Yoo Ah In là nam diễn viên thực lực hàng đầu của điện ảnh Hàn Quốc. Anh có biệt danh “chú ngựa điên” bởi thường nhận những vai diễn gai góc, bất ngờ.
Với kỹ năng diễn xuất đỉnh cao, Yoo Ah In đã xuất sắc vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn của nền điện ảnh Hàn Quốc để trở thành “ảnh đế” trẻ nhất của giải thưởng danh giá Rồng Xanh với The Throne (2015). Anh mới đây tái lặp chiến thắng nhờ tác phẩm tâm lý Voice of Silence - Thanh âm của im lặng (2020).
Dưới đây là 5 tác phẩm đã làm nên tên tuổi của tài tử xứ Hàn.
Thread of Lies (Án mạng học đường, 2014)
Thread of Lies là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách Elegant Lies của tác giả Kim Ryeo Ryeong. Đây là bộ phim vừa gay cấn, vừa đem tới cho khán giả cảm giác lặng người khi khép lại.
Tác phẩm kể về thực trạng bắt nạt học đường tại Hàn Quốc, với đỉnh điểm là vụ tự tử của một nữ sinh 14 tuổi có tên Cheon Ji (Kim Hyang Gi). Cheon Ji vốn dĩ là một cô bé ngoan ngoãn, ngọt ngào và chăm chỉ, chẳng mấy khi than phiền hay lo lắng điều gì.
Sự ra đi đột ngột của cô bé khiến người mẹ đơn thân Hyun Sook (Kim Hee Ae) và chị gái Man Ji (Go Ah Sung) hoảng hốt và đau khổ. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân, người hàng xóm Choo Sang Bak (Yoo Ah In) kể lại những điều mà Cheon Ji không thích nhưng vẫn vui vẻ cố gắng sống chung.
Dằn vặt với nỗi đau và cảm giác tội lỗi, Man Ji quyết tìm hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau sự ra đi đường đột của em gái. “Chủ mưu” vụ bắt nạt học đường bị phát hiện, và một góc đời tư của Cheon Ji cũng dần được hé lộ.
The Throne (Bi kịch triều đại, 2015)
The Throne là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Yoo Ah In. Tác phẩm điện ảnh ra đời năm 2015 đã giúp anh giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Rồng Xanh 2015.
Bộ phim tái hiện một sự kiện lịch sử ở triều đại Joseon. Đức vua (Song Kang Ho) luôn cân bằng các thế lực nắm giữ quyền lực trong triều. Đồng thời, ông đặt kỳ vọng lớn ở Thái tử Sado (Yoo Ah In), mong muốn cậu sau này trở thành vị vua anh minh như mình.
Nhưng Sado thì ngược lại. Anh chỉ muốn có được tình yêu thương từ người cha, mà không màng đến triều chính. Mâu thuẫn giữa hai người cứ thế lớn dần ngày qua ngày và tạo ra tấn bi kịch cho triều đại.
Veteran (Chạy đâu cho thoát, 2015)
Veteran khắc họa thế giới nơi những kẻ giàu có trở nên cuồng loạn và những cuộc đối đầu thiện - ác diễn ra đầy nghẹt thở. Tác phẩm của đạo diễn Ryoo Seung Wan từng thu tới hơn 90 triệu USD, trong khi chỉ tiêu tốn khoảng 5 triệu USD để sản xuất.
Trong phim, Yoo Ah In vào vai Cho Tae Oh - một vị công tử tài trí nhưng hống hách. Ngôi sao 28 tuổi thành công trong vai diễn chàng công tử điên loạn. Người đối đầu đầu trực tiếp với gã công tử là Do Chul (Hwang Jung Min) - viên cảnh sát liêm chính, giỏi giang, nhưng đôi lúc lại quá bốc đồng.
Hai người biết đến nhau qua vụ tự sát của một phu xe có nhiều uẩn khúc. Họ sớm bị cuốn vào trò chơi “mèo vờn chuột” đầy căng thẳng.
Burning (Thiêu đốt, 2018)
Burning là phim điện ảnh đầu tiên sau 8 năm nghỉ ngơi của đạo diễn lừng danh Lee Chang Dong kể từ Poetry (2010). Câu chuyện dựa trên truyện ngắn của Haruki Murakami xoay quanh ba con người: chàng trai nghèo Jong Soo (Yoo Ah In), cô nàng xinh đẹp Hae Mi (Jeon Jong Seo), và anh chàng điển trai, giàu có Ben (Steven Yeun).
Jong Soo gặp Hae Mi trong một hội chợ và đem lòng yêu cô. Ben là người đã đồng hành với Hae Mi tới Châu Phi, nhưng lại chỉ xem cô như “món đồ tiêu khiển”. Bỗng dưng một ngày, Hae Mi biến mất. Jong Soo tin rằng Ben đã hãm hại cô gái mà anh yêu.
Burning sở hữu tiết tấu chậm rãi cùng cái kết gây sốc. Phản ánh một phần đời sống của người trẻ Hàn Quốc, bộ phim được giới phê bình quốc tế đánh giá rất cao bởi độ ám ảnh và bầu không khí lãng đãng xuyên suốt.
Voice of Silence (Thanh âm của im lặng, 2020)
5 năm sau The Throne, Voice of Silence tiếp tục giúp Yoo Ah In lên ngôi ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc tại giải thưởng Rồng Xanh. Đảm nhận vai diễn chàng câm Tae In, Yoo Ah In đã mang đến những khoảnh khắc xúc động tột độ, cùng cái kết vô cùng bi thương.
Xuyên suốt bộ phim, Tae In không thốt lên bất cứ câu thoại nào. Anh cùng gã đàn ông trung niên Chang Bok (Yoo Jae Myung) được một tổ chức tội phạm thuê dọn dẹp thi thể. Một ngày nọ, họ nhận được “đơn hàng” đặc biệt với một khoản thù lao hậu hĩnh. Ngày nhận được tin người thuê mình đột ngột qua đời cũng là khởi đầu cho những chuỗi ngày họ mắc kẹt trong rắc rối.
Những câu chuyện dở khóc dở cười về lòng nhân ái, sự im lặng đến chua xót tâm can cho kẻ khiếm khuyết và cái kết không có hậu, tất cả khiến Voice of Silence sẽ còn đọng lại lâu trong tâm trí khán giả sau khi khép lại.