Nỗ lực làm mới G.I. Joe của hãng Paramount bằng phim ngoại truyện về nhân vật ninja Xà Nhãn rốt cuộc gây phản tác dụng và khiến thương hiệu điện ảnh đâm đầu vào ngõ cụt.
Dù là tập ngoại truyện (spin-off), bộ phim Snake Eyes cũng có thể được coi là tiền truyện (prequel) của hai phần G.I. Joe trước đây khi tác phẩm xoay quanh cuộc đời ninja Xà Nhãn từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành và trở thành một mật vụ của tổ chức điệp viên lừng danh.
Trong phim, vì theo đuổi việc trả thù cho cha mà Xà Nhãn (Henry Golding) bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu gia tộc khi gặp mặt Tommy (Andrew Koji) - người thừa kế của gia tộc ninja Arashikage. Sau đó, khi phát hiện những kẻ đứng sau tất cả là tổ chức Cobra, Xà Nhãn dần chuyển mình về phe chính nghĩa. Bộ phim đồng thời giải thích biệt danh Lam Ảnh (Storm Shadow) của Tommy, cũng như lý do gã về sau căm thù nhân vật chính.
Kịch bản còn nhiều thiếu sót
Xét về mô-típ, Snake Eyes sở hữu kịch bản kiểu “người hùng báo thù” thường thấy ở dòng phim hành động hạng B của Hollywood. Điểm chung của nhóm tác phẩm này là cốt truyện đơn giản, nhưng được bù đắp bằng phần hành động hoặc kỹ xảo hoành tráng, cùng tuyến nhân vật đủ thú vị để giữ chân khán giả. Công chúng từng yêu thích Taken hay John Wick vốn tuân thủ công thức này.
Song, cách dẫn dắt câu chuyện của Snake Eyes khó làm người xem đồng cảm. Bộ phim giống như “nồi lẩu thập cẩm” khi thêm thắt cả yếu tố tâm linh, thông qua việc nhân vật Xà Nhãn phải trải qua “thử thách tâm hồn” với các mãng xà khổng lồ để được Arashikage thừa nhận. Nếu không đủ thuần khiết, anh sẽ mất mạng trong hang động mãng xà của gia tộc ninja. Sự cải biên chỉ khiến tác phẩm dông dài, trong khi ê-kíp dường như quên mất những yếu tố trọng tâm cần được đào sâu.
Kịch bản Snake Eyes gặp phải rất nhiều vấn đề.
Xà Nhãn ban đầu tính vờ quy phục Arashikage, với ý định lợi dụng họ cho mục đích riêng. Điều đó có lẽ không cần thiết, bởi anh đang đứng trong tổ chức có thể được xem là hùng mạnh nhất Nhật Bản, còn người kế nhiệm lại đang rất trọng dụng anh.
Nhân vật nhiều lần rơi vào ngõ cụt bởi chính phương pháp hành động rối rắm và phi logic của bản thân. Cứ như thế, hành trình báo thù của Xà Nhãn tỏ ra nhạt nhẽo với nhiều chi tiết không cần thiết. Thời lượng phim lên tới gần hai tiếng, nhưng màn trả thù thực sự của anh dài chưa nổi hai phút.
Bên cạnh đó, dàn nhân vật phụ tỏ ra thiếu sức hút, đơn thuần đóng vai trò làm nền cho Xà Nhãn. Đơn cử như Tommy, người sau này trở thành ninja Lam Ảnh khét tiếng. Diễn biến số phận của gã thiếu tính nhất quán. Nhân vật có lúc là người điềm tĩnh, luôn nghĩ về gia tộc; lúc khác lại trở thành kẻ xốc nổi, để cảm tính làm hỏng đại sự. Lý do khiến hắn “hắc hóa” và trở thành thành viên của tổ chức Cobra thiếu sự tinh tế và tạo cảm giác khiên cưỡng.
Nhiều ngả rẽ trong tâm lý các nhân vật còn hời hợt và miễn cưỡng. Điều đó khiến một ngôi sao giàu kinh nghiệm như Henry Golding cũng phải loay hoay trong nhiều phân cảnh, không biết cần diễn ra sao cho đúng chất.
Henry Golding tỏ ra sa sút khi đảm nhận vai chính.
Sau Crazy Rich Asians (2018), tài tử gốc Malaysia liên tục tìm đến các dự án thuộc nhiều thể loại khác nhau nhằm thử thách bản thân và tìm ra hình tượng điện ảnh đúng đắn. Trước Snake Eyes, anh từng có màn trình diễn thuyết phục trong vai gã côn đồ bặm trợn Dry Eye ở The Gentlemen (2019) của đạo diễn Guy Ritchie. Song, ở bộ phim mới nhất, Golding có phần đuối sức, với gương mặt, ánh mắt, vòm miệng thiếu sức sống, khiến người xem không phân biệt nổi nhân vật lúc nào vui, khi nào buồn.
Một Xà Nhãn xa lạ với công chúng
Nếu từng yêu thích hai tập phim G.I. Joe trước đây, khán giả có lẽ cảm thấy Xà Nhãn trong Snake Eyes hơi xa lạ. Nhân vật cũ là người kiệm lời, luôn tập trung vào mục tiêu. Trên hết, đây là gã chiến binh thượng thừa về kỹ năng và sức mạnh.
Ở tác phẩm ngoại truyện, nhân vật từ một người Mỹ bị “hóa phép” thành người Mỹ gốc Á, sau đó được gia tộc ninja huấn luyện làm chiến binh thượng hạng. Song, diễn xuất trong những cảnh hành động của Henry Golding cho thấy đây vẫn là ninja “thực tập”, khó có khả năng trở nên bá đạo trong tương lai.
Sự liên kết của bộ phim và nhân vật so với hai tập G.I. Joe trước là gần như không có.
Ngoài ra, các yếu tố làm nên bản sắc của Xà Nhãn, như bộ giáp phục đen tuyền từ đầu tới chân hay “lời thề im lặng”, gần như không được đề cập. Do muốn tận dụng gương mặt hút khách của Henry Golding, phía biên kịch quyết định để anh lộ mặt, có rất nhiều lời thoại xuyên suốt bộ phim. Nếu loại bỏ hồi ba - nơi tác phẩm có sự liên kết với tổ chức phản diện Cobra cũng như bộ giáp trứ danh, Snake Eyes của Golding hoàn toàn có thể trở thành tác phẩm hành động không liên quan gì tới nguyên tác.
Tất cả khán giả đều biết rằng Xà Nhãn ở cuối phim sẽ gia nhập biệt đội G.I. Joe, còn Tommy trở thành Lam Ảnh của tổ chức Cobra. Nhưng cách thể hiện hời hợt, thiếu sự cài cắm tinh tế khiến mọi sự kiện cứ thế trôi tuột. Điều đọng lại sau cùng của tác phẩm có lẽ nằm ở sự dài dòng với nhiều chi tiết không cần thiết.
Theo đó, tinh thần anh hùng và sự độc đáo của Xà Nhãn ở hai bộ phim G.I. Joe trước đây cũng bị phá hỏng. Và tương lai thương hiệu trên màn ảnh thực sự đang đứng trước ngõ cụt.
Tin liên quan:
>> Phim ninja ‘Xà Nhãn’ gây thất vọng và đặt dấu chấm hết cho ‘G.I. Joe’?
>> Phim ninja 'Xà nhãn' bất ngờ bị đánh bại tại phòng vé Bắc Mỹ