10 bộ phim phá hỏng ý tưởng tiềm năng - TrueID

10 bộ phim phá hỏng ý tưởng tiềm năng

Khắc Nguyễn (TrueID)June 12, 2021

Nhiều ý tưởng kịch bản mới lạ cuối cùng lại đi vào ngõ cụt bởi cách triển khai tồi tệ của các nhà làm phim.

null

Before I Wake (2016): Trong Before I Wake, đôi vợ chồng Jessie (Kate Bosworth) và Mark (Thomas Jane) quyết định nhận nuôi Cody (Jacob Tremblay) sau khi mất đứa con trai vì tai nạn. Song, họ sớm nhận ra những giấc mơ và cơn ác mộng của cậu nhóc đều biến thành sự thật. Đáng tiếc thay, đạo diễn Mike Flanagan lại không biết khai thác sao cho hợp lý. Thay vì dành thời gian khám phá và phát triển ý tưởng, Before I Wake nhanh chóng đi vào lối mòn của phim kinh dị siêu nhiên bằng những cảnh hù dọa nhàm chán.

null

Chappie (2015): Trong phim, Dev Patel vào vai Deon - một kỹ sư máy tính chế tạo ra trí tuệ nhân tạo Chappie có khả năng học được cảm xúc con người. Anh đặt nó vào trong cơ thể một robot cảnh sát, nhưng chú người máy lại bị nhóm tội phạm cuỗm mất. Sau District 9 (2009), đạo diễn Neill Blomkamp gặp khó khăn trong việc khai thác triệt để ý tưởng. Chappie là minh chứng điển hình khi bộ phim đặt ra vô số câu hỏi, nhưng hầu hết không được giải đáp. Phim thậm chí tốn thời gian theo đuổi mảng hài hước khi mô tả Chappie như một đứa trẻ vị thành niên.

null

Transcendence (2014): Nhân vật chính của Transcendence là Tiến sĩ Will Caster (Johnny Depp) - một nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo. Sau khi trúng đạn và chỉ còn sống được một tháng, anh tải ý thức của bản thân lên máy tính lượng tử và nắm giữ quyền năng công nghệ không ai ngờ đến. Phim không chỉ có ý tưởng tiềm năng, mà còn sở hữu dàn sao hùng hậu như Johnny Depp, Morgan Freeman, Cillian Murphy, Kate Mara… Đạo diễn Wally Pfister thì từng thắng giải Oscar cho Quay phim xuất sắc trong Inception (2010). Tiếc thay, mọi thứ bị phá hủy bởi một kịch bản rối rắm, phi lý. Những mâu thuẫn nhạt nhẽo của con người làm lu mờ ý tưởng tiềm năng nơi một cá nhân nắm quyền kiểm soát cả thế giới thông qua mạng Internet.

null

After Earth (2013): After Earth lấy mốc thời gian tại Thế kỷ XXXI khi con người đã rời bỏ Trái Đất và đến định cư tại Nova Prime. Trong một chuyến du hành, cha con Cypher (Will Smith) và Kitai (Jaden Smith) vô tình trở lại hành tinh xanh. Song, quê hương của nhân loại đã khác xưa với thời tiết khắc nghiệt và vô số loài thú ăn thịt tiến hóa. Ý tưởng của M. Night Shyamalan khác với dòng phim hậu tận thế quen thuộc khi con người vẫn bám trụ và thích nghi với Trái Đất cằn cỗi.  Song, đạo diễn gốc Ấn Độ ôm đồm cả yếu tố hành động lẫn mối quan hệ cha con trắc trở. Cuối cùng, phim vừa kém hấp dẫn và chỉ mang tới một dàn nhân vật nhàm chán.

null

The Host (2013): Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, The Host xoay quanh cuộc xâm lăng Trái Đất của một chủng tộc ngoài hành tinh tên Souls. Chúng ký sinh và nắm quyền kiểm soát con người. Souls thực tế là những sinh vật hòa bình, không thích bạo lực và chăm lo môi trường. Song, một số ít nhân loại chưa bị kiểm soát vẫn tìm cách phản kháng. Tác giả bộ tiểu thuyết gốc Stephanie Meyer chính là người từng viết bộ Twilight. Do đó, khán giả chẳng lấy làm bất ngờ khi The Host nhanh chóng rơi vào câu chuyện tình tay ba quen thuộc. Không những thế, phim còn tự mâu thuẫn khi thêm thắt yếu tố bạo lực để tăng tính giải trí, dù ban đầu mô tả rằng Souls chỉ muốn hòa bình.

null

The Purge (2013): The Purge diễn ra trong một thế giới mà tỷ lệ tội phạm tăng cao quá tầm kiểm soát. Chính phủ Mỹ ban hành chính sách thanh trừng, cho phép mọi tội lỗi được hợp pháp hóa mỗi năm một lần trong lúc các dịch vụ khẩn cấp bị đình chỉ suốg 12 tiếng. Khán giả đã mong đợi bộ phim khám phá nhiều loại tội ác trong những khu vực khác nhau của thành phố hay phản ứng của các giai cấp khác nhau. Cuối cùng, tác phẩm chỉ xoay quanh một vụ đột kích nhà dân riêng lẻ. Các nhân vật chính thậm chí còn chẳng ra ngoài phố. May mắn thay, những phần hậu truyện đã giải quyết vấn đề này.

null

The Happening (2008): The Happening có mở màn hứa hẹn khi con người bỗng nhiên tự sát hoặc giết hại lẫn nhau một cách tàn bạo trên toàn nước Mỹ mà không có lý do cụ thể. Elliot (Mark Wahlberg) cùng gia đình vừa phải chạy trốn, vừa phải tìm ra nguyên nhân của chuỗi sự kiện kinh hoàng. Song, bí mật rùng rợn ấy lại bị M. Night Shyamalan biến thành bài thuyết giảng mang nặng tính giáo điều về môi trường. Nhiều cảnh giết chóc cũng chỉ diễn ra ngoài màn ảnh. Diễn xuất của Mark Wahlberg trong phim cũng vô cùng tệ hại khi tài tử thú nhận anh nhận vai chỉ để… mình trông thông minh hơn.

null

The Invention of Lying (2009): The Invention of Lying lấy bối cảnh một thế giới nơi lời nói dối không hề tồn tại. Mọi người đều nói thật, dù có làm mếch lòng nhau. Nhà văn Mark Bellison (Ricky Gervais) là người “sáng tạo” ra nói dối sau một loạt sự kiện khiến anh bị đuổi việc. Song, vấn đề của bộ phim nằm ở chỗ các nhân vật không chỉ nói thật, mà còn nói ra hết những gì họ nghĩ. Tác phẩm có vô số khoảnh khắc nhân vật phun ra những câu thoại thô thiển không cần thiết và chẳng ai muốn nghe. Điều này làm giảm chất lượng tổng thể của The Invention of Lying.

null

Next (2007): Next xoay quanh Cris Johnson (Nicolas Cage) - người có thể nhìn thấy trước tương lai nhưng chỉ trong hai phút. Năng lực này khiến anh trở thành mục tiêu của cả nhóm khủng bố lẫn tổ chức FBI. Ý tưởng này thú vị ở chỗ cho Cris đủ sức mạnh để trở thành mối họa, nhưng không quá “bá đạo” so với người thường. Song, nó lại bị lãng phí bởi kịch bản nhàm chán, dàn nhân vật phụ thiếu điểm nhấn. Kỹ xảo phim không khác gì những tác phẩm "hạng B". Đoạn kết của Next cũng cho thấy sự lười biếng của đội ngũ biên kịch khi chỉ cố gắng mở ra phần hậu truyện.

null

Waterworld (1995): Bộ phim đắt đỏ của đạo diễn Kevin Reynolds lấy bối cảnh tương lai khi băng ở hai cực Trái Đất tan chảy, khiến thế giới bị nhấn chìm trong biển nước. Hứa hẹn là thế, Waterworld lại có nội dung phi lý đến mức nhiều khán giả ước gì nguồn kinh phí khổng lồ được chi cho khâu kịch bản. Loài người đã tiến hóa để thích nghi tới mức The Mariner (Kevin Costner) có mang sau tai, chứng tỏ hàng trăm nghìn năm đã trôi qua. Ấy vậy mà những công nghệ trong phim lại vô cùng cũ kỹ, rập khuôn. Các tình tiết cũng được xây dựng theo lối ngốc nghếch, sến sẩm.

Tin liên quan

>> Các ác nhân trong phim hoạt hình Disney xứng đáng có phim riêng
>> Phản ứng hài hước của dân mạng khi thấy Đá Vô cực bị đem làm chặn giấy

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...