thứ giúp tác phẩm ghi dấu ấn chính là danh tính thực sự của kẻ chủ mưu. Bối cảnh Saw diễn ra trong một nhà tắm tối tàn cùng thi thể bí ẩn ngay giữa căn phòng. Hai nạn nhân buộc phải tham gia vào trò chơi sinh tử của tên sát nhân Jigsaw (Tobin Bell) để thoát ra ngoài. Đến cuối phim, gã được tiết lộ chính là cái xác đã giả chết xuyên suốt bộ phim.

null

The Usual Suspects (1995): Bộ phim của Bryan Singer là một chuỗi “tung hỏa mù” xoay quanh danh tính thực sự của tay trùm tội phạm Keyser Söze. Khán giả tin rằng lời khai dài dòng, siêu phức tạp của Verbal Kint (Kevin Spacey) với nhân viên hải quan Dave Kujan (Chazz Palminteri) cuối cùng sẽ khiến Söze lộ diện. Song, kết phim tiết lộ rằng tên trùm đã ở ngay trước mắt mọi người suốt thời gian qua. Đó chính là Kint và gã đã nhanh chóng dựng lên một câu chuyện bịa đặt bằng cách dựa vào các bảng thông báo ngay tại phòng thẩm vấn.

null

Psycho (1960): Alfred Hitchcock đã dùng nhiều thủ pháp đánh lạc hướng liên tiếp trong Psycho để ngăn cản khán giả khám phá ra sự thật cuối cùng. Ban đầu, bộ phim dường như tập trung vào nữ “đạo chích” Marion Crane (Janet Leigh). Song, cô nhanh chóng bị sát hại không lâu sau đó. Lúc này, sự nghi ngờ được hướng vào mẹ của Norman Bates (Anthony Perkins) hoặc một thế lực thứ ba nào đó. Song, Bates hóa ra mới là kẻ sát nhân đa nhân cách. Gã đã đóng giả làm mẹ mình - người cũng bị y sát hại - suốt bấy lâu nay.

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...