'Đêm thứ 8' - phim kinh dị Hàn Quốc lãng phí ý tưởng tiềm năng - TrueID

'Đêm thứ 8' - phim kinh dị Hàn Quốc lãng phí ý tưởng tiềm năng

Khắc Nguyễn (TrueID)July 18, 2021

Ôm đồm quá nhiều triết lý và nội dung khiến tác phẩm của đạo diễn trẻ Kim Tae Hyoung không đủ sức tạo nên một câu chuyện lôi cuốn và rùng rợn.

The 8th Night (Đêm thứ 8) kể câu chuyện từ 2.500 năm trước khi một con quỷ mở cổng kết nối giữa nhân gian và địa ngục. Lúc này, Phật xuất hiện và móc hai con mắt đen và đỏ của ác quỷ. Chúng lần lượt hóa thành Hắc Quỷ và Hồng Quỷ, rồi bị phong ấn vào hai chiếc tráp. Đến thời hiện đại, Hồng Quỷ được giáo sư khảo cổ Kim Joon Cheol (Choi Jin Ho) giải thoát.

Nó lần lượt nhập vào bảy cơ thể con người khác nhau qua bảy ngày bảy đêm để tìm ra Hắc Quỷ. Vào đêm thứ tám, chúng sẽ hòa làm một và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại.

Lúc này, nhà sư Ha Jung (Lee Eol) - người canh giữ chiếc tráp phong ấn Hắc Quỷ - cảm nhận được bóng đêm đang cận kề. Ông ra lệnh cho nhà sư Chung Seok (Nam Da Reum) đi tìm thầy trừ tà Park Jin Soo (Lee Sung Min) để chặn đứng ác quỷ trước khi nó chiếm được cơ thể cuối cùng là cô gái ngoại cảm Ae Ran (Kim Yoo Jung).

Nội dung lãng phí ý tưởng tiềm năng

Giống với nhiều nước châu Á khác, Hàn Quốc có sự giao thoa giữa nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo và các truyền thuyết bản địa. Những yếu tố này được các nhà làm phim khai thác qua nhiều tác phẩm ấn tượng như The Wailing (2016), Svaha: The Sixth Finger (2019) hay Metamorphosis (2019). Với The 8th Night, đạo diễn trẻ Kim Tae Hyoung lồng ghép yếu tố Phật giáo vào câu chuyện cổ về quỷ dữ, đồng thời chọn nhân vật chính là một nhà sư đã hoàn tục.

Trong phim, Hồng Quỷ đã bỏ trốn suốt bảy ngày đêm, nhảy qua bảy tảng đá, nhưng vẫn không thoát khỏi tay Phật. Đến thời hiện đại, nó cũng buộc phải nhảy qua bảy cơ thể người trước khi gặp lại Hắc Quỷ trong đêm thứ tám. Do đó, khán giả có quyền mong đợi một cuộc đấu trí giữa hai phe thiện - ác hay ít nhất là một màn trừ tà mãn nhãn.

null

Thật khó hiểu khi các sư thầy chọn cách sát sinh thay vì phong ấn quỷ.

Song, bộ phim thực chất chỉ là cái vỏ rỗng khi không có bất cứ một câu kinh kệ hay triết lý nào xuất hiện. Thậm chí, hai vị sư thầy lại chọn cách giết Ae Ran - mảnh ghép cuối cùng - trước khi hai con quỷ gặp lại nhau - một cách đầy khó hiểu. Chi tiết duy nhất liên quan tới Phật giáo có lẽ là hình ảnh Chung Seok nhất quyết không ăn thịt hay một vài bùa chú xuất hiện rời rạc.

Cách triển khai ý tưởng của bộ phim chưa hiệu quả. Trong vài ngày đầu tiên, Hồng Quỷ liên tục nhảy từ cơ thể sang cơ thể khác mà không gặp chút trở ngại nào. Trong khi đó, Park Jin Soo thì mải lo đấu tranh nội tâm dù tận thế đang đến gần. Sau đó, thầy trừ tà này lại truy tìm ác quỷ theo cách thủ công là đánh dấu trên bản đồ hay... dùng Google. Bản thân Hồng Quỷ lại chẳng thể hiện được gì nhiều so với truyền thuyết đáng sợ.

Bên cạnh đó, The 8th Night cũng không đưa ra được bức tranh tổng thể về quyền năng của ác quỷ hay phương pháp để phong ấn nó xuyên suốt thời lượng. Do đó, các tình tiết đều diễn ra một cách gượng gạo và mang nặng tính sắp đặt. Cả hai phe chỉ biết dây dưa qua lại cho đến tận cuối tác phẩm. Kết phim được giải quyết một cách nhanh chóng mà chẳng có lời giải thích cụ thể nào.

Yếu tố kinh dị hời hợt

Tuy được quảng bá là phim kinh dị trừ tà, nhưng The 8th Night lại không có bất cứ một cảnh hù dọa nào đặc sắc. Park Jin Soo được giới thiệu là có thể nhìn thấy hồn ma và mang trọng trách giúp các oán linh siêu thoát. Song, những gì anh thấy chỉ là một vài đôi mắt trên tường với kỹ xảo tệ hại. Những màn chuyển xác của Hồng Quỷ - chi tiết then chốt tạo nên sự kinh hoàng của tác phẩm - chỉ được thể hiện qua loa rồi đột ngột chuyển cảnh. Phim cũng không thể tạo nên những trường đoàn kinh dị kéo dài khi ác quỷ săn đuổi con mồi tiếp theo.

null

Cảnh kinh dị nhất của The 8th Night lại là gương mặt của nữ sinh bị quỷ ám.

Thậm chí, với số nạn nhân thuộc đủ ngành nghề, tầng lớp, đạo diễn Kim Tae Hyoung cũng không thể xây dựng bối cảnh rùng rợn như nhà vệ sinh công cộng hay trường học vắng người. Những xác chết khô của nạn nhân sau khi ác quỷ rời đi còn chẳng đáng sợ bằng loạt Xác ướp Ai Cập ra mắt cách đây 20 năm. Cảnh phim duy nhất khiến người xem lạnh tóc gáy chính là nụ cười ma quái cùng gương mặt biến dạng của một nữ sinh.

Thiếu đầu tư cho mảng kinh dị, The 8th Night lại lan man quá nhiều tuyến nhân vật và tình tiết thừa thãi khác. Mối quan hệ bí ẩn giữa Park Jin Soo và Chung Seok cứ úp úp mở mở hết lần này đến lần khác. Tuyến cảnh sát chiếm rất nhiều thời lượng mà không đóng vai trò gì, thậm chí có thể loại khỏi phim mà không gây ảnh hưởng nội dung. Các biên kịch kỳ công xây dựng mối quan hệ cho cả hai rồi bỏ đi một cách lãng xẹt.

Mối quan hệ then chốt giữa Chung Seok và Ae Ran thực tế không cần thiết. Sự xuất hiện của nữ ngoại cảm dường như chỉ để đoạn kết phim có một nút thắt gây bất ngờ. Song, mọi thứ lúc này đã quá muộn màng khi khán giả đã phải chịu đựng gần hai tiếng nhàm chán.

null

Kim Yoo Jung gây thất vọng khi chỉ có một nét mặt xuyên suốt phim.

Với phần nội dung và xây dựng nhân vật không rõ ràng, dàn diễn viên trong phim dường như cũng chẳng biết phải thể hiện ra sao cho đúng. Lần lượt Lee Sung Min hay "em gái quốc dân" Kim Yoo Jung đều chỉ có duy nhất một nét mặt u sầu từ đầu tới cuối. Trong khi đó, Nam Da Reum có thể thể hiện tốt hình ảnh một sư thầy trẻ ngây ngô và bỡ ngỡ khi lần đầu biết đến thế giới hiện đại. Song, anh lại tỏ ra hụt hơi trong những phân đoạn đòi hỏi nội tâm.

Cuối cùng, The 8th Night trôi qua một cách lê thê và nhạt nhòa trong mọi yếu tố. Lẽ ra, Kim Tae Hyoung nên tập trung vào vấn đề cốt lõi là tính kinh dị, thay vì ôm đồm quá nhiều thứ để rồi tạo ra một mớ hỗn độn không điểm nhấn.

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...