6 bài học đắt giá từ ông hoàng phim kinh dị James Wan - TrueID

6 bài học đắt giá từ ông hoàng phim kinh dị James Wan

Như Ngọc (TrueID)September 12, 2021

Các tác phẩm đến từ James Wan sở hữu công thức đặc biệt để gặt hái thành công và giúp cả khán giả lẫn người trong ngành điện ảnh học hỏi được nhiều điều.

Tổng doanh thu toàn cầu của 9 bộ phim do James Wan làm đạo diễn là 3,6 tỷ USD. Đó là con số đáng mơ ước đối với bất cứ nhà làm phim nào. Trong top 20 đạo diễn có doanh thu cao nhất mọi thời, Wan chính là người trẻ nhất, và cũng là cái tên U40 duy nhất giữa các lão làng.

Điều đáng nể là James Wan thành danh nhờ phim kinh dị - thể loại rất khó trở thành bom tấn tại phòng vé bởi giới hạn độ tuổi - trước khi đến với những dự án lớn như Fast & Furious 7 (2015) hay Aquaman (2018). Vũ trụ kinh dị The Conjuring mà nhà làm phim sáng tạo ra chính là một trong những ví dụ thành công hiếm hoi của công thức vũ trụ điện ảnh (cinematic universe).

Thử cùng TrueID tìm hiểu những mẹo làm phim góp phần đưa tên tuổi James Wan trở nên kinh điển ra sao nhé.

null

James Wan là tác giả của nhiều bộ phim kinh dị nổi tiếng trong gần hai thập niên vừa qua.

Nỗi sợ thực sự đến từ âm thanh, không phải hình ảnh

Saw (2004) hay các bộ phim sau này của James Wan đều có phần hình ảnh vô cùng ấn tượng, lời khuyên mà nhà làm phim đưa ra khá bất ngờ. Thực tế là những khung hình ghê rợn, mờ ám, máu me có thể khiến khán giả bất an hoặc sợ hãi, nhưng âm thanh trong phim mới là thứ khiến nỗi kinh hoàng dữ dội thâm nhập vào tâm trí khán giả.

null

Các bộ phim của James Wan luôn có phần âm thanh được đầu tư kỹ lưỡng.

Tác động của âm thanh vượt xa ảnh hưởng của bất cứ hình ảnh: những khoảng lặng bất thường, tiếng cọt kẹt của khe cửa, phần âm nhạc kỳ quái, tiếng la hét của nạn nhân…

Quan điểm của James Wan giống như châm ngôn năm xưa của Alfred Hitchcock về việc để trí tưởng tượng của khán giả bay xa và hoàn thiện trải nghiệm sợ hãi trong chính họ: sự hồi hộp nằm ở dự đoán, chứ không phải phần tiết lộ. Và tiết lộ tốt nhất nên được xây dựng thông qua âm thanh, thay vì chỉ dựa vào hình ảnh.

Hãy thật lòng với nỗi sợ bạn định mô tả

Trong một cuộc phỏng vấn với Backstage, James Wan và cộng sự viết kịch bản lâu năm Leigh Wannell giải thích rằng họ không phải là những người hâm mộ “sự hù dọa giả tạo” - tức là tạo ra những khoảnh khắc hồi hộp tùy tiện mà không phục vụ cho toàn bộ câu chuyện.

null

Đây là bài học quý báu dành cho các nhà làm phim bởi quá nhiều cảnh hù dọa hời hợt chỉ khiến khán giả “nhờn” và coi thường kịch bản.

Các tác phẩm của Wan là điển hình cho việc duy trì những màn “jump scare” (hù dọa bất ngờ) có tính toán, đồng thời cho phép khán giả tiếp tục bám sát vào câu chuyện trong phim. Do đó, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những khoảnh khắc hù dọa hiệu quả.

Những trò la hét là mánh lới nhằm quảng cáo, và khán giả cũng như các nhà làm phim đều biết điều đó. Vì vậy, nếu không thể thành thật về cảnh sợ hãi của mình, nghĩa là bạn không chân thành với bộ phim, và công chúng cũng sẽ không coi trọng tác phẩm đó.

Làm phim kinh dị không nhất thiết phải đắt đỏ

Nếu không thể khiến khán giả sợ hãi với một dự án kinh phí thấp, có lẽ bạn sẽ phải vật lộn để tìm kiếm thành công trong thể loại kinh dị. Làm việc với nguồn tài nguyên hạn chế buộc bạn phải sáng tạo đằng sau ống kính.

null

Các dự án do James Wan thực hiện hay sản xuất thường có khoản kinh phí khiêm tốn.

Theo Wan, đây là một trong những kỹ năng quan trọng của thể loại. “Điều khiến cho thể loại kinh dị trở nên đặc biệt là những thứ nhỏ nhất cũng có thể tạo ra tác động lớn. Ví như một cánh cửa ọp ẹp có thể làm khán giả ớn lạnh mà không gây tốn kém chi phí”, anh giải thích.

Tuy nhiên, James Wan cũng thừa nhận rằng sẽ có những khó khăn nhất định gây tác động đến tầm nhìn của nhà làm phim trong một dự án eo hẹp. Vị đạo diễn đã nhiều lần nói về Saw - dự án đầu tay của anh - sẽ còn thành công ra sao nếu khoản ngân sách 1 triệu USD được nâng thành 3-5 triệu USD. Đó vẫn là những con số khiêm tốn, nhưng hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Lồng ghép các yếu tố kinh dị cổ điển với nét hiện đại

Một trong những kỹ thuật mà James Wan sử dụng trong các bộ phim của mình là áp dụng nhiều chi tiết kinh dị cổ điển và biến hóa chúng bằng cách kể chuyện độc đáo. “Với Insidious, chúng tôi muốn kể câu chuyện về ngôi nhà ma ám, mà thực sự không phải về ngôi nhà ma ám nào cả”, Wan chia sẻ.

Trong khi đó, loạt The Conjuring xoay quanh các yếu tố kinh dị quen thuộc như nghi lễ trừ tà, tôn giáo, ma quỷ, nhưng được cài cắm thêm yếu tố mới như cách hù dọa, tạo hình nhân vật hay kỹ xảo, công nghệ quay phim.

null

Malignant là dự án mới nhất của Wan và mang phong cách phim kinh dị máu me thập niên 1970 của Italy.

Tương tự, dự án mới nhất của James Wan - Malignant - chính là thử nghiệm đưa khán giả trở lại dòng phim “giallo” (bí ẩn và ly kỳ) của Italy vào những năm 1970. Từ màu phim đỏ quạch cho đến những vụ giết người bí ẩn mang hơi hướng trinh thám, tất cả được anh pha trộn trong một dự án ra đời vào năm 2021.

Nếu kỹ thuật quay phim của Insidious giống như sách vỡ lòng nhập môn kinh dị, thì The Conjuring đã đưa phần hình ảnh lên mức bậc thầy. James Wan thực sự hoàn thiện kỹ thuật của mình qua tác phẩm. Những cú jump scare đáng sợ có được nhờ chuyển động tuyệt vời của camera. So với góc máy của các phim kinh dị đi trước, Wan đã cải cách thể loại bằng không chỉ nội dung, mà còn cả kỹ thuật làm phim.

Phá vỡ kỳ vọng của khán giả

Một trong những lý do suýt “giết chết” thể loại kinh dị vào thập niên 1990 là việc khán giả đã bị nhồi nhét quá nhiều kịch bản đáng sợ, khiến họ cảm thấy dường như không gì còn có thể gây ngạc nhiên. Thất bại của người này là đà tiến lên của kẻ khác. James Wan rút ra kinh nghiệm rằng không bao giờ được phép để khán giả tự chứng minh họ đã đúng khi xem phim.

null

Không tìm ra điều gì mới mẻ rất dễ khiến một bộ phim kinh dị sớm rơi vào quên lãng.

Theo Wan, khán giả ngày nay đã quá quen với những bộ phim kinh dị, đến nỗi họ hiểu biết về ngôn ngữ làm phim tường tận hơn rất nhiều so với thời kỳ trước. Bởi thế, các đạo diễn phải khiến người xem ngạc nhiên ở mọi chương hồi nhằm lôi kéo sự chú ý.

“Nếu họ đang mong đợi điều gì đó xảy ra, bạn có thể làm gì để làm giảm kỳ vọng đó xuống?”, Wan phân tích. “Tôi luôn cố gắng tìm ra những cách thức mới mẻ để phá vỡ kỳ vọng của khán giả về thể loại”.

Sử dụng chất liệu có thật

“Dựa trên câu chuyện có thật” là cụm từ hay được các nhà làm phim kinh dị sử dụng. Mỗi lần dòng chữ đó hiện lên, người xem lại đi từ tò mò đến lạnh sống lưng. Đó là bởi các tình tiết, dù chỉ là một phần sự thật, cũng có thể khiến câu chuyện thêm thuyết phục. Những bộ phim nổi tiếng như The Conjuring, Poltergeist hay Nightmare on Elm Street đều dựa trên sự kiện từng xảy ra ngoài đời.

null

Ngôi nhà bị đồn có ma tại Rhode Island - nơi từng là nguồn cảm hứng cho bộ phim The Conjuring.

Người xem hẳn sẽ phải bối rối bởi không biết đâu là thực, đâu là hư cấu trong các kịch bản được thêu dệt khéo léo. Đáng sợ nhất là có những tình tiết như quá trình trừ tà của gia đình Warren, búp bê ma Annabelle hay căn nhà ma ám ở Rhode Island cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Tin liên quan:

>> Xem gì tuần 10/9 cùng TrueID: Phim kinh dị mới của James Wan lên sóng
>> James Wan giải thích nguồn cảm hứng đằng sau phim kinh dị mới

---------------------

CÓ THỂ BẠN THÍCH XEM:

Xem miễn phí bộ phim Tàn tích quỷ ám tại đây
Tag liên quan:
James WanMalignant
Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...