‘Chân Tam Quốc vô song’: Kỹ xảo lòe loẹt, kịch bản nhạt nhòa và rỗng tuếch - TrueID

‘Chân Tam Quốc vô song’: Kỹ xảo lòe loẹt, kịch bản nhạt nhòa và rỗng tuếch

Dư Hưng (TrueID)July 4, 2021

Bộ phim hành động dựa trên loạt trò chơi chặt chém nổi tiếng của hãng Koei gần như chẳng để lại chút ấn tượng tích cực nào đối với khán giả, trừ phần ngoại cảnh bắt mắt tại New Zealand, cùng vài phân cảnh hành động kỹ xảo.

Dynasty Warriors (Chân Tam Quốc vô song) là loạt trò chơi điện tử nhập vai - hành động chặt chém nổi tiếng do hãng Koei phát hành, lấy cảm hứng bộ tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung. Trong trò chơi, người chơi được vào vai các nhân vật nổi tiếng trong thời Tam Quốc, sở hữu những bộ kỹ năng, chiêu thức đặc trưng và tham gia các trận chiến ác liệt “một địch trăm” theo đúng nghĩa đen.

Bộ phim người đóng dựa theo loạt trò chơi do đạo diễn Chu Hiển Dương thực hiện, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Hoa ngữ như Cổ Thiên Lạc, Vương Khải, Dương Hựu Ninh, Hàn Canh, Lưu Gia Linh, Lữ Lương Vỹ, Cổ Lực Na Trát…

Phim được khởi quay từ năm 2017 tại Trung Quốc và New Zealand, rồi chính thức ra mắt khán giả Trung Quốc đại lục vào tháng 5/2021, trước khi vừa được phát hành toàn cầu qua hệ thống Netflix.

Nội dung quen thuộc biến tấu theo phong cách võ hiệp kỳ ảo

Dynasty Warriors dựa theo phần mở đầu của Tam Quốc diễn nghĩa, với sự kiện thứ sử Tây Lương - Đổng Trác (Lâm Tuyết) - dẫn quân triều đình diệt giặc Khăn Vàng do Trương Giác (Khương Hạo Văn) cầm đầu, diễn ra vào đầu những năm 190. Sau khi dập tắt quân Khăn Vàng, họ Đổng bèn phế truất Hán Thiếu Đế và lập Trần Lưu Vương lên làm hoàng đế, rồi tự phong mình làm tướng quốc, làm loạn triều chính.

Hành vi lộng quyền của Đổng Trác khiến các chư hầu phẫn nộ. Họ cùng hội quân tại Anh Hùng đài, nguyện thề diệt Đổng Trác. Trong số các lực lượng liên quân, nổi bật có Tào Tháo (Vương Khải) - một người mang hồng tâm đại chí, từng ám sát Đổng Trác thất bại nhưng nhờ đó mà tên tuổi vang danh thiên hạ; ba anh em Lưu Bị (Dương Hựu Ninh) - Quan Vũ (Hàn Canh) - Trương Phi (Trương Kiến Thành) không có thế lực, nhưng quyết xông pha trận mạc phò Hán, diệt loạn.

null

Dynasty Warriors được thực hiện dựa trên loạt trò chơi cùng tên với những tình tiết quen thuộc trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Dù được chuyển thể từ loạt trò chơi nổi tiếng cùng tên, cốt truyện Dynasty Warriors thực tế dựa theo những chi tiết chính của Tam Quốc diễn nghĩa - nguyên tác kinh điển của cả loạt trò chơi, cùng một số cải biên nhỏ về diễn biến tiểu tiết. Khán giả từng thưởng thức nguyên tác của La Quán Trung hay bất cứ tác phẩm chuyển thể nào từ bộ tiểu thuyết đều thấy quen thuộc và nhanh chóng nắm rõ, thậm chí đoán trước diễn biến của bộ phim.

Còn với những khán giả không quen với Tam Quốc, Dynasty Warriors cũng rất dễ theo dõi với mạch phim tuyến tính, bối cảnh và hệ thống nhân vật được giới thiệu rõ ràng từ sớm với hai phe chính - tà phân biệt ngay từ ban đầu.

Điểm nổi bật của Dynasty Warriors so với nguyên tác Tam Quốc diễn nghĩa cũng như nhiều tác phẩm chuyển thể khác nằm ở chỗ bộ phim được phóng tác theo phong cách võ hiệp kỳ ảo. Những nhân vật anh hùng trong phim giờ đây không chỉ là những cá nhân sở hữu năng lực, hoài bão hơn người, mà còn sở hữu năng lực “vô song” do tinh hoa đất trời hội tụ, giúp họ vượt xa người bình thường.

Thêm vào đó, họ còn được định mệnh chủ đích trao cho thần binh, lợi khí trăm năm có một, và trở nên vô địch trên chiến trường. Mỗi người đều là siêu cao thủ với năng lực “một địch trăm” theo nghĩa đen, thậm chí có thể hô phong hoán vũ, dời non lấp bể chỉ bằng một chiêu thức hay đòn đánh.

Công bằng mà nói, bản thân cốt truyện của Dynasty Warriors không hề tệ, bởi nguyên tác Tam Quốc diễn nghĩa lẫn sự kiện loạn Đổng Trác trong lịch sử đã sở hữu quá nhiều chất liệu hấp dẫn cho các nhà làm phim tự do sáng tạo theo lý tưởng riêng. Hệ thống nhân vật kinh điển đạt đến tầm biểu tượng văn hóa đại chúng lại càng không cần bàn về tiềm năng phát triển.

Việc phóng đại hình tượng nhân vật quen thuộc theo hướng võ hiệp kỳ ảo chẳng phải vấn đề gì to tát nếu như có hướng đi hợp lý và được phát triển đầy đủ. Chính thành công của loạt trò chơi Dynasty Warriors đã chứng minh việc cường điệu hóa các nhân vật thành siêu cao thủ, những “chiến thần” đích thực hoành tảo sa trường là bước đi đúng đắn, giúp gây ấn tượng với khán giả đại chúng tốt thế nào.

Kịch bản sơ sài và rỗng tuếch đến thảm hại

Dù sở hữu nền tảng đầy tiềm năng, Dynasty Warriors lại một lần nữa đi vào “vết xe đổ” của vô vàn tác phẩm chuyển thể từ trò chơi điện tử trước đó. Nguyên nhân đến từ phần kịch bản yếu kém.

Bộ phim có phần mở đầu tương đối hợp lý khi giới thiệu ngắn gọn và khá đầy đủ bối cảnh lẫn các tuyến nhân vật chính - tà quan trọng. Lựa chọn Tào Tháo làm gương mặt dẫn dắt bộ phim là lựa chọn khá hợp lý, bởi bản thân nhân vật gian hùng này có nhiều tiềm năng để đầu tư, phát triển cá tính.

null

Có quá nhiều vấn đề trong kịch bản của bộ phim.

Tuy nhiên, càng về sau, khi bắt đầu đi vào xây dựng nhân vật cũng như các sự kiện chính, diễn biến tác phẩm càng bị đẩy nhanh, thể hiện hết sức sơ sài và qua loa đến mức thảm hại. Từ hành động ám sát hụt Đổng Trác kinh thiên động địa, đến giai thoại sát hại cả nhà Lữ Bá Xa quen thuộc dẫn đến tuyên bố kinh điển “Ta thà phụ người, chứ không để người phụ ta”, rồi toàn bộ hành trình hội quân tham dự liên minh 18 lộ chư hầu của Tào Tháo đều chỉ diễn ra chóng vánh và cẩu thả, chẳng đem đến cảm xúc gì ngoài việc thúc đẩy diễn biến theo đúng cốt truyện sẵn có.

Cao trào chính của bộ phim khi liên quân 18 lộ chư hầu đồng lòng diệt Đổng Trác lại càng thảm hại. Nguyên một sự kiện quan trọng với sự tham dự của nhiều thế lực quân sự hùng mạnh, ảnh hưởng đến an nguy vương quốc, giới thiệu đến khán giả những đại nhân vật nổi tiếng với nhiều trận thư hùng tranh bá kinh điển như “chém Hoa Hùng”, “Tam anh chiến Lã Bố” lại được xây dựng không thể quê mùa hơn.

Phân cảnh các lộ chư hầu tập hợp diệt phản tặc mà trông giống như đám giang hồ chợ búa tập hợp với cấu trúc lộn xộn, kế hoạch thì vô thưởng vô phạt có cũng như không, lời thoại thì đao to búa lớn nhưng sáo rỗng nhạt nhẽo. Đến khi vào cao trào chiến trận, bộ phim gần như chẳng có lấy một trận chiến tử tế thực sự giữa hai phe.

Cứ thế, càng về sau, Dynasty Warriors càng khiến khán giả cười ra nước mắt với vô vàn tình tiết nhạt nhòa, rời rạc được xây dựng hời hợt, cẩu thả, thua xa những phiên bản chuyển thể khác. Thậm chí, so với nguyên tác trò chơi điện tử vốn cũng không nhấn mạnh vào diễn biến và lời thoại, chủ yếu tập trung vào phần hành động, bản thân bộ phim cũng còn thua kém rất nhiều trong việc xây dựng một tổng thể kịch bản tử tế.

Kỹ xảo lòe loẹt, khoa trương

Thất bại trong việc tái hiện câu chuyện hấp dẫn của Tam Quốc lên màn ảnh, Dynasty Warriors cũng chưa thành công trong việc thể hiện “đặc sản” của loạt trò chơi lên màn ảnh: những pha hành động hoành tráng, vô tiền khoáng hậu của các nhân vật.

Về cơ bản, bộ phim cũng đã cố gắng thể hiện năng lực chiến đấu siêu phàm của các nhân vật với những chiêu thức màu mè lòe loẹt, long trời lở đất, có thể đánh văng cả chục người với một đòn đấm, giống như chất kiếm hiệp Hong Kong thập niên 1990. Thậm chí, biên kịch và đạo diễn còn cố gắng hợp thức hóa năng lực siêu phàm của các nhân vật thông qua màn giới thiệu lê thê về mệnh anh hùng đậm chất võ hiệp truyền kỳ đến từ nhân vật Chú Kiếm Bảo Chủ (Lưu Gia Linh) - người ban tặng thần binh.

null

Phần hành động trong phim lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.

Nhìn qua thì phần hành động của Dynasty Warriors có vẻ cũng thú vị và trung thành với nguyên tác lúc ban đầu. Sau đó, khi các nhân vật đã sở hữu thần binh, nhà làm phim cũng chịu khó sáng tạo thêm một chút tuyệt kỹ đặc trưng, như Lã Bố thì là thuộc tính sấm sét, Lưu Bị là thuộc tính gió hay Quan Vũ là thuộc tính lửa, khiến cho các chiêu thức thêm phần kỳ ảo.

Tuy nhiên, điều đó không che giấu được sự lười biếng của ê-kíp khi chỉ liên tục lặp đi lặp lại một kiểu hành động cổ lỗ sĩ: để nhân vật múa may, khua khoắng binh khí, rồi bất chợt xuất ra chiêu thức ảo diệu đánh bay hàng chục, thậm chí hàng trăm quân địch cùng lúc. Lúc đầu theo dõi thì cũng vui, nhưng lạm dụng một kiểu thể hiện chiêu thức như cho trẻ con xem chỉ khiến khán giả dù dễ tính tới đâu cũng phải ngao ngán.

Chưa kể, dù có cường điệu sức mạnh và năng lực của các nhân vật, bản thân trò chơi gốc vẫn cố gắng thể hiện các chiêu thức, đòn đánh mang tính cá nhân riêng; ảo diệu nhưng vẫn uy lực, hư cấu nhưng vẫn ở tầm cao thủ võ lâm, chứ chưa đến mức siêu nhân thần thánh. Còn Dynasty Warriors thì không ngại nâng tầm nhân vật lên mức siêu nhân, với những đòn thế ở mức hô phong hoán vũ, bạt núi lấp bể.

Việc cường điệu sức mạnh nhân vật quá lố khiến bộ phim trở thành một mớ hỗn độn, với đủ thứ thập cẩm chẳng hề ăn nhập. Thêm vào đó, phần hiệu ứng kỹ xảo còn nhiều hạn chế, khiến cho hầu hết phân cảnh hành động trở nên phô trương, lòe loẹt và lố lăng.

Chất lượng tạo hình và xây dựng nhân vật lộn xộn

Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên của bộ phim trong quá trình sản xuất được công bố, Dynasty Warriors đã vấp phải nhiều tranh cãi khi chưa thể hiện được hình tượng nhân vật như nguyên tác trò chơi. Điều này không quá khó hiểu khi tạo hình của trò chơi điện tử luôn thể hiện ở mức độ hoàn mỹ cao mà các diễn viên ngoài đời thực khó có thể đạt được.

Trong số các nhân vật, vai Tào Tháo của Vương Khải là có nhiều đất diễn nhất, xây dựng cá tính phong phú cũng như tạo hình tốt, trung thành với nguyên tác. Dù bản thân nhân vật trên phim được xây dựng không thật sự mới mẻ hay hấp dẫn, cũng như nét diễn của Vương Khải nhiều lúc còn cường điệu thái quá, ít ra Tào Tháo của anh cũng có nét gian hùng cần thiết, không khiến khán giả cảm thấy ngán ngẩm.

null

Tào Tháo của Vương Khải là nhân vật có tạo hình chấp nhận được so với trò chơi.

Vai Lã Bố của Cổ Thiên Lạc hẳn sẽ gây tranh cãi với khán giả. Công bằng mà nói, họ Cổ thể hiện hình tượng chiến thần bất bại khá tròn vai, với nét diễn vừa lạnh lùng, vừa tà ác. Nhưng so với tạo hình uy vũ bá đạo đến mức không tưởng của trò chơi điện tử, anh vẫn chưa đạt tầm kỳ vọng. Đổng Trác của Lâm Tuyết cũng khá thành công với tạo hình trung thành nguyên tác, đồng thời bản thân nhân vật cũng không khó để thể hiện.

Trong bộ ba anh em kết nghĩa vườn đào, ngoại trừ Lưu Bị của Dương Hựu Ninh là chấp nhận được về tạo hình và diễn xuất, Quan Vũ và Trương Phi của Hàn Canh lẫn Trương Kiến Thành đều khiến khán giả ngao ngán, đặc biệt là là hình tượng Quan Nhị gia thất bại toàn tập.

Ngoại hình lẫn nét diễn xuất của Hàn Canh không có một chút gì phù hợp với hình tượng chiến thần với Thanh Long Đao đầy uy vũ, biến anh trở thành Quan Vũ gầy gò, cằm nhọn và yếu ớt bậc nhất trên màn ảnh từ xưa đến nay. Nhìn Quan Vũ của Hàn Canh đứng cạnh Lưu Bị mà khán giả thấy Dương Hựu Ninh còn có thần thái uy nghiêm bá đạo của một chiến tướng hơn hẳn.

null

Lã Bố của Cổ Thiên Lạc có thể gây nhiều tranh cãi.

Bên cạnh vô vàn điểm trừ, Dynasty Warriors phần nào gỡ gạc lại nhờ phần ngoại cảnh bắt mắt, với nhiều đại cảnh tự nhiên hoành tráng tại Trung Quốc và New Zealand. Phần hành động tuy lạm dụng kỹ xảo quá đà trở nên lòe loẹt, lộn xộn, nhưng vẫn có một vài phân cảnh được dàn dựng tạm ổn, đủ để giải trí.

Bất chấp mức đầu tư lớn, quy tụ dàn diễn viên đình đám của điện ảnh Hoa ngữ cùng nguyên tác kinh điển, Dynasty Warriors vẫn thất bại trong việc cố gắng tái hiện loạt trò chơi nổi tiếng lên màn ảnh rộng. Các nhà làm phim cần cố gắng đầu tư chiều sâu nhiều hơn là cái vỏ ngoài lòe loẹt nhưng lại nhạt nhòa và rỗng tuếch bên trong.

Tin liên quan:

>> Tạo hình thảm họa trong các bản phim ‘Tam Quốc’

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...