Vì sao 'Free Guy' của Ryan Reynolds ăn khách? - TrueID

Vì sao 'Free Guy' của Ryan Reynolds ăn khách?

Sơn Phước (TrueID)September 29, 2021

Kịch bản hài hước, lồng ghép nhiều yếu tố trong văn hóa đại chúng (pop culture), sự xuất hiện của tài tử Ryan Reynolds, tất cả giúp Free Guy trở nên lôi cuốn và hấp dẫn.

Free Guy đánh dấu sự trở lại của nhà làm phim Shawn Levy sau nhiều năm không trực tiếp làm đạo diễn phim điện ảnh kể từ Night at the Museum: Secret of the Tomb (2014). Dự án sớm gây chú ý ngay từ khi công bố khi chứa đựng nhiều ý tưởng thú vị và khiến tài tử Ryan Reynolds quyết định bỏ tiền đầu tư sản xuất kiêm đảm nhận vai chính. Chuyện phim đưa người xem bước vào thế giới giả tưởng của Free City - trò chơi điện tử do Antwan (Taika Waititi) tạo ra bằng cách lén dùng mã nguồn của hai lập trình viên Millie (Jodie Comer) và Walter (Joe Keery).

Cốt truyện vừa lạ, vừa quen

Trong Free City, Guy (Ryan Reynolds) là nhân vật không thể điều khiển (NPC), có cuộc sống gần như hoàn hảo với tư cách của một công dân. Anh thức dậy mỗi sáng trong căn hộ tiện nghi, mặc đồng phục, mua cà phê, rồi đến ngân hàng làm việc. Như mọi ngày, bọn cướp sẽ kéo đến uy hiếp mọi người, còn Guy mặc nhiên để chúng lộng hành.

Tính cách Guy bất ngờ thay đổi sau khi anh vô tình gặp Molotov Girl (Jodie Comer) - cô nàng đeo kính có thân hình nóng bỏng. Tình yêu khiến anh nhận ra mình hoàn toàn có thể làm chủ cuộc đời và quyết định vùng dậy đối đầu bọn cướp rồi đi tìm người đẹp.

null

Dù được nhào nặn từ nhiều ý tưởng quen thuộc, Free Guy vẫn tạo ra được sự khác biệt cho riêng mình.

Thực chất, ý tưởng của Free Guy không mới. Câu chuyện mang hơi hướng vòng lặp của Groundhog Day (1993), nhân vật bị điều khiển không khác The Truman Show (1998), lồng ghép yếu tố thực - ảo như The Matrix (1999).

Hai biên kịch Matt Lieberman và Zak Penn sử dụng nhiều chi tiết quen thuộc trong các trò chơi khiến người xem gợi nhớ Ready Player One (2018). Điều này dễ hiểu vì Penn vốn là đồng biên kịch trong dự án bom tấn của Steven Spielberg. Song, anh lần này không chuyển thể, mà xây dựng kịch bản gốc dựa trên câu chuyện do Lieberman sáng tạo.

Để nhào nặn tác phẩm có cá tính riêng, bộ đôi khéo léo pha trộn nhiều yếu tố, từ hài, hành động, khoa học viễn tưởng, cho tới rom-com (hài - lãng mạn). Bên cạnh cốt truyện chính về Guy, phim còn lồng ghép câu chuyện phụ (sub-plot) kể về hành trình McKeys và Rusk tìm cách lật tẩy Antwan ở thế giới thực.

Cách xây dựng kịch bản đan xen giúp Free Guy thoát khỏi lối mòn, giữ được độ hấp dẫn. Thông qua nhân vật Guy, các nhà làm phim muốn đề cao việc làm chủ cuộc đời. Ở đầu phim, anh hài lòng và chấp nhận số phận vì nghĩ thế giới xung quanh hoàn hảo. Càng về cuối, Guy càng thoát khỏi khuôn mẫu, không để ai điều khiển mình.

Tác phẩm hài hước, đậm tính giải trí

Shawn Levy từng có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án có yếu tố hài hước như Cheaper by the Dozen (2003), Night at the Museum (2006), Date Night (2010)Do đó, nhà làm phim xử lý tốt những tình huống gây cười, giữ nhịp phim lôi cuốn suốt 115 phút.

Với kinh phí hơn 100 triệu USD, ê-kíp đầu tư nhiều vào phần hình ảnh. Hiệu ứng kỹ xảo và đồ họa vi tính được tận dụng tối đa để tạo ra những khung hình bắt mắt, nhiều màu sắc. 

null

Phim chứa đựng nhiều yếu tố pop culture quen thuộc với khán giả.

Thế giới ảo trong phim được xây dựng theo hướng đề cao tính tự do. Bối cảnh liên tục xảy ra những vụ cướp bóc tương tự Grand Theft Auto, những màn rượt đuổi, đấu súng lại mang phong cách Fortnite.

Các nhà làm phim còn khéo léo cài cắm hàng loạt “easter eggs” (chi tiết thú vị được cất giấu). Người hâm mộ sẽ thích thú khi thấy chiếc khiên của Captain America, cánh tay của Hulk, hay cả thanh kiếm lightsaber của thương hiệu Star Wars trong phim.

Phần âm nhạc cũng đáng nhớ với những ca khúc pop quen thuộc như Fantasy (Mariah Carey), Can’t Take My Eyes Off You (Frankie Valli), Believe It or Not (Joey Scarbury)… Các bài hát được sử dụng hợp lý, giúp phim thực sự mang cảm giác của một trò chơi điện tử.

Sức hút từ dàn diễn viên

Độ hấp dẫn của Free Guy sẽ phần nào giảm sút nếu thiếu Ryan Reynolds. Tài tử tiếp tục phát triển lối diễn hài đặc trưng từ Deadpool (2016), The Hitman's Bodyguard (2017). Dù là cơ mặt hay chỉ dùng lời thoại, anh đều biết cách tạo nét để gây cười.

Đóng cặp cùng tài tử Canada là Jodie Comer – ngôi sao của series Killing Eve. Nữ diễn viên người Anh không hề tỏ ra lép vế mà phối hợp ăn ý với bạn diễn, đồng thời lôi cuốn người xem bằng gương mặt khả ái và hình thể quyến rũ.

null

Ryan Reynolds phối hợp ăn ý với Jodie Comer trong phim.

Đáng chú ý là vai phản diện Antwan qua hóa thân của Taika Waititi - đạo diễn Thor: Ragnarok (2017) và Jojo Rabbit (2019). Ít ai biết rằng nhà làm phim người New Zealand từng có kinh nghiệm diễn xuất trong hơn hai thập niên. Waititi xuất hiện không nhiều, nhưng sự góp mặt của anh trong phim tạo nhiều điểm thú vị.

Phim còn quy tụ dàn cameo toàn người nổi tiếng gồm Chris Evans, Lara Spencer, các khách mời lồng tiếng như Tina Fey, Hugh Jackman, Dwayne “The Rock” Johnson và John Krasinski. Ngoài ra, Channing Tatum cũng xuất hiện với một vai nhỏ trong phim.

Sức hút từ dàn diễn viên ngôi sao giúp phim được khán giả đón nhận. Ra mắt tại Mỹ từ ngày 13/8, tác phẩm thắng lớn tại phòng vé khi thu hơn 310 triệu USD, hiện nằm trong danh sách top 10 phim ăn khách nhất năm 2021.

Điểm trừ nằm ở phần hành động được lồng ghép chủ yếu nhằm thay đổi bầu không khí, làm bàn đạp để phát triển sự hài hước, chứ chưa thực sự tạo cảm giác gay cấn, hồi hộp. Ngoài ra, cái kết phim cũng dễ đoán, phần nào khiến câu chuyện giảm giá trị.

Tin liên quan:

>> 'Sex Education' mùa 3 - series giáo dục giới tính giữ vững phong độ
>> ‘Phố người Hoa’ - thế giới ngầm của những người đàn bà thép

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...