'One-Punch Man' - khi quái vật phải luyện tập để chống lại siêu anh hùng - TrueID

'One-Punch Man' - khi quái vật phải luyện tập để chống lại siêu anh hùng

Khắc Nguyễn (TrueID)September 8, 2021

Bộ manga và anime do ONE chấp bút đưa ra một ý tưởng độc đáo khi những con quái vật mới là kẻ phải luyện tập để chống lại siêu anh hùng quá bá đạo.

Ra mắt năm 2009, manga One-Punch Man nhanh chóng cán mốc 2,2 triệu bản in vào năm 2013 và vào top 10 truyện tranh được đề cử giải thưởng thường niên Manga Taishō hồi 2014. Bước sang năm 2020, thương hiệu truyện tranh đã cán mốc 30 triệu bản trên toàn thế giới. Sau khi được phát hành tại Mỹ, hai tập đầu tiên của One-Punch Man lần lượt dẫn đầu danh sách manga bán chạy nhất của New York Times trong hai tuần liên tiếp. Kế đó, loạt anime chuyển thể cũng nhận vô số lời khen ngợi từ người hâm mộ và giới phê bình.

Xem miễn phí loạt phim One-Punch Man tại đây

Nội dung khác xa so với các quy chuẩn thông thường

One-Punch Man lấy bối cảnh một siêu lục địa trên Trái Đất giả tưởng - nơi thường xuyên bị quái vật tấn công và tàn phá. Saitama vốn là một nhân viên văn phòng bình thường thuộc thành phố Z. Vì muốn trừ gian diệt ác, anh quyết tâm tập luyện theo chế độ "100 cái hít đất, 100 cái gập bụng, 100 cái squats và chạy 10 km mỗi ngày".

Sau ba năm, Saitama rụng hết tóc, nhưng sở hữu siêu sức mạnh không ai địch lại. Mọi đối thủ dù mạnh mẽ đến đâu cũng dễ dàng bị "thánh phồng tôm" đánh bại chỉ với một cú đấm. Tuy nhiên, việc quá mạnh khiến Saitama cảm thấy chán chường. Sau một lần tình cờ, siêu anh hùng này trở thành sư phụ cho chiến binh nửa người nửa máy (cyborg) có tên Genos. 

null

One-Punch Man chọn hướng đi khác xa truyền thống khi siêu anh hùng mạnh ngay từ đầu.

Cả hai rủ nhau gia nhập Hiệp hội Anh hùng. Điều oái oăm là Genos được xếp vào lớp S mạnh nhất, trong khi Saitama do điểm thi viết quá thấp nên chỉ vào lớp C hạng bét. Tuy lập bao nhiêu chiến công, nhưng anh chàng vẫn không được người dân biết đến. Nhưng cũng nhờ đó, Saitama khám phá được nhiều bí mật đen tối đằng sau cả bọn quái vật lẫn các siêu anh hùng.

Ở các bộ manga siêu anh hùng quen thuộc, nhân vật chính thường xuyên gặp thử thách và đối đầu với những đối thủ hùng mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Họ có thể thất bại, nhưng qua đó rút ra bài học, rồi tiếp tục rèn luyện để mạnh mẽ hơn. Song, tác giả ONE đã đi ngược lại cốt truyện này và tạo ra một chiến binh bất khả chiến bại ngay từ đầu.

null

Nhiều quái vật được đầu tư quá khứ hoành tráng chỉ để bị tiêu diệt bởi một cú đấm.

Do đó, đám quái vật mới là những kẻ buộc phải luyện tập để đối đầu với Saitama. Qua các tập phim, khán giả được chứng kiến hàng loạt phản diện bá đạo như Chúa tể Boros - kẻ được mệnh danh là mạnh nhất vũ trụ, Vua quái vật Orochi, Carnage Kabuto hay Armored Gorilla. Nhiều kẻ trong số đó phải trải qua quá trình nâng cấp hay phát triển đầy gian khổ trước khi chạm trán Saitama.

Nhiều lúc, chúng còn sở hữu câu chuyện quá khứ phức tạp hệt như các siêu anh hùng. Một vài tập phim được dành riêng chỉ để giới thiệu sức mạnh của một con quái vật thông qua việc tàn phá thành phố hay đánh bại những người hùng khác. Song, những trận chiến với Saitama thường kết thúc chóng vánh chỉ sau... một cú đấm. Đôi khi, người xem còn cảm thấy thương cảm cho đám quái vật khi tốn quá nhiều công sức mà chẳng trụ nổi vài phút.

Yếu tố giải trí và châm biếm sâu sắc

Gạt bỏ quá trình phát triển nhân vật chính, ONE tập trung vào những khía cạnh khác trong việc kể chuyện, chẳng hạn như các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Trong một bài phỏng vấn, tác giả tiết lộ: "Việc đấm đá đôi khi khá vô dụng trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nhưng trong vũ trụ One-Punch Man, tôi biến Saitama trở thành kiểu người có khả năng điều chỉnh cuộc sống sao cho phù hợp với thế giới xung quanh chỉ bằng sức mạnh to lớn. Trở ngại mà cậu ấy phải đối mặt là những thứ gì đó rất đời thường, chẳng hạn như thiếu tiền".

null

Phim tập trung vào yếu tố hài hước xoay quanh cuộc sống hằng ngày của Saitama.

Bộ phim khai thác sự hài hước khi giễu nhại mô-típ anh hùng thường thấy. Do quá mạnh, Saitama chỉ giết quái vật cho đỡ chán. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, anh đi săn đồ khuyến mại hay kiếm đồ ăn bỏ vào bụng. Hay nhân vật có thể đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh, nhưng chẳng thể nào bắt nổi con ruồi đang vo ve.

Saitama còn là một người "hồn nhiên" và ngây ngô quá mức. Anh có duy nhất một biểu cảm "ngu ngơ" trong mọi biến cố và luôn làm việc mà không hề toan tính trước nên dẫn tới nhiều tình huống bi hài. Ngay cả việc dạy dỗ Genos của "thánh trọc" cũng không nên hồn vì mọi thứ anh có chỉ thông qua công thức tập luyện đơn giản mà chẳng ai chịu tin. Bù lại, Saitama phải bịa ra nhiều "đạo lý" để bù đắp cho sự nhiệt tình của đệ tử.

null

Yếu tố hành động trong phim khá hấp dẫn nhờ phần đồ họa đẹp mắt.

Dù tác phẩm không thiên về hành động, những trận chiến trong One-Punch Man vẫn diễn ra khá hoành tráng. Ngoại trừ Saitama, các nhân vật phụ đều có đất để phô diễn khả năng tàn phá kinh hoàng. Những cuộc đụng độ giữa các siêu anh hùng và quái vật diễn ra đầy khốc liệt khi cả hai phe luôn chịu thương vong. Bản thân Saitama cũng có vài trận đánh dài hơi và mãn nhãn, nhưng sau đó được giải thích là anh cố tình giữ sức để tạo kịch tính.

Ngoài ra, ONE còn khéo léo lồng ghép nhiều bài học và ý nghĩa sâu sắc vào nội dung tác phẩm. Việc "thánh phồng tôm" bị xếp vào lớp C là để lên án hệ thống giáo dục rập khuôn, không đánh giá đúng thực lực của học sinh. Saitama cũng tỏ ra không quan tâm tới chuyện cấp bậc bất công và phi lý. Nhiều quái vật trong phim xuất hiện nhằm cảnh tỉnh khán giả về vấn đề môi trường, định kiến xã hội, sự gò bó của các hủ tục lỗi thời...

Tin liên quan:

>> Vì sao 'Thanh gươm diệt quỷ' ăn khách trên toàn cầu?
>> 10 anime lôi cuốn về thế giới ảo

Tag liên quan:
One-Punch ManSaitama
Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...