'The Protégé' - Việt Nam xuất hiện ra sao trong phim hành động Hollywood? - TrueID

'The Protégé' - Việt Nam xuất hiện ra sao trong phim hành động Hollywood?

Dư Hưng (TrueID)September 12, 2021

Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Casino Royale (2006) và đả nữ Maggie Q không chỉ hấp dẫn khán giả bởi phần hành động máu lửa, mà còn nhờ bối cảnh đặt tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Nhân vật chính trong The Protégé là Anna (Maggie Q) - một cô gái mang nửa dòng máu Việt từng sống cùng gia đình tại Đà Nẵng. Sau khi cả nhà bị giặc phỉ thảm sát, cô là người duy nhất còn sống sót và được Moody (Samuel L. Jackson) phát hiện. Sau đó, ông bèn nhận nuôi Anna, đào tạo cô trở thành sát thủ chuyên nghiệp.

Một ngày nọ, Moody nhờ Anna tìm lại hậu duệ của Edward Hayes (David Rintoul) - tay trùm tư bản và là mục tiêu ám sát của ông ngày trước. Ngay sau đó, cả gia đình Moody bị sát hại, còn bản thân Anna cũng bị tấn công bởi những kẻ lạ mặt.

Nghi ngờ những kẻ đứng sau có liên quan đến vụ ám sát Edward Hayes năm xưa, cô quyết định trở lại Việt Nam nhằm tìm ra sự thật, cũng như báo thù cho người cha thứ hai của mình.

Tiết tấu gấp gáp, khẩn trương với nhiều bí ẩn

The Protégé quy tụ đội ngũ sản xuất đáng chú ý. Ở vị trí đạo diễn là Martin Campbell - tác giả của nhiều tác phẩm hành động nổi bật như The Mask of Zorro (1998), The Foreigner (2017), cũng như hai phần phim 007 ấn tượng là GoldenEye (1995) và Casino Royale (2006).

Bên cạnh những tên tuổi lão làng như Michael Keaton, Samuel L. Jackson hay Robert Patrick, bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất của Maggie Q - minh tinh gốc Việt từng ghi dấu ấn với khán giả qua nhiều tác phẩm hành động như Gen-Y Cops (2000), Naked Weapon (2002), Mission: Impossible III (2006), Live Free or Die Hard (2006), series Nikita...

null

The Protégé là bộ phim hành động khuôn mẫu của Hollywood, với sự tham gia của Maggie Q trong vai chính.

Câu chuyện tổng thể của The Protégé rất khuôn mẫu khi xoay quanh mô-típ một nữ sát thủ trở thành con mồi trong một âm mưu đen tối, rồi phải đơn thương độc mã tìm cách sống sót và khám phá bí ẩn. Đội ngũ sản xuất cho thấy định hướng rõ ràng mà bộ phim nhắm tới là tính giải trí. Theo đó, The Protégé sở hữu tiết tấu nhanh gọn, khẩn trương xuyên suốt.

Bộ phim mở màn với một vài phân cảnh giới thiệu tuyến nhân vật chính một cách đơn giản, ngắn gọn, nhưng khá hiệu quả. Đó là cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa gã sát thủ đánh thuê Moody và cô bé Anna trong hoàn cảnh đầy bi kịch. Qua nhiều năm, cả hai trở thành bộ đôi ăn ý với màn “chào sân” khán giả là phi vụ ám sát chớp nhoáng và đẫm máu.

Chỉ qua vài trường đoạn ngắn gọn, The Protégé vừa giới thiệu tương đối đầy đủ hoàn cảnh, năng lực và cá tính riêng của mỗi nhân vật, vừa khơi gợi nên câu chuyện quá khứ bí ẩn của chính họ. Đây là tiền đề tốt để bộ phim tiếp tục dẫn dắt khán giả tham gia vào hành trình phía trước của Anna.

null

Khán giả theo chân Anna để từng bước khám phá ra những bí ẩn.

Ngay sau đó, The Protégé đẩy tiết tấu phim lên cao với hàng loạt cao trào diễn ra liên tục, ném nhân vật chính vào hiểm cảnh và hành trình mới một cách nhanh chóng. Tổng thể chuyến phiêu lưu của Anna được xây dựng theo hướng có phần đơn giản hóa, nhằm đẩy nhanh thời lượng và duy trì nhịp điệu ổn định đến phút chót. Ê-kíp chấp nhận đánh đổi sự sơ sài trong diễn biến lẫn cách thức xây dựng liên kết giữa nhân vật và sự kiện để hướng đến tính giải trí.

Đồng thời, để kích thích sự tò mò của người xem, đội ngũ biên kịch cố tình phủ lên bộ phim nhiều lớp màn bí ẩn, buộc cả nhân vật chính lẫn khán giả phải từng bước khám phá, bóc tách từng đầu mối nhằm tìm ra chân tướng sự thật. Tác phẩm cũng không ngại đem đến những cú “quay xe” nhằm đưa người xem đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác.

Bối cảnh Việt Nam “lạ mà quen” trong một tác phẩm Hollywood

Riêng với khán giả Việt Nam, điều thú vị nhất khi theo dõi The Protégé phải kể đến bản thân câu chuyện và bối cảnh phim liên quan trực tiếp đến đất nước hình chữ S.

Điều thú vị là nữ diễn viên Maggie Q và nhân vật Anna của cô có điểm chung là con lai mang nửa dòng máu Việt. Anna từng có tuổi thơ hạnh phúc cùng gia đình tại Đà Nẵng. Sau biến cố bi thảm khiến cả nhà bị sát hại, cô bé mới cùng Moody có cuộc sống mới ở phương Tây. Sau nhiều năm xa cách, cô cuối cùng lại trở về cố hương để tìm cách báo thù, cũng như khám phá âm mưu bí ẩn đang đe dọa mạng sống bản thân.

null

Nhiều hình ảnh quen thuộc tại Đà Nẵng xuất hiện trong phim. Nhưng cách mô tả Việt Nam của tác phẩm còn nhiều điểm phi lý.

Trên 70% thời lượng bộ phim lấy bối cảnh tại Đà Nẵng. Khán giả Việt hẳn sẽ thấy thích thú khi có dịp chứng kiến những điều quen thuộc của thành phố miền Trung như cầu Rồng, hay hình ảnh đường phố ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Các nhân vật và sự kiện quan trọng trong phim cũng được xây dựng gắn với bối cảnh Việt Nam hiện đại, nhằm cố gắng tạo nên chiều sâu cho nhân vật. Chi tiết miêu tả Edward Hayes - mục tiêu ám sát trước kia của Moody từng là nhà tư bản gốc Pháp, bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh - gợi nhắc đến thời gian kháng chiến trường kỳ chống ngoại bang của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Bản thân Moody, một nhân vật phương Tây bí ẩn đứng sau những phi vụ ám sát, thủ tiêu tại Việt Nam giai đoạn sau Giải phóng cũng phần nào thể hiện mối quan hệ rối ren giữa đất nước với phương Tây giai đoạn bấy giờ.

Tuy nhiên, The Protégé vẫn mắc phải những lỗi cố hữu của một tác phẩm Hollywood khi nói về Việt Nam. Dù đoàn làm phim đã cất công đến Đà Nẵng để ghi hình, ngoài một số chi tiết biểu tượng quen thuộc, người xem khó có thể cảm nhận được thành phố nói riêng và chất Việt Nam hiện đại nói chung trong tác phẩm.

Khung cảnh Việt Nam trong The Protégé hiện lên còn nhạt nhòa, thiếu sức sống và điểm nhấn đặc trưng, đồng thời gợi cảm giác hoài cổ thập niên 1990, 2000, hơn là giai đoạn hiện đại lúc này. Nếu không được giới thiệu là Đà Nẵng, người xem hoàn toàn có thể nghĩ rằng đây là một quốc gia Đông Á bất kỳ.

Có những chi tiết kỳ cục và bất hợp lý nếu diễn ra tại Việt Nam, ví như phân cảnh cả đoàn môtô phân khối lớn diễu hành dàn hàng ngang trên đường, hay việc cả đoàn người dùng “đồ nóng” dọa dẫm giữa phố phường đông đúc một cách ngang nhiên. Các nhân vật trong phim không ngại sử dụng súng mọi lúc mọi nơi. Đó là điều phi lý đối với một quốc gia kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt như Việt Nam.

Hành động bạo liệt bù đắp cho kịch bản sơ sài

Phần hành động của The Protégé chiếm thời lượng không quá nhiều, nhưng từng phân cảnh đều được dàn dựng chất lượng. Xuyên suốt bộ phim là những màn giao chiến tay đôi được thể hiện theo hướng thực chất lẫn thực dụng, với cách thức ra đòn nhanh gọn, dứt khoát và khá tàn bạo nhằm triệt hạ đối phương.

Bên cạnh các phân cảnh giao chiến tay đôi là một số đoạn đấu súng giúp đảm bảo sự kịch tính và tạo bầu không khí máu lửa. Về tổng thể, phần hành động của The Protégé rất đáng khen khi cân bằng tốt giữa thời lượng và chất lượng, giúp duy trì tính giải trí mà không tạo cảm giác bị lạm dụng.

null

Thời lượng hành động trong phim thực tế không quá nhiều, nhưng rất chất lượng.

Quy tụ dàn diễn viên giàu kinh nghiệm, phần diễn xuất của The Protégé có chất lượng đồng đều. Các nhân vật trong phim đều không gây nhiều khó khăn hay thử thách đối với năng lực của những ngôi sao, đặc biệt là Maggie Q bởi cô đã quá quen với hình tượng nữ cường.

Bên cạnh điểm mạnh về xây dựng tiết tấu và hành động, The Protégé vẫn còn mắc phải thiếu sót về mặt câu chuyện và kịch bản, khiến bộ phim càng về cuối càng lộ ra những điểm trừ nặng nề và đáng tiếc.

Tác phẩm cố gắng duy trì bầu không khí bí ẩn xuyên suốt và che giấu chân tướng thật sự đến phút chót bằng cách hạn chế cung cấp dữ kiện, đầu mối cho khán giả và nhân vật chính. Ban đầu, điều này có thể tạo ra sự tò mò gây hứng thú. Nhưng “cố quá thành quá cố”, sự sơ sài và nghèo nàn về mặt chi tiết khiến The Protégé hụt hơi trong việc xây dựng câu chuyện tổng thể và các nhân vật một cách thuyết phục về sau.

null

Tập trung đơn thuần cho yếu tố giải trí khiến bộ phim để lộ nhiều điểm sơ hở, đặc biệt khi về cuối.

Bản thân mục đích của từng nhân vật, cũng như sự liên kết giữa họ với các sự kiện diễn ra, được thể hiện còn rời rạc, mơ hồ. Kịch bản phim cho Moody ý muốn tìm lại hậu duệ của một mục tiêu trong quá khứ, nhưng chẳng đưa ra lý do nào thuyết phục cho quyết định ấy.

Rồi cả ông lẫn Anna bị tấn công bất ngờ và chóng vánh bởi kẻ thủ ác bí ẩn, mà đến tận cuối phim khán giả cũng khó có thể lý giải tại sao sự kiện thực sự diễn ra. Và đến khi bộ phim hạ màn, mục đích của tuyến phản diện vẫn còn rất mông lung.

Thêm vào đó, kịch bản The Protégé còn ưu ái nhân vật chính đến mức thái quá khi nhiều lần làm giảm trí tuệ của phe đối địch một cách phi lý nhằm tạo điều kiện cho Anna thoát khỏi hiểm cảnh, cũng như giúp cô đơn thương độc mã thâm nhập vào căn cứ đối phương mà không cần sự hỗ trợ.

Dù còn tồn tại những điểm trừ do nội dung rời rạc và kịch bản nghèo nàn một cách “cố ý”, The Protégé vẫn là một tác phẩm đáng để thưởng thức với mục đích giải trí đơn thuần nhờ tiết tấu nhanh gọn và phần hành động chỉn chu.

Tin liên quan:

>> Maggie Q - đả nữ gốc Việt làm nên sự nghiệp từ bàn tay trắng
>> ‘Clickbait’ - cái chết sau 5 triệu lượt xem

Tag liên quan:
Maggie QThe Protégé
Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...