Sự nghiệp đa dạng, ấn tượng và nỗ lực của ScarJo đồng thời phản ánh những sự biến chuyển của Hollywood trong hơn hai thập kỷ người đẹp xuất hiện trên màn ảnh.
Mùa hè năm nay, Scarlett Johansson trở lại màn ảnh qua bom tấn Black Widow - phần phim riêng về siêu anh hùng “bạc phận” của nhóm Avengers. Bộ phim ra đời nhằm tri ân nữ nhân vật thường bị gán cho những danh hiệu như “làm cảnh”, “tạo dáng”, “đẹp đội hình” trong biệt đội siêu anh hùng tràn ngập những cá nhân sở hữu siêu sức mạnh.
Đó đồng thời là cột mốc quan trọng trong hành trình 8 năm của Johansson trong việc phá bỏ những định kiến cố hữu về các nhân vật nữ siêu anh hùng, về cách khai thác đậm mùi tình dục và hệ lụy mà nó gây ra cho khán giả lẫn bản thân minh tinh.
Scarlett Johansson chính thức chia tay vai diễn Black Widow trong năm nay.
Sao nhí nghiêm túc theo đuổi giấc mơ
Là cháu của một đạo diễn, biên kịch, được truyền cảm hứng về nghệ thuật từ người mẹ là nhà sản xuất và cha là kiến trúc sư, Scarlett Johansson khi nhỏ thường tập diễn xuất một mình. Cô bé thích đứng trước gương, tự làm mình khóc với ước mơ trở thành Judy Garland trong Meet Me in St. Louis (1944).
Trái tim của ScarJo lần đầu tan vỡ ở tuổi lên 7 khi cô chứng kiến một trong các anh trai được chọn đóng phim, còn bản thân thì mất suất. Không bỏ cuộc, cô bé Johansson kiên quyết theo đuổi giấc mơ. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã rất nghiêm túc về con đường mình lựa chọn: không phải dăm ba phim quảng cáo nhỏ lẻ, mà là điện ảnh, là sân khấu kịch. Bởi như nhân vật chia sẻ, một khi đứng trên phim trường, cô bé lập tức biết mình phải làm gì.
ScarJo bắt đầu diễn xuất từ khi chưa tròn 10 tuổi.
Vai diễn điện ảnh đầu tiên của Scarlett Johansson là Laura Nelson trong bộ phim North (1994). Cô bé 9 tuổi mặc một bộ denim, buộc tóc ruy băng hồng xuất hiện trên màn ảnh trong giây lát. Tác phẩm không thành công, nhưng điều đó không thể ngăn Johansson chiếm lĩnh màn ảnh trong những năm tiếp theo.
Từ 1995 đến đầu thập niên 2000, Johansson đều đặn mỗi năm tham gia một hoặc hai phim điện ảnh. Trong đó phải kể tới Home Alone 3 (1997) hay The Man Who Wasn't There (2001) của anh em nhà Coen. Đến tuổi trưởng thành, Johansson có những vai diễn đột phá trong Lost in Translation (2003) của Sofia Coppola, Girl with a Pearl Earring (2003) của Peter Webber, và Match Point (2005) của Woody Allen.
Rất hiếm diễn viên nhí có khả năng duy trì ánh hào quang từ lúc nhỏ cho đến khi lớn lên, nhưng Scarlett Johansson chắc chắn là một ngoại lệ. Cô đã vượt qua “lời nguyền” sao nhí mà Macaulay Culkin của hai tập Home Alone đầu tiên hay nữ diễn viên cùng tuổi Amanda Bynes dính phải. Tài năng đóng vai trò quan trọng, nhưng không thể phủ nhận ý chí, sự kiên định và tính kỷ luật của một diễn viên chuyên nghiệp đã hình thành trong cô ngay từ sớm.
Nỗ lực phá bỏ hình tượng “nữ thần da trắng gợi dục”
Tờ Salon năm 2014 bình luận: “Đã trở thành một truyền thống, cánh phê bình nam giới chảy nước miếng trước Johansson”. Làn da trắng, mái tóc vàng tự nhiên, thân hình bốc lửa với số đo người mẫu, Scarlett Johansson bỗng chốc lột xác trở thành biểu tượng gợi cảm của màn ảnh.
Người ta cứ thế so sánh cô với Marilyn Monroe. Họ tán dương cơ thể của Johansson, về hàng lông mày, khóe miệng, vòng một đầy đặn, chất giọng quyến rũ…, nhưng ít khi đặt chúng vào bối cảnh của một bộ phim nào đó để nhắc đến tài năng của nữ diễn viên.
Minh tinh từng được coi là biểu tượng tình dục trong suốt thời gian dài.
Phong cách diễn xuất của Johansson gần như luôn được đánh giá sau khi truyền thông đã bình phẩm xong xuôi về vẻ ngoài của cô, dù ngôi sao này sở hữu lối diễn tiết chế, giàu cảm xúc. Cuối cùng, cơ thể của một người nghệ sĩ trở thành nhân tố chính làm nên hình ảnh của cô ấy trước công chúng, thay vì tài năng của một diễn viên thực thụ.
Việc đóng khung Scarlett Johansson như một mỹ nhân màn bạc trở thành rào cản đối với nữ diễn viên nói riêng và các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất nữ giới nói chung trong quá trình được nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn.
Giữa tất cả định kiến người đời gán cho, Johansson miệt mài chứng minh thực lực bằng các tác phẩm thuộc đủ thể loại. Phim nghệ thuật, phim độc lập, phim thương mại, năng lực của ScarJo cho thấy đây không phải một cô “người mẫu” biết diễn. Ngay từ Girl with a Pearl Earring hay Lost in Translation, nét diễn xuất tĩnh lặng đã đưa khán giả đi vào nội tâm của những người phụ nữ bất an, lạc lõng. Ở dưới lớp mặt nạ có vẻ lạnh nhạt và xa cách, Johansson sẵn sàng bùng nổ những lớp cảm xúc dồn nén.
Bên cạnh các dự án thương mại, Johansson vẫn miệt mài tham gia nhiều tác phẩm nghệ thuật, kinh phí thấp.
Ngay cả khi đóng các vai “bình hoa di động” dưới góc nhìn nam giới như ở Match Point (2005), The Black Dahlia (2006), The Other Boleyn Girl (2008) hay He's Just Not That into You (2009), biểu cảm tối giản, bí ẩn của Scarlett Johansson đem đến chiều sâu đáng chú ý cho nhân vật. Những khoảng lặng gần như thiếu tự nhiên do nữ diễn viên tạo ra chừa lại không gian cho khán giả cùng chiêm nghiệm, sự xa xôi của nhân vật như chờ đợi khán giả lấp đầy bằng suy luận và câu chuyện của chính mình.
Phong cách trống vắng và xa lạ của Scarlett Johansson được thể hiện rõ nhất trong Under the Skin (2013), nơi cô vào vai thực thể ngoài hành tinh bí ẩn dưới lốt một cô gái ma mị trên hành trình khám phá thế giới mà sinh vật không thuộc về. Những tác phẩm khoa học viễn tưởng nơi Johansson vào vai các nhân vật thiếu vắng cảm xúc con người sau đó như Her (2013), Lucy (2014) hay cả Ghost in the Shell (2017) cho phép minh tinh trải dài sự trống trải để người xem đắm chìm vào suy tưởng của bản thân, để cùng đi lạc trong cõi hoang của nội tâm.
Hành trình cùng Black Widow
Vai Natasha Romanoff/Black Widow của Scarlett Johansson lần đầu xuất hiện năm 2010 trong Iron Man 2 đã mở ra hàng loạt cơ hội cho nữ diễn viên trong thể loại viễn tưởng. Khi đó, sự xuất hiện của một nữ hùng trong MCU trở thành nét bí ẩn đối với người hâm mộ.
Hình ảnh Black Widow trong Iron Man 2 hồi 2010.
10 năm trước, chuyện một nhân vật nữ trong phim siêu anh hùng không khoe đường nét cơ thể, không khoe nhan sắc để chiều lòng fan là điều không tưởng. Cuộc đấu tranh của Johansson, theo đó, đã kéo dài gần một thập kỷ trước khi khán giả có một Black Widow như ngày hôm nay. Và hành trình của Góa phụ Đen dường như cũng phản chiếu sự nghiệp của Johansson: cùng bắt đầu bằng biểu tượng nhan sắc, đấu tranh để được nhìn nhận như một nữ cường.
Lần đầu tiên xuất hiện trong truyện tranh Marvel vào năm 1964, Black Widow là một điệp viên người Liên Xô đào tẩu, gia nhập tổ chức S.H.I.E.L.D., sau đó tham gia nhóm Avengers. Vận bộ đồ đen bó sát, sự quyến rũ, chết chóc của một phụ nữ xứ sở bạch dương tạo nên sức lôi cuốn cho độc giả nam giới. Cô ấy như nhiều nữ hùng/phản diện truyện tranh mặc đồ bó khác: xinh đẹp, gợi cảm, mạnh mẽ, bí ẩn, động cơ không rõ ràng, hay dối lừa.
Ngay cả danh hiệu của cô ấy, Black Widow, cũng gợi lên hình dung về hiện thân của thứ tính nữ chết người. Phong cách chiến đấu của nhân vật kết hợp giữa các thế võ, vũ khí và sự uyển chuyển bao gồm các tư thế nhào lộn, trượt, leo lên khóa đùi vào cổ đối thủ. Đó là sự cân bằng giữa bạo lực và sự quyến rũ mang đậm sắc thái tình dục.
Nhân vật có lời chia tay xứng đáng qua bộ phim riêng mùa hè năm nay.
Khi Johansson trở nên nghiêm túc hơn với các dự án của Marvel Studios, cùng với việc đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn, cô ý thức rõ hơn ai hết về vị trí của Black Widow trong nhận thức khán giả. Chúng ta thấy Johansson khéo léo làm suy yếu khái niệm về một biểu tượng tình dục trong thế giới siêu anh hùng để tinh tế tái tạo bản thân như một nữ cường hành động.
Điều đó bắt đầu bằng việc đem đến các tầng nghĩa sâu sắc lý giải hành động của nhân vật. Trong Captain America: The Winter Soldier (2014), Natasha Romanoff thú nhận với Steve Rogers (Chris Evans) rằng bản chất dối trá, lừa lọc của cô thực tế là một cơ chế sinh tồn. Ngoài ra, khán giả còn thấy tình bạn thuần túy giữa Captain America và Black Widow phóng chiếu quan điểm của Marvel đối với hình tượng nữ hùng cùng mối quan hệ của cô ấy trong thế giới. Ở đó, họ không đơn thuần là những người đẹp xuất hiện nhằm đa dạng hóa đội hình. Đằng sau những hành động của nhân vật là hàng loạt lý do mà đôi khi cần một phần phim để giải thích.
Cũng kể từ đây, tần suất mặc đồ bó lộ da thịt của Scarlett Johansson ít hẳn. Thay vào đó là những trang phục mang tính thực tế trong chiến đấu (quần áo dân sự, áo khoác, giày đế thấp, quần túi, tóc tết ngắn gọn ghẽ). Kỷ nguyên Anh hùng III (Phase III) tiếp tục bóc những mảng ngụy trang của Natasha Romanoff, để lộ ra một quá khứ đầy tổn thương, cùng lòng trắc ẩn mạnh mẽ dành cho các thành viên Avengers còn lại.
Cô giờ đây hoàn toàn có thể mỉm cười với chặng đường đã qua và hướng tới tương lai.
Black Widow ở Avengers: Infinity War (2018), Avengers: Endgame (2019) hay Black Widow mới đây đã rất khác so với Black Widow của thời Iron Man 2. Khán giả thấy rõ hình ảnh của một thành viên kiên cường và bình đẳng trong nhóm Avengers. Đó là một phụ nữ mạnh mẽ tự chủ biết rõ mình phải làm gì, và đứng lên lãnh đạo nhóm sau cái búng tay của Thanos (Josh Brolin).
Ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Scarlett Johansson cùng lúc nhận hai đề cử Oscar: Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Marriage Story (2019) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Jojo Rabbit (2019). Thế rồi, Black Widow, sau hơn một năm bị trì hoãn, cũng đã cập bến các rạp chiếu phim lẫn hệ thống Disney+. Những trái ngọt đến với ScarJo đã chứng minh tài năng tương xứng của người nghệ sĩ, cho những cống hiến không biết mệt mỏi của cô với hành trình phá bỏ định kiến giới một cách đầy ngoạn mục.