10 bộ phim nổi tiếng bị 'ném đá' vì chiến dịch quảng bá sai lầm - TrueID

10 bộ phim nổi tiếng bị 'ném đá' vì chiến dịch quảng bá sai lầm

Khắc Nguyễn (TrueID)May 26, 2021

Thay vì giúp bộ phim được công chúng biết đến rộng rãi, nhiều chiến dịch quảng bá sai lầm khiến tác phẩm bị phản ứng tiêu cực.

null

Khuyến khích người xem trở lại rạp trong bối cảnh đại dịch - Tenet (2020): Bom tấn của Christopher Nolan từng được kỳ vọng là “cứu tinh” phòng vé trong thời buổi Covid-19 hoành hành. Bất chấp mức độ nguy hiểm của đại dịch, Warner Bros. lại đẩy mạnh một chiến dịch quảng bá với các trailer và poster thể hiện phim “chỉ chiếu ở rạp” và “nơi rạp mở cửa”. Nhiều người cho rằng việc cường điệu Tenet thành một sự kiện văn hóa mang tính lịch sử này là vô trách nhiệm. Phim cuối cùng chỉ thu được 57,9 triệu USD tại Bắc Mỹ.

null

Gợi cảm hóa trẻ em - Cuties (2020): Cuties từng nhận được vô số lời khen tại LHP Sundance 2020 nhờ sự phê phán nhạy cảm nhưng thực tế về cách xã hội tình dục hóa các cô gái trẻ. Song, quá trình quảng bá tồi tệ của Netflix đã phá hỏng tất cả. Những tấm poster in hình các nhân vật chính nhỏ tuổi tạo dáng gợi cảm trong bộ quần áo thiếu vải bị chỉ trích do phản bội chính thông điệp của tác phẩm. Đạo diễn Maïmouna Doucouré thậm chí còn nhận thư dọa giết. CEO Netflix là Ted Sarandos cuối cùng phải đích thân xin lỗi khán giả và Doucouré vì sự cố này.

null

Chọc tức tất cả mọi người - The Hunt (2020): The Hunt là một trong những bộ phim gây tranh cãi và chia rẽ nhất trong năm 2020. Tác phẩm mang tính chính trị gay gắt, châm biếm cơ hội bình đẳng, chế nhạo cả những người theo chủ nghĩa tự do lẫn bảo thủ ở các mức độ khác nhau. Chiến dịch quảng bá tác phẩm cũng tập trung vào sự giằng co giữa hai phe trong hệ thống chính trị và chọc tức tất cả mọi người. Chẳng ngạc nhiên khi khán giả đồng loạt quay lưng với The Hunt.

null

Cho người hâm mộ quá khích tạo meme - Ghost in the Shell (2017): Kế hoạch nhắm tới khán giả trẻ bằng cách tạo meme của Ghost in the Shell đã thất bại thảm hại. Bởi lẽ, bộ phim bị chỉ trích dữ dội trong việc tẩy trắng nhân vật chính Motoko Kusanagi với Scarlett Johansson. Do đó, khi Paramount tung ra ứng dụng tạo meme cho tác phẩm, nhiều người hâm mộ ngay lập tức nói lên sự bức xúc. Dòng tweet của nhà phê bình Valerie Complex chứa những hình ảnh giễu nhại diễn xuất nhàm chán của Johansson và gợi ý rằng Rinko Kikuchi hợp vai hơn lan truyền nhanh đến mức chóng mặt. Hậu quả là bộ phim thua đau tại phòng vé.

null

Apocalypse bóp cổ Mystique - X-Men: Apocalypse (2016): Quá trình quảng bá của phần phim X-Men thứ 9 hiển nhiên tập trung vào Apocalypse (Oscar Isaac). Song, chiến dịch bị ném đá dữ dội do không ngừng sử dụng chi tiết tên ác nhân đang bóp cổ Mystique (Jennifer Lawrence). Ngoài trailer, hình ảnh này xuất hiện khắp các bảng quảng cáo ở New York và Los Angeles (Mỹ). Dư luận chỉ trích rằng bộ phim đang cố gắng quảng bá bằng cách bình thường hóa hình ảnh bạo lực với phụ nữ. Hãng Fox cuối cùng phải xin lỗi và rút hết mọi thông tin quảng bá trên.

null

Gửi dụng cụ chế tạo bom đinh tới họp báo - A Belfast Story (2013): A Belfast Story là bộ phim tội phạm xoay quanh các nhóm khủng bố ở Ireland. Có lẽ vì thế mà nhà sản xuất quyết định “chơi lớn” khi tặng những ai tham gia buổi họp báo một túi dụng cụ chế tạo bom đinh. Vụ việc gây tranh cãi lớn khi không ít nhà phê bình lên tiếng chỉ trích, gọi đây là bộ phim “đáng ghét nhất năm”. Cuối cùng, A Belfast Story nhận phải điểm số thấp thảm hại và bị khán giả lãng quên.

null

Quảng cáo xe hơi trong một bộ phim về môi trường - The Lorax (2012): Cuốn truyện tranh thiếu nhi kinh điển The Lorax của Dr. Seuss được yêu thích bởi thông điệp bảo vệ môi trường. Vì thế, khán giả tỏ ra khó hiểu khi bộ phim hoạt hình chuyển thể lại quảng cáo xe hơi. Thậm chí, đoạn quảng bá còn cộp mác “Thần Rừng chấp thuận” khiến người hâm mộ phẫn nộ. Nguyên nhân là bởi đội ngũ tiếp thị của The Lorax đã quá tham lam khi kí hợp đồng với hơn 70 nhãn hàng trước khi phim ra rạp.

null

Nhấn mạnh sự gợi cảm của Megan Fox - Jennifer’s Body (2009): Thời điểm năm 2009, Megan Fox trở thành biểu tượng gợi cảm qua vai Mikaela Banes trong hai phần Transformers đầu tiên của Michael Bay. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Hollywood tận dụng điều này bằng cách trao cho cô vào các vai diễn nóng bỏng. Trong đó, Jennifer’s Body khai thác tối đa Megan trong trang phục tối giản và tư thế khêu gợi trên poster. Các trailer thì nhấn mạnh vào nụ hôn giữa cô đào nóng bỏng với Amanda Seyfried. Chiến dịch truyền thông này khiến Jennifer’s Body trông không khác gì phim khiêu dâm, trong khi thực chất là một tác phẩm kinh dị máu me.

null

Chỉ trích cái tên Sarah Marshall - Forgetting Sarah Marshall (2008): Forgetting Sarah Marshall là bộ phim hài xoay quanh quá trình quên đi tình cũ xấu tính Sarah Marshall (Kristen Bell) của Peter Bretter (Jason Segel). Ê-kíp phim đã nghĩ ra cách quảng bá độc đáo khi đăng những tấm bảng lớn in lời chỉ trích, chửi rủa người yêu cũ của Peter. Song, chúng lại chỉ đích danh Sarah Mashall khiến những phụ nữ trùng tên cảm thấy tức giận. Một người tên Sarah Marshall từ Massachusetts (Mỹ) đặc biệt khó chịu với chiến dịch này tới mức đã làm một tấm bảng riêng để trả thù.

null

Tặng 1 triệu USD - Million Dollar Mystery (1987): Để quảng bá cho Million Dollar Mystery, nhà sản xuất Dino De Laurentiis nảy ra ý tưởng tặng 1 triệu USD cho bất cứ khán giả nào đoán được chiếc cặp bị mất tích trong phim nằm ở đâu bằng cách sử dụng các manh mối từ chính tác phẩm. Đây không phải con số lớn cho một chiến dịch quảng bá. Song, bộ phim có kinh phí 10 triệu USD này lại có chất lượng tệ hại đến mức thu về chưa đến 1 triệu USD. Song, nhà sản xuất vẫn phải chi hết phần doanh thu này để trả thưởng cho cô bé 14 tuổi tới từ California (Mỹ) vì đã trả lời chính xác câu đố.

 

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...