‘Mùa hè năm ấy’ - chuyến du lịch định mệnh và bi kịch nhiều góc khuất - TrueID

‘Mùa hè năm ấy’ - chuyến du lịch định mệnh và bi kịch nhiều góc khuất

Hiếu Trịnh (TrueID)June 23, 2021

Mùa hè năm ấy theo chân nhân vật Joy (Pimpakan Phraekhunnatham) - một nữ sinh rất nổi tiếng tại trường học, nhưng đang gặp phải suy sụp về mặt tinh thần. Cô gái quyết định cùng bạn thân là Meen (Sutatta Udomsilp) đi du lịch biển cùng hai bạn trai khác có tên Sing (Jirayu La-ongmanee) và Garn (Krit Sathapanapitakkij) cho khuây khỏa.

Song, biến cố xảy ra khi Joy lên cơn suyễn do uống quá nhiều rượu và các loại cocktail, cũng như bị các bạn chuốc ma túy.

Lo sợ bị cảnh sát phát hiện, Sing và Garn bèn chọn cách thủ tiêu thi thể bằng cách ném xuống biển. Tuy nhiên, chỉ sau một buổi tối, xác chết đã quay lại ngay bãi biển nơi căn hộ của Sing. Anh quyết định bẻ gãy xương cơ thể Joy và nhét toàn bộ vào vali để mang đi chôn nơi khác. Từ đây, linh hồn thù hận của Joy xuất hiện và truy lùng những kẻ đã khiến cho mình chết không toàn thây.

Xem phim Mùa hè năm ấy miễn phí tại đây

Kết cấu đặc biệt

Mùa hè năm ấy thực tế là sự kết hợp của ba bộ phim ngắn được thực hiện bởi ba đạo diễn khác nhau. Mỗi phần phim kể về một nhân vật riêng biệt theo trình tự thời gian để làm sáng tỏ nhiều góc độ xung quanh cái chết của Joy.

Câu chuyện về chuyến du lịch thảm khốc mở màn bộ phim chiếm khoảng 30 phút thời lượng. Thể loại chính của phân đoạn này là giật gân kết hợp cùng kinh dị siêu nhiên được xử lý rất gọn gàng nhằm tạo ra bầu không khí căng thẳng, bấn loạn khi những thiếu niên trẻ tuổi bị đặt vào tình huống chết chóc.

null

Bi kịch của bộ phim bắt nguồn từ một chuyến du lịch của bốn bạn trẻ.

Sau phân đoạn mở đầu ấn tượng với nhiều cảnh rùng rợn và bạo lực, câu chuyện thứ hai xuất hiện, tập trung vào mối quan hệ giữa Meen và Joy. Dù là người may mắn sống sót sau, Meen đã không thành thực về cái chết của bạn thân. Đây là lúc những góc khuất trong tình bạn giữa cô và Joy bị phơi bày.

Meen vốn dĩ luôn bị ám ảnh bởi sự thành công và nổi tiếng của Joy trong trường học lẫn các hoạt động ngoài đời. Cô lúc này trở thành người duy nhất thấy được hồn ma của Joy. Người xem bị đặt vào sự hoài nghi rằng liệu đây là oan hồn quay lại hay chỉ là rối loạn bên trong tâm lý của nữ sinh.

Hồi cuối của tác phẩm tập trung vào nhân vật Ting (Ekkawat Ekatchariya) - em trai của Joy.  Nội dung phần này xoay quanh cuộc sống thường nhật của Ting sau khi chị gái mình qua đời và phơi bày sự cực đoan trong cách nuôi dạy con cái của mẹ cậu. Áp lực của sự nổi tiếng và kỳ vọng từ người mẹ chính là một phần nguyên nhân khiến cho Joy trở nên bất ổn tâm lý.

Quả không khó để nhận ra phong cách làm phim khác nhau của ba đạo diễn Saranyoo Jiralak, Sitisiri Mongkolsiri và Kittithat Tangsirikit. Đoạn đầu phim dồn dập, kích tính; đoạn giữa phim nặng về mặt tâm lý; còn đoạn cuối mang nhiều yếu tố tình cảm. Dù mạch phim có lúc nhanh chậm, khán giả vẫn bị cuốn theo câu chuyện cho đến phút chót.

Tạo hình kinh dị rùng rợn của thi thể

Tâm điểm của nỗi sợ hãi trong Mùa hè năm ấy là những lần oan hồn của Joy xuất hiện, ám lấy đám người đã gây ra cái chết của cô. Ngoại hình oan hồn được giữ nguyên ngay khoảnh khắc thi thể của cô bị nhét vào vali với đôi mắt đỏ ngầu, làn da nhợt nhạt và tay chân gãy gập.

Joy luôn xuất hiện một cách đột ngột vào những khoảnh khắc căng thẳng. Chúng được sắp xếp một cách khéo léo, tạo ra sự sợ hãi cần thiết cho người xem. Đặc biệt, hai đoạn sau của tác phẩm được thực hiện theo phong cách trường học ma ám và ngôi nhà ma ám. Bầu không khí chật hẹp, u ám càng giúp cho oan hồn của Joy trở nên đáng sợ gấp bội.

null

Sutatta Udomsilp có màn diễn xuất ấn tượng khi vào vai Meen.

Kết hợp cùng với đó là diễn xuất nổi trội của nữ diễn viên Sutatta Udomsilp trong vai Meen. Những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật, từ phẫn nộ, sợ hãi, hoang mang và cuối cùng là tuyệt vọng, được cô thể hiện đầy chân thực.

Kịch bản trong phim rất chú trọng đến các chi tiết liên kết  Joy với các nhân vật khác, với mục đích vẽ nên một bức tranh bi ai, chua chát về số phận của một nữ sinh nhỏ bé bị những người mà mình yêu quý đẩy vào cái chết bi thảm. Tư duy đối nhân xử thế bị méo mó mới chính là điều đáng sợ nhất mà tác phẩm muốn truyền tải đến người xem.

Nhìn chung, Mùa hè năm ấy là bộ phim kinh dị có điểm nhấn riêng của điện ảnh Thái Lan. Thành công của tác phẩm đến từ sự hòa trộn nhuần nhuyễn nhiều thể loại, từ giật gân, siêu nhiên đến tâm lý tình cảm. Các fan của thể loại kinh dị hoàn toàn có thể cảm thấy thỏa mãn với bộ phim.

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...