Một cách ngẫu nhiên, không ít tác phẩm điện ảnh đã tình cờ tiên đoán thảm kịch xảy ra sau đó trong khoảng thời gian ngắn.
Vụ mất tích của Madeleine McCann - Gone Baby Gone (2007): Gone Baby Gone xoay quanh vụ mất tích bí ẩn của cô bé ba tuổi Amanda McCready (Madeline O'Brien). Vụ việc được giới truyền thông đặc biệt quan tâm, trong khi các điều tra viên Patrick Kenzie (Casey Affleck) và Angie Gennaro (Michelle Monaghan) nỗ lực phá án. Khi bộ phim đang trong quá trình sản xuất, cô bé bốn tuổi người Anh là Madeleine McCann mất tích ở Bồ Đào Nha vào tháng 5/2007. Ngoài cái tên Madeline trùng hợp, sự tương đồng giữa tác phẩm và đời thực còn thể hiện ở chỗ bà mẹ của hai cô bé đều tỏ ra vô tâm trước khi bé gái bị bắt cóc.
Vợ Liam Neeson qua đời - Love Actually (2003): Trong bộ phim hài - lãng mạn của Richard Curtis, Liam Neeson vào vai Daniel - người đang gánh chịu nỗi đau mất vợ và phải một mình nuôi cậu con trai Sam (Thomas Sangster). Sáu năm sau khi Love Actually ra đời, vai diễn vận vào đời thực của ngôi sao điện ảnh một cách không ngờ. Vợ của Neeson - Natasha Richardson - qua đời trong một tai nạn trượt tuyết. Sau này, tài tử không ít lần chia sẻ về điều này trên mặt báo, đồng thời có vài lần hóa thân thành những nhân vật có số phận tương tự như ở The Grey (2011) hay hậu truyện Red Nose Day (2017) của Love Actually.
Vụ khủng bố bắn tỉa ở Mỹ - Phone Booth (2002): Trong Phone Booth, Colin Farrell vào vai người đàn ông vô tình trả lời cuộc gọi tại một bốt điện thoại công cộng, để rồi trở thành con tin của một xạ thủ. Tác phẩm của Joel Schumacher hoàn tất vào cuối năm 2000, nhưng phải mãi tới đầu 2003 mới khởi chiếu rộng rãi bởi một vụ khủng bố y hệt diễn ra ngoài đời thực. Từ tháng 2 tới tháng 10/2002, John Allen Muhammad và Lee Boyd Malvo khủng bố người dân vùng Maryland, Virginia và Washington D.C. (Mỹ) khi đã giết hại 17 người qua đường bằng súng bắn tỉa thông qua một lỗ nhỏ ở cốp xe.
Vụ bê bối tình dục của Tổng thống Bill Clinton - Wag The Dog (1997): Tác phẩm của Barry Levinson xoay quanh bê bối tình dục của Tống thống Mỹ do Michael Belson thể hiện. Để đánh lạc hướng dư luận, bác sĩ Conrad Brean (Robert De Niro) và nhà sản xuất Hollywood là Stanley Motss (Dustin Hoffman) bắt tay nhau tạo ra một cuộc chiến hư cấu. Một tháng sau khi phim trình chiếu, hành vi tình dục không đúng đắn của Tổng thống Bill Clinton với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky bị đưa ra ánh sáng. Khi ấy, chính quyền của ông tổ chức oanh tạc một nhà máy dược phẩm ở Sudan để đánh lạc hướng dư luận nhưng bất thành.
Christopher Reeve bị liệt chân - Above Suspicion (1995): Trong Above Suspicion, Christopher Reeve vào vai một sĩ quan cảnh sát bị liệt hai chân sau khi trúng đạn vào cột sống trong một vụ ẩu đả. Trớ trêu thay, chỉ 6 ngày sau khi bộ phim ra mắt, ngôi sao của loạt Superman bị liệt toàn thân sau một vụ ngã ngựa dẫn tới chấn thương đốt sống cổ. Ông cũng sớm qua đời 9 năm sau đó. Sự việc khiến người hâm mộ bị sốc và truyền tai nhau về “lời nguyền Siêu Nhân” xoay quanh số phận bi thảm của những tài tử đảm nhận vai Superman.
Sự lụi tàn của Detroit (Mỹ) - RoboCop (1987): RoboCop đặt bối cảnh ở một tương lai gần khi sự suy giảm tài chính và tỷ lệ tội phạm tăng cao biến Detroit thành “một bãi rác”. Đến phần phim thứ hai, thành phố này chính thức phá sản. Kỳ lạ thay, từ sau khi bộ phim ra mắt, thành phố Detroit ngoài đời cũng bắt đầu lụi tàn. Năm 1991, tỷ lệ tội phạm ở thành phố tăng lên mức đỉnh điểm, dân số sụt giảm, du lịch thiệt hại nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng… Năm 2013, chính quyền Detroit tuyên bố phá sản hệt như trong phim.
Sự cố Three Mile Island - The China Syndrome (1979): Bộ phim từng nhận đề cử giải Oscar theo chân phóng viên tin tức Kimberly Wells (Jane Fonda) và quay phim Richard Adams (Michael Douglas) trong cuộc điều tra một vụ rò rỉ hạt nhân bị che đậy nhằm tránh gây hoảng loạn. Chỉ 12 ngày sau khi The China Syndrome ra rạp, một lò phản ứng hạt nhân ở Three Mile Island, Pennsylvania (Mỹ) gặp sự cố do lỗi vận hành và con người. Cho đến ngày nay, nhiều người Mỹ vẫn nghi ngờ về mức độ ảnh hưởng thực sự của thảm họa so với những gì được công bố.
Vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng - The Omen (1976): The Omen kể câu chuyện cậu bé Damien (Harvey Spencer Stephens) thực chất là con trai của quỷ dữ và gieo rắc vô số thảm họa cho người xung quanh. Trong một cảnh phim, nhiếp ảnh gia Keith Jennings (David Warner) bị chặt đầu bởi một tấm kính bị rơi ra từ chiếc xe tải đang di chuyển gần đó. Cái chết khủng khiếp ấy đã xảy đến với một nghệ sĩ đảm nhận mảng kỹ xảo bộ phim là Liz Moore khi người này đang thực hiện dự án tiếp theo tại Hà Lan. Rùng rợn hơn, vụ tai nạn diễn ra vào thứ Sáu ngày 13 tại gần một thị trấn có tên là Ommen.
Mối quan hệ gia đình rắc rối của Jack Nicholson - Chinatown (1974): Nút thắt lớn nhất của Chinatown là việc Katherine Cross (Belinda Palmer) thực chất là con gái của Evelyn Mulwray (Faye Dunaway). Evelyn đã giấu nhẹm chuyện mình bị người cha Noah Cross (John Huston) cưỡng hiếp và gọi Katherine là em gái. Sự kiện này khá giống tình huống trong gia đình ngôi sao Jack Nicholson. Năm 37 tuổi, tài tử phát hiện ra người chị ruột June thực chất chính là mẹ mình. Do mang thai khi mới 16 tuổi mà không biết cha đứa bé là ai, June đã giao Jack lại cho mẹ nuôi dưỡng để có thể theo đuổi sự nghiệp vũ đạo.
Vụ sát hại Sharon Tate - Rosemary's Baby (1968): Kiệt tác của Roman Polanski kể về việc một giáo phái thờ Satan chuốc thuốc Rosemary (Mia Farrow) và để ác quỹ hãm hiếp cô đến mức mang thai. Một số yếu tố trong phim đã báo trước sự kiện bi thảm trong cuộc đời Polanski khi vợ ông bị sát hại chỉ một năm sau đó bởi các thành viên của gia đình Manson. Cặp vợ chồng đều chuyển nhà ngay trước thảm kịch và bị một giáo phái tàn ác tấn công. Ngoài ra, Sharon Tate cũng đang mang thai khi bị đoạt mạng.
>> 10 bộ phim nổi tiếng bị 'ném đá' vì chiến dịch quảng bá sai lầm
>> 5 bộ phim của Angelina Jolie xứng đáng có phần tiếp theo