Trước khi trở thành đạo diễn của cả Marvel Studios lẫn DC Films, nhà làm phim 55 tuổi từng trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp với cả tiếng tăm lẫn tai tiếng.
Bộ phim The Suicide Squad mới ra mắt là bom tấn hậu truyện độc lập của Suicide Squad (2016). Do James Gunn thực hiện, tác phẩm thuộc DCEU nhận được vô số lời khen ngợi từ cả khán giả lẫn giới phê bình. Nếu không tính màn “chữa cháy” tai hại mà Joss Whedon dành cho Justice League (2017), Gunn là đạo diễn đầu tiên cùng làm phim cho cả hai vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng lớn nhất hiện nay.
Cách đây ba năm, tên tuổi của nhà làm phim suýt nữa tan thành mây khói do bê bối vạ miệng từ nhiều năm trước khiến Disney lập tức ra lệnh sa thải. Nhưng hiện tại, James Gunn đã chứng minh tài năng có thể vực dậy thanh danh ra sao.
James Gunn là người đầu tiên chính thức làm đạo diễn cho cả Marvel Studios lẫn DC Films.
Xuất phát điểm như một kẻ ngoài lề
Trước khi đến với các dự án bom tấn, James Gunn bắt đầu sự nghiệp như một “kẻ ngoại đạo”, hoạt động bên lề các hệ thống studio lớn tại Hollywood. Troma Entertainment, công ty điện ảnh được biết đến với những bộ phim độc lập cầu thả, tục tĩu và máu me, là nơi Gunn làm việc dưới trướng của nhà sáng lập Lloyd Kaufman vào những năm 1990.
Chiến công đáng chú ý đầu tiên của Gunn thời kỳ đó là kịch bản cho Tromeo and Juliet (1997) - bộ phim hài chế danh tác của Shakespeare. Cao trào tác phẩm là cảnh Juliet uống thuốc biến cô thành một con bò với dương vật khổng lồ. Giờ thì công chúng có thể theo dõi tác phẩm này ngay trên YouTube.
James Gunn (bìa trái) khi còn làm việc tại Troma Entertainment.
Những tình tiết báng bổ kiểu như thế luôn là một phần chiến lược thương hiệu giúp Troma làm nên tên tuổi. Công ty tự hào làm nên kiểu phim nhạt nhẽo, ngớ ngẩn, rẻ tiền, nhưng hoàn toàn ý thức được chất lượng thực sự của chúng.
James Gunn dĩ nhiên không thể tiếp tục đem những trò đùa thô thiển hồi còn làm việc tại Troma vào các dự án lớn, nhưng sự “mặn mòi” vẫn còn đó ở tay biên kịch trẻ tuổi. Scooby-Doo phiên bản người đóng vào năm 2002 bị chê tơi tả, nhưng khán giả vẫn có thể nhận ra sự giễu nhại rất riêng trong kịch bản mà các nhân vật dường như cũng đã chán ngán trò lố của chính mình. Gunn biến Scrappy-Doo thành nhân vật phản diện, coi rằng từ lâu khán giả đã không thích nhân vật chó con nhắng nhít này.
Theo dõi Tromeo and Juliet, khán giả có lẽ sẽ hiểu được độ khùng của James Gunn.
Cảnh Scrappy-Doo biến thành chó địa ngục khổng lồ và dữ tợn đủ khiến trẻ em khóc thét, dù bộ phim nhắm tới đối tượng gia đình. Nếu chủ thương hiệu cho phép làm một phim Scooby-Doo gắn nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) vì máu me và bạo lực, có lẽ James Gunn sẽ hồ hởi thực hiện kịch bản ngay.
Theo sau bộ phim là Scooby-Doo 2: Monsters Unleashed (2004) và bản làm lại của Dawn of the Dead (2004). Ba bộ phim cho thấy Gunn là nhà biên kịch đầy tiềm năng tại Hollywood với sở trường là những câu nói bỡn cợt tung hứng giữa một nhóm anh hùng kỳ quặc.
Từ tác phẩm kinh dị đầu tay cho đến thành công với Marvel Studios
Slither (2006) là tác phẩm đánh dấu James Gunn lần đầu ngồi trên ghế đạo diễn. Được “bung lụa” hết cỡ, nhà làm phim trút toàn bộ ý tưởng quái chiêu của mình vào dự án mà từ hồi nghỉ làm ở Troma tới giờ chưa được dụng công. Xoay quanh loài ký sinh trùng ngoài hành tinh tấn công một thị trấn nhỏ ở Mỹ, bộ phim quái dị, tởm lợm và hài hước không dành cho những ai chuẩn bị ăn tối. Tiêu biểu là cảnh một nhân vật nữ bị trương phình vì đám ấu trùng, rồi cô ấy nổ tung như một quả bong bóng, khiến đám dòi bọ ào ào thoát ra.
James Gunn trên phim trường Slither.
Slither và sau này là Super (2010) - một phim siêu anh hùng hài hước với nhân vật chính... không có năng lực gì đặc biệt - là hai trong số các tác phẩm ấn tượng trong giai đoạn đầu Gunn làm đạo diễn. Dù có doanh thu phòng vé không mấy khả quan, chúng để giúp James Gunn được Kevin Feige từ Marvel Studios quan tâm tới.
Từ khi Feige tiếp quản Marvel Studios, hãng đã nhiều lần hợp tác cùng các đạo diễn có phong cách đặc trưng như Taika Waititi, Ryan Coogler, Chloé Zhao. Tuy nhiên, cái bắt tay với James Gunn vào năm 2013 thực sự là một canh bạc.
Lựa chọn một nhà làm phim ít tiếng tăm đã đành, đằng này câu chuyện mà anh ta đưa đến thậm chí còn vô cùng đặc biệt. Không phải những gương mặt thân quen như Thor, Captain America hay Iron Man, Marvel Studios lần này muốn giới thiệu đội hình mà chỉ những độc giả trung thành của truyện tranh Marvel biết tới. Trong nhóm có một cái cây biết nói và một con gấu mèo hay chôm chỉa.
Nhưng “liều thì ăn nhiều”, và dự cảm của Kevin Feige hoàn toàn chính xác. Nghe mô tả nhóm nực cười là vậy, và đúng là chỉ có James Gunn mới có thể giúp dự án thành công. Guardians of the Galaxy trình làng vào mùa hè năm 2014 và trở thành bom tấn hốt bạc tại phòng vé. Quan trọng hơn, dấu ấn cá nhân của Gunn là rất rõ ràng trong một tác phẩm, tuy vẫn tuân theo những quy chuẩn của Marvel Studios, nhưng hẳn đã bớt nghiêm túc rất nhiều so với chuỗi tác phẩm trước đó của MCU.
James Gunn đã mang làn gió mới tới cho MCU với hai phim Guardians of the Galaxy.
Ở đó, đội Vệ binh Dải ngân hà không hoàn toàn là những anh hùng chính nghĩa mà. Họ ban đầu chỉ là nhóm cá nhân ô hợp, ích kỷ, vô ý thức, thiếu tổ chức. Để rồi trên hành trình phiêu lưu, họ nhận ra những điểm tốt của nhau để cùng hoàn thiện.
Dấu ấn của Gunn hẳn nằm ở cao trào từng không gây ít tranh cãi cho tới tận ngày hôm nay. Trưởng nhóm Vệ binh Dải ngân hà - Star-Lord (Chris Pratt) - đánh lạc hướng trùm phản diện khét tiếng Ronan the Accuser (Lee Pace) bằng một màn nhảy nhót không thể ngớ ngẩn hơn.
Thậm chí, sang tới Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017), bộ phim còn phóng khoáng hơn, nhưng đồng thời cũng sâu sắc nhờ câu chuyện về người cha tồi tệ hay tầm quan trọng của gia đình. Nếu bóc tách sự hài hước cợt nhả của James Gunn, khán giả có thể dễ dàng nhìn thấy chiều sâu của lòng trắc ẩn và thấu hiểu mà nhà làm phim muốn gửi gắm.
“Cú ngã ngựa” gây tranh cãi và sự trở lại ngoạn mục
Tại thời điểm Guardians of the Galaxy Vol. 2 ra mắt vào năm 2017, James Gunn sử dụng Twitter như một công cụ nhằm chỉ trích mạnh mẽ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hành động được cho là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ (tạm thời) giữa Gunn và Marvel Studios.
Tháng 7/2018, khi đang trong quá trình viết kịch bản cho Guardians of the Galaxy Vol. 3, Gunn bị Disney sa thải sau khi hàng loạt dòng tweet đùa cợt xúc phạm bị bên cánh hữu “khai quật”. Nói là “khai quật” bởi đó là những dòng cợt nhả về cưỡng bức và ấu dâm từ 10 năm trước.
“Thái độ và các tuyên bố xúc phạm bị phát hiện trên Twitter của James Gunn là không thể chối cãi và không phù hợp với các giá trị của studio. Chúng tôi đã cắt đứt mối quan hệ kinh doanh với anh ấy”, chủ tịch Walt Disney Studios khi ấy - Alan Horn - tuyên bố.
"Cú phốt" trên mạng xã hội rốt cuộc lại đưa James Gunn tới DCEU.
James Gunn bị “ném đá” không phải từ các nạn nhân của trò đùa cưỡng bức và ấu dâm, mà chủ yếu từ những người cảm thấy xúc phạm do hàng loạt lời chỉ trích thẳng thắn của ông dành cho một tổng thống gây chia rẽ. Dù vị đạo diễn đã lên tiếng xin lỗi vì những câu đùa vô vị và thô thiển, Disney vẫn nhanh nhẹn sa thải nhà làm phim.
Trong nhiều tuần lễ, tưởng như tên tuổi của James Gunn sẽ sụp đổ. Song, đó lại là cơ hội để Warner Bros. và DC Films nhảy vào cuộc chơi. Tháng 10/2018, Warner Bros. bèn thuê Gunn viết kịch bản và làm đạo diễn phần tiếp theo của Suicide Squad.
David Ayer - tác giả của Suicide Squad - khiến DC không hài lòng khi lại muốn thực hiện một bộ phim “đen tối” nữa. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn thấy màu sắc tươi sáng hài hước, hơn là một thứ “nửa nạc nửa mỡ” vào mùa hè 2016 Óc hài hước độc đáo của James Gunn có vẻ rất hợp gu Warner Bros., và trùng hợp thay, nhà làm phim lại vừa bị “Nhà Chuột” ruồng rẫy.
Câu chuyện chính thức kết thúc vào tháng 3/2019 khi Disney “quay xe”, mời James Gunn trở lại làm tiếp Guardians of the Galaxy Vol. 3. Nhưng The Suicide Squad thì đã khởi động, và người hâm mộ MCU buộc phải chứng kiến cảnh bộ phim thứ ba về nhóm Vệ binh Dải ngân hà bị lui lịch.
Đến giờ, công chúng được thấy một đạo diễn thành công với cả hai studio được coi là đối thủ “không đội trời chung”. Warner Bros. đã trao hoàn toàn quyền sáng tạo cho James Gunn với The Suicide Squad. Ông thoải mái làm ra một tác phẩm bị gắn nhãn R, với kinh phí sản xuất lên tới 185 triệu USD.
Cuối cùng, khán giả được theo dõi một con sao biển khổng lồ quậy nát thành phố, một con cá mập bụng phệ xé toạc người, và những chiến dịch siêu anh hùng thất bại từ phút đầu tiên lâm trận. Thế là sau chặng đường gần 10 năm, sự nghiệp của James Gunn trở thành như một vòng tròn khi ông có dịp quay lại những điều bản thân giỏi và thích thú nhất: kiểu trò đùa gớm ghiếc, máu me và bạo lực hết sức.
Gunn đã có dịp phát tiết độ quái trong The Suicide Squad, và những giá trị thông điệp từ buổi đầu sự nghiệp đạo diễn của ông vẫn còn đó.
Nếu như MCU đặt ra những quy chuẩn gắt gao, đôi khi gò ép nhà làm phim vào khuôn mẫu phù hợp với bức tranh chung, thì DCEU đang được tạo nên từ các mảnh ghép đa dạng. Đó có thể là màu sắc lạc quan như Wonder Woman của Patty Jenkins, kiểu bất cần từ Aquaman của James Wan trong Aquaman, và giờ là sự điên khùng của The Suicide Squad.
Cuối thế kỷ XX, thật hoang đường khi nghĩ tới chuyện nhà biên kịch của một bộ phim rẻ tiền như Tromeo and Juliet lại có ngày trở thành một trong những đạo diễn được săn đón nhất trên thế giới. Song, nếu có dịp theo dõi các bộ phim trong quá khứ của Gunn, bạn sẽ nhận ra phong cách nhất quán, dù đó là kinh dị hay siêu anh hùng. Dù phim có điên rồ, thô bỉ hay nhầy nhụa cỡ nào, đằng sau tất cả vẫn là lăng kính đồng cảm dành cho những kẻ lập dị, những người ngoài cuộc kiếm tìm sự chuộc tội, hoặc đang cố gắng đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại.
Tin liên quan:
>> Loạt câu hỏi bỏ ngỏ từ 'Suicide Squad: Điệp vụ cảm tử'
>> Vai diễn khách mời thú vị nhất trong 'Suicide Squad: Điệp vụ cảm tử'