Phần thứ tư của loạt phim chuyển thể từ manga Rurouni Kenshin đáp ứng tốt mảng hành động, nhưng gây nhàm chán do cốt truyện dông dài, tình tiết vụn vặt.
Loạt phim live-action (người đóng) Rurouni Kenshin vốn dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Watsuki Nobuhiro. Khán giả từng được thưởng thức ba bộ phim điện ảnh trong quá khứ. Sau bảy năm chờ đợi, công chúng mới được tiếp tục thưởng thức Rurouni Kenshin: The Final dựa trên mạch truyện liên quan tới quá khứ bi thương của lãng khách Kenshin.
Sau khi đánh bại Shishio Makoto, Himura Kenshin (Takeru Satoh) những tưởng đã tìm thấy cuộc sống yên bình, qua rồi cái thời binh đao giết chóc. Song, kiếm sĩ mặt sẹo một lần nữa phải đối mặt với những “bóng ma của quá khứ”.
Đối thủ lần này của anh là gã giang hồ tóc bạc Enishi Yukishiro (Arata Mackenyu). Trong ký ức của Enishi, Kenshin là gã tình nhân đã lạnh lùng sát hại chị gái của hắn - Tomoe (Arimura Kasumi) - giữa trời bão tuyết. Trên thực tế, Enishi còn là kẻ đã bí mật cung cấp vũ khí hạng nặng cho Makoto trong hai tập trước.
Rurouni Kenshin: The Final là bộ phim điện ảnh thứ tư dựa trên loạt manga cùng tên.
Hành động đã mắt và hình ảnh trọn vẹn của battousai
Rurouni Kenshin: The Final giữ phong độ ở những trường đoạn hành động. Tác phẩm đầu tư trường đoạn Enishi tấn công đất liền với loạt đạn trông như “mưa sao băng”, hay cảnh Kenshin dùng thân thủ linh hoạt chạy né đạn súng máy trên mái nhà. Với gốc gác là mafia tại Thượng Hải (Trung Quốc), “trùm cuối” Enishi còn mang đến những màn biểu diễn quyền cước, đao thuật mãn nhãn.
Phim đầu tư nhiều cảnh hành động đã mắt.
Ê-kíp đẩy mạnh những góc quay rộng và phóng khoáng, đặc tả được phong cách chiến đấu của nhân vật. Trường đoạn tên ác nhân tự do bay nhảy trong khoang tàu lửa, một mình đánh gục cả nhóm cảnh sát Shinsengumi, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Trong phần phim mới, Kenshin không chỉ là gã samurai bất bại. Anh còn hiện lên với hình ảnh người đàn ông chịu nhiều vết sẹo trong tâm hồn. Hình ảnh Kenshin thẫn thờ đứng dưới mưa, hay nét mặt bi ai của anh khi phải đối đầu Enishi, tạo nên nốt trầm cho một tác phẩm điện ảnh đầy cảnh chém giết.
Thông qua loạt cảnh quá khứ khi Kenshin còn ở bên Tomoe, bộ phim khắc họa trọn vẹn một battousai đầy bất an. Anh là kẻ chỉ cần ra một đường gươm là trời đổ “mưa máu”, nhưng đêm về lại thường thức giấc bởi những cơn ác mộng, đôi mắt nhắm hờ luôn mệt mỏi bởi những tội lỗi xa xưa.
Hình ảnh Rurouni Kenshin trên màn ảnh rộng trở nên trọn vẹn hơn nhờ tác phẩm.
So với tên trùm Makoto của hai phần trước với kỹ năng “điều khiển” lửa cùng sức mạnh thể chất vượt trội, Enishi gây khó khăn cho Kenshin theo kiểu khác. Gã là kiểu nhân vật dùng sự linh hoạt để hóa giải các đòn thế tấn công của chàng kiếm sĩ. Nếu Makoto là “phiên bản độc ác” của chính Kenshin, thì Enishi đại diện cho quả báo mà lãng khách mặt sẹo phải nếm trải, do chuỗi lỗi lầm trong quá khứ. Điều này mang đến cá tính riêng cho vai phản diện mới, dù hắn không thực sự bá đạo như Makoto. Mối quan hệ giữa hai nhân vật khiến mạch truyện mang tính riêng tư, nhiều cảm xúc hơn.
Những điểm yếu còn tồn tại
Ngoài Enishi, các thành viên còn lại của hội Sáu Đồng Hữu bị xây dựng mờ nhạt. Trong nguyên tác, nhóm chiến binh thân tín của gã tóc bạc được giới thiệu là những kẻ từng có ân oán với Kenshin trong quá khứ. Song, bộ phim điện ảnh không có đủ thời lượng để khắc họa quá khứ của chúng.
Tạo hình của loạt nhân vật cũng chưa lột tả trọn vẹn sự kỳ dị như bản manga: Mumyoi từ sát thủ có khả năng duỗi dài tứ chi và leo tường, nay chỉ còn là một tên điên mặc giáp sắt kín người; tay võ sư hiếu chiến Inui quá gầy gò so với nguyên tác. Nhóm Sáu Đồng Hữu dễ khiến người hâm mộ nhớ đến phe Thập Bản Đao của phần trước - cũng là những quái nhân sở hữu vẻ ngoài nguy hiểm, nhưng lại có kết cục gây hụt hẫng.
Điểm yếu lớn nhất của Rurouni Kenshin: The Final nằm ở mạch kể truyện dài dòng, các tuyến nhân vật ở hồi đầu và giữa có nhiều lời thoại đao to búa lớn, nhưng gần như bị bỏ qua trong hồi cuối. Phần kịch bản ôm đồm nhưng thiếu trọng tâm khiến các vai diễn quan trọng như Aoshi hay Hajime trở nên thừa thãi. Họ xuất hiện đúng kiểu “điểm danh” để thỏa lòng người hâm mộ, chứ thực chất không đóng góp đáng kể cho tuyến truyện chính.
Tuyến nhân vật phụ trong phim tương đối nhạt nhòa.
Việc dồn nén nội dung của cả một arc truyện quan trọng vào hơn hai tiếng thời lượng khiến các tình tiết trở nên vụn vặt, gây khó hiểu với ai chưa đọc qua nguyên tác. Lý do Tomoe bỏ mạng dưới tay Kenshin được khắc họa rõ nét chỉ qua vài trang truyện. Tuy nhiên, ở bản điện ảnh, việc lạm dụng lời thoại dông dài, kết hợp cùng lối cắt cảnh vụn dễ khiến người xem lúng túng trước lý do Tomoe đưa lưng ra đỡ đường kiếm “người chồng hờ” nếu chưa đọc truyện gốc. Nếu nhà sản xuất chia bộ phim thành hai phần như arc xoay quanh Makoto, kịch bản sẽ có điều kiện giãn nở, bớt gây cảm giác tù túng.
Trong lần trở lại với hình tượng samurai mang kiếm lưỡi ngược, Takeru Satoh vẫn giữ nguyên phong độ. Anh có lối diễn điềm đạm, nhấn nhá câu chữ vừa đủ, thể hiện trọn vẹn hai thái cực nghiêm trang và hiền hòa của nhân vật.
Trong khi đó, các vai phụ vẫn còn giữ lối diễn cường điệu thường thấy trong phim Nhật Bản, nhiều lúc “làm lố” tạo cảm giác khó chịu. Mackenyu đẩy được thần thái lạnh lùng của Enishi, nhưng chưa tạo được điểm nhấn trong cách diễn của mình. Arimura Kasumi (vai Tomoe) và Takei Emi (vai Kaoru) là hai diễn viên nữ thực lực. Nhưng do sự phân bố thời lượng không hợp lý, cả hai không có nhiều xúc tác giá trị với Takeru Satoh.
Theo đúng tiến độ của hãng Warner Bros., tập phim thứ năm mang tên The Beginning đã ra mắt khán giả tại Nhật Bản từ 4/6. Song, đây là bộ phim tiền truyện khi đào sâu hơn vào quá khứ của Himura Kenshin khi anh còn là một battousai giết người không ghê tay, cũng như mối tình giữa nhân vật Tomoe. Hy vọng bộ phim sẽ giúp giải đáp trọn vẹn nhiều tình tiết còn bỏ ngỏ trong The Final.