House of Gucci khắc họa những năm tháng đầy sóng gió của gia tộc Gucci trước khi các thành viên gia tộc hoàn toàn bị đẩy khỏi tập đoàn. Bộ phim có nhiều tình tiết khác biệt so với ngoài đời thực.
Mở đầu House of Gucci là dòng chữ “Lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật”. Bộ phim của đạo diễn Ridley Scott có nhiều tình tiết khác biệt so với đời thực, với nội dung chủ yếu dựa trên cuốn sách House of Gucci: A Sensational Story of Murder, Madness, Glamour and Greed (2000) của Sara Gay Forden.
Tâm điểm của tác phẩm là mối quan hệ giữa Maurizio Gucci (Adam Driver) với người vợ Patrizia Reggiani (Lady Gaga). Cuộc hôn nhân đổ vỡ và những lùm xùm đằng sau rốt cuộc dẫn đến vụ mưu sát Maurizio vào năm 1995 do chính Patrizia dàn dựng.
Bộ phim "House of Gucci" gây tò mò khi xoay quanh những cuộc đấu đá và bi kịch của gia tộc Gucci.
Dù House of Gucci có thời lượng rất dài, bộ phim đã lược bỏ không ít chi tiết hoặc nhân vật, như Maurizio và Reggiani thực tế có hai con gái, không phải một như trên phim; hay Aldo Gucci (Al Pacino) không chỉ có một mình Paolo Gucci (Jared Leto), mà còn hai người con trai khác.
Roberto Gucci, một trong những người con của Aldo không xuất hiện trên phim, từng mở công ty đồ da ở Florence (Italy) sau khi bán số cổ phần công ty mà mình nắm giữ. Ông có lần phát biểu: “Gucci từng là gia tộc vĩ đại. Tôi mong mọi người tha thứ cho tất cả lỗi lầm của gia đình. Có ai không từng mắc sai lầm?”.
Nếu đi sâu vào từng nhân vật, khán giả có thể tiếp tục thấy những điểm thú vị của họ trên màn ảnh cũng như ngoài đời thực.
Patrizia Reggiani (Lady Gaga)
Do lên kế hoạch mưu sát Maurizio Gucci, Patrizia Reggiani lĩnh án 29 năm tù. Đến năm 2016, tức sau khi ngồi tù 18 năm, bà được thả tự do. Patrizia lẽ ra có thể ra tù sớm hơn từ đầu thập niên 2010, nhưng đã từ chối lời đề nghị lao động công ích của chính quyền. Khi ấy, bà phát biểu: “Tôi chưa từng làm việc ngày nào trong đời, và giờ cũng không”. Trong quãng thời gian ngồi khám, Patrizia từng có lần cố tự sát, nhưng đã được cứu mạng kịp thời.
Sau khi ra tù, Patrizia Reggiani tiếp tục cố gắng trở thành tâm điểm dư luận. Bà có lần phát biểu về lý do thuê sát thủ ám sát chồng cũ rằng: “Mắt tôi không tinh lắm, tôi không muốn bắn trượt”.
Hồi tháng 11/2020, Patrizia giành chiến thắng tại Tòa án Tối cao Italy trước hai con gái Alessandra và Allegra Gucci. Vụ việc liên quan tới số tiền cấp dưỡng 1,47 triệu USD mỗi năm mà gia đình Gucci phải chi trả sau khi Patrizia và Maurizio đường ai nấy đi. Hai người con gái muốn cắt đứt số tiền này của bà, nhưng không thành công. Trước đó, cả Alessandra lẫn Allegra từng bị cáo buộc trốn thuế, nhưng chính quyền không có đủ bằng chứng để kết tội.
Maurizio Gucci (Adam Driver)
Cuốn sách của Forden trích dẫn một phát biểu đáng chú ý của Rodolfo Gucci: “Một khi Maurizio nắm tiền và quyền lực, nó sẽ thay đổi”. Điều đó thực sự đã xảy ra và sự hoang phí của Maurizio Gucci đã góp phần đẩy gia đình tới bi kịch, khiến tập đoàn Gucci nay không còn bất cứ thành viên nào của gia tộc.
Ngoài đời thực, Maurizio không đuổi hai mẹ con Patrizia từ Thụy Sĩ về Italy như trên phim. Năm 1985, cảm thấy chán nản trước sự thao túng của vợ mình, ông gói ghém đồ đạc rời khỏi nhà, rồi nhờ một người bạn nhắn cho Patrizia rằng mình sẽ không trở về.
Aldo Gucci (Al Pacino)
Aldo là con trai cả của Guccio Gucci - người sáng lập thương hiệu. Đúng như trên phim, Aldo Gucci được cho là người đã lèo lái nhãn hiệu lên tầm thế giới, trở thành biểu tượng của sự giàu sang.
Do con trai Paolo, Aldo đã phải nhận án 1 năm 1 ngày tù tại Mỹ vì các tội danh trốn thuế khi ở tuổi 81. Năm 1989, ông bán toàn bộ cổ phần Gucci của mình và qua đời sau đó một năm.
Paolo Gucci (Jared Leto)
Đây là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong House of Gucci. Nhiều người liên quan tới gia tộc Gucci ngoài đời thực, trong đó có nhà thiết kế Tom Ford, đã nhận xét màn thể hiện của Jared Leto quá khác đời thực.
Cũng chính Ford cho rằng những mẫu thiết kế của Paolo rất giàu tiềm năng, chứ ông không hoàn toàn bất tài như trên màn ảnh.
Nắm 3,3% cổ phần Gucci, Paolo Gucci từng là nhà thiết kế của thương hiệu trong cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, cũng như tham gia vào quá trình sáng tạo nên logo hai chữ G huyền thoại.
Giống trong phim, ông muốn mở dòng sản phẩm riêng, nhưng bị cả Aldo lẫn Rodolfo phản đối. Điều khác biệt là năm 1980, bộ sưu tập đầu tiên của Paolo Gucci được ngợi khen, và chính cha cùng chú của ông là những người ngăn ông tiếp tục sử dụng tên Gucci.
Paolo Gucci đã bỏ ra 5 triệu USD nhằm kiện lại tập đoàn Gucci. Chính quyền vào cuộc và phát hiện ra sai phạm về thuế của Aldo Gucci tại Mỹ, chứ không phải do Paolo trao giấy tờ sổ sách cho Maurizio như trong phim.
Tuy nhiên, đúng là Maurizio Gucci đã can thiệp vào một buổi giới thiệu sản phẩm dưới nhãn hiệu PG của Paolo vào năm 1986. Maurizio được cho là muốn trả đũa việc bị anh họ tố cáo đã làm giả chữ ký của cha nhằm thừa kế 50% cổ phần.
Dù nhận 45 triệu USD tiền bán cổ phần ở Gucci sau khi dẹp bỏ PG, đến năm 1993, Paolo Gucci đã đệ đơn phá sản, rồi qua đời trong nghèo khó tại London (Anh) vào năm 1995.
Rodolfo Gucci (Jeremy Irons)
Rodolfo Gucci là con trai út của Guccio Gucci, từng là diễn viên điện ảnh trước khi tham gia công việc kinh doanh gia đình hậu Thế chiến II. Năm 1954, vợ ông - Alessandra Winkelhausen Gucci - qua đời ở tuổi 44. Cái tên Maurizio được đặt theo nghệ danh của Rodolfo - Maurizio D’Ancora.
Cuối đời, Rodolfo mắc bệnh ung thư và thực hiện tác phẩm tài liệu The Film of My Life nhằm kể lại cuộc đời mình. Ông cũng từng dặn dò Maurizio hãy tìm cách bảo vệ di sản của gia tộc.
Trong phim, một tình tiết quan trọng là việc Rodolfo qua đời vào năm 1983 mà không kịp ký giấy xác nhận trao lại 50% cổ phần Gucci cho Maurizio Gucci. House of Gucci chỉ ám chỉ rằng Patrizia Reggiani đã giả chữ ký của ông. Ngoài đời thực, một trợ lý lâu năm của Rodolfo đã khẳng định với chính quyền rằng Patrizia đã ra tay.
Paola Franchi (Camille Cottin)
Sở hữu ngoại hình cao ráo, gầy gò cùng mái tóc vàng nổi bật, Paola Franchi là bạn gái của Maurizio Gucci sau khi ông chia tay Patrizia Reggiani. Ngoài đời, Paola đã chuyển tới sống với Maurizio tại căn biệt thự sang trọng ở Milan cùng con trai riêng Charly - nhân vật không xuất hiện trong phim.
Paola Franchi vốn quen Maurizio Gucci từ thuở thiếu thời, nhưng hai người chỉ thực sự có mối quan hệ tình cảm từ năm 1990 sau khi họ tái ngộ ở một hộp đêm tại St. Moritz (Thụy Sĩ).
Paola đã bị Patrizia Reggiani đuổi khỏi dinh thự ở Milan chỉ vài giờ sau khi vụ ám sát Maurizio xảy ra. Trước đó, Patrizia tìm mọi cách để ngăn cản chồng cũ kết hôn với Paola. Bởi nếu điều đó xảy ra, số tiền trợ cấp dành cho Patrizia sẽ bị cắt giảm một nửa.
Năm 2001, cậu con trai Charly của bà tự sát và Paola sau đó đã thành lập quỹ ủng hộ các thiếu niên gặp rắc rối tâm lý hoặc có ý định tự sát. Đến năm 2010, Paola Franchi trìnFh làng cuốn tự truyện The Broken Love nhằm kể lại mối quan hệ ồn ào giữa mình với Maurizio Gucci. Khi được hỏi liệu có phải bà đến với Maurizio vì tiền, Paola trả lời rằng đó là điều phi lý bởi chồng trước của bà - Giorgio Colombo - còn giàu hơn.
Pina Auriemma (Salma Hayek)
Trong phim, Patrizia Reggiani gọi điện thoại cho bà đồng Pina Auriemma sau khi xem TV. Trên thực tế, họ gặp nhau lần đầu tại một cơ sở chăm sóc spa ở đảo Ischia (Italy). Patrizia đến đó cùng Maurizio, và hai người phụ nữ nhanh chóng trở thành bạn thân.
Pina không phải là người duy nhất Patrizia Reggiani bàn bạc về vụ sát hại Maurizio. Patrizia từng hỏi người giúp việc xem có quen biết ai dám ra tay, đồng thời nhờ luật sư pháp lý tư vấn về bản án mình có thể phải nhận nếu tự thực hiện hành vi ám sát chồng.
Do là tòng phạm trong vụ ám sát khi giúp Patrizia Reggiani tìm người ra tay, Pina bị kết án 25 năm tù. Bà được trả tự do sớm hồi 2010.
Salma Hayek, người vào vai Pina trong House of Gucci, là bà xã của François-Henri Pinault. Pinault vốn là CEO của Kering - tập đoàn hiện sở hữu Gucci. Chính ông là người đã cho phép đoàn phim House of Gucci sử dụng tên thương hiệu, cũng như các tài liệu liên quan tới lịch sử Gucci.
Tom Ford (Reeve Carney)
Tom Ford lần đầu tới Gucci vào năm 1990, rồi được thăng thức giám đốc sáng tạo sau đó 4 năm. Các mẫu thiết kế của Ford đã giúp thương hiệu hồi sinh vào những năm cuối cùng thế kỷ 20.
Tuy nhiên, những điều này xảy ra sau khi cổ phần của Maurizio Gucci đã bị thâu tóm. Việc Maurizio đến chúc mừng Tom Ford sau buổi diễn thành công như trên màn ảnh là không có thật.
Đến năm 2004, Tom Ford rời thương hiệu để mở dòng sản phẩm riêng. Ông hiện là chủ tịch Hội đồng Thiết kế Thời trang Mỹ, đồng thời là một đạo diễn điện ảnh thành công. Hai bộ phim của Ford là A Single Man (2009) và Nocturnal Animals (2016) đều được báo chí quốc tế đánh giá cao.
Domenico De Sole (Jack Huston)
Sinh ra ở Italy, Domenico De Sole là luật sư tốt nghiệp tại Đại học Harvard và được Rodolfo Gucci thu nạp sau lần dám chống lại Aldo Gucci tại một cuộc họp. Theo những sự kiện diễn ra trong phim, Domenico trở thành CEO của Gucci America vào năm 1984, và Gucci Group trong khoảng 1994-2004.
Báo chí quốc tế đánh giá Domenico De Sole là người có đầu óc kinh doanh nhạy bén và đã cùng Tom Ford tạo nên màn hồi sinh ngoạn mục cho Gucci từ giữa thập niên 1990. Ông trở thành chủ tịch của Tom Ford International sau khi hai người rời khỏi Gucci vào năm 2004. Bộ đôi khi ấy không đạt được thỏa thuận với Pinault-Printemps-Redoute/Kering trong công việc nên quyết định ra đi.
Tin liên quan:
>> 'House of Gucci' và phim siêu anh hùng gần như trắng tay tại Oscar 2022
>> Jared Leto ẵm đề cử Mâm xôi Vàng vì 'House of Gucci'