Bộ phim kinh dị độc lập của Anh từng gây tiếng vang tại quê hương và nay tiến lên hệ thống Netflix. Saint Maud khai thác một chủ đề tương đối nhạy cảm: sự mù quáng trong tôn giáo.
Saint Maud là tác phẩm kinh dị tâm linh xoay quanh biến tâm lý của Maud (Morfydd Clark). Nữ y tá tế bần kiêm tín đồ Công giáo được thuê để chăm sóc Amanda (Jennifer Ehle) - một cựu diễn viên kiêm biên đạo nổi tiếng đang bị ung thư giai đoạn cuối. Với bản tính sùng đạo, Maud tin rằng cô được gửi đến nhà Amanda với một mục đích cao hơn: cứu rỗi linh hồn bệnh nhân.
Khác với các hướng đi trước trước đây của đạo diễn Rose Glass trong hai phim ngắn The Silken Strand (2013) và Room 55 (2014), Saint Maud khai thác chủ đề khá nhạy cảm về lòng sùng kính và niềm tin mù quáng. Song, tác phẩm liệu có gì khác lạ so với các bộ phim cùng đề tài?
Saint Maud từng mất cơ hội ra rạp tại Mỹ do đại dịch Covid-19 và nay xuất hiện trên nền tảng Netflix.
Khai thác đề tài quen thuộc theo cách độc đáo
Tôn giáo là đề tài quen thuộc trong dòng phim kinh dị tại khắp nơi trên thế giới. Theo lời kể của đạo diễn Rose Glass, cô từng theo đạo và học trường dòng ngay từ khi còn nhỏ. Saint Maud được lấy cảm hứng từ chính Glass, khi nhân vật chính được sinh ra và lớn lên trong một gia đình sùng đạo.
Rose Glass khéo léo cho Maud từ nhỏ đã thế tục (trạng thái trong đó chủ thể tách biệt khỏi tôn giáo, hoặc không liên kết hay chống đối bất cứ giáo phái nào). Chỉ sau khi nghỉ việc tại bệnh viện do thất bại khi cứu một bệnh nhân, nữ y tá mới tìm đến tôn giáo để chữa lành vết thương tinh thần. Nhưng những tổn thương tâm lý khi còn nhỏ, kết hợp với bản chất ít giao thiệp với bạn bè, khiến nhân vật chính dần có những suy nghĩ lệch lạc.
Theo đó, góc quay trong Saint Maud gần như theo sát gót nhân vật chính, nhằm khắc họa các mối quan hệ như gia đình, bạn bè đối với Maud đều “sơ sài”. Cách tiếp cận của Glass mới lạ khi mong muốn được thế giới chấp nhận của nhân vật được mô tả theo hướng tiêu cực.
Đào sâu tâm lý bất ổn của Maud
Toàn bộ Saint Maud đào sâu tâm lý của Maud. Từ đầu phim, rất nhiều chi tiết cho thấy sự cuồng giáo của cô: vòng thánh lộ ra trong cảnh chăm sóc đầu phim, sự ngờ vực khi thấy con số 666... Khi cô làm theo ý chúa Chúa, cô sẽ cảm thấy Ngài. Rồi không ít lần Maud đau đớn đến ngạt thở khi Chúa đến thăm. Từng chi tiết về tâm lý nhân vật được Morfydd Clark thể hiện tinh tế, thuyết phục.
Trong tiếng Đức, Maud mang ý nghĩa “chiến binh quyền lực”. Chi tiết này như để mỉa mai vai trò mà nữ chính tự nhận: người thay mặt Chúa.
Hơn nữa, bối cảnh trong phim là ngôi nhà trên đỉnh đồi, được một số nhà phê bình thế giới nhận xét là giống kiến trúc Gothic thời Edward. Nó khiến người xem cảm thấy lạnh gáy. Những dãy hành lang chật hẹp như thể hiện sự tù túng trong tâm trí của Maud. Hình ảnh cô đi vào vùng tối có lúc nghiêng ngả, lật ngược, cho thấy tâm lý bất ổn của nhân vật.
Cái giá của sự cuồng tín
Phép ẩn dụ mạnh nhất của bộ phim là sự tương tác của Maud với Chúa. Maud luôn nhận thức việc Chúa luôn ở bên cạnh và chỉ hướng cho cô. Mỗi khi Maud đến chăm sóc Amanda, cô luôn truyền năng lượng tích cực cho bệnh nhân và giúp người này nhận ra được hồng ân Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Maud lại có một quá khứ đen tối và bị nó đeo bám đến tận hôm nay. Từ mục đích tốt đẹp ban đầu, sự sùng đạo của cô dần bị “ma quỷ tha hóa”, qua đó dẫn lối cho một thế lực hắc ám khủng khiếp xâm chiếm lấy cơ thể.
Tác phẩm có nhiều trường đoạn gây ám ảnh.
Nếu phân tích theo khía cạnh tâm lý học, Maud cho thấy một số triệu chứng rối loạn thần kinh phổ biến ở xã hội hiện đại. Trước hết, cô là một sociopath (rối loạn nhân cách chống xã hội). Ngoài ra, nhân vật dường như còn mắc Hội chứng Đấng cứu thế (Messiah Complex) khi luôn cho rằng mình được Chúa giao trọng trách cứu rỗi nhân loại. Trên Reddit, nhiều tài khoản nhận xét “Thánh Maud” tựa như phiên bản méo mó của Thánh Jeanne d’Arc - nữ anh hùng “được Chúa lựa chọn” từng bảo vệ nước Pháp vào thế kỷ XV.
Bộ phim Saint Maud lần đầu ra mắt khán giả trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Toronto 2019, được phát hành tại Anh trong năm 2020, và nay tiến lên hệ thống Netflix. Tác phẩm đã gặt hái thành công nhất định với hai đề cử BAFTA, 17 đề cử tại Giải thưởng Phim Độc lập Anh quốc (trong đó thắng giải Quay phim và Đạo diễn đầu tay xuất sắc), và ba giải thưởng của Hiệp hội Phê bình phim London (trong đó có Phim truyện Anh/Ireland và Nữ diễn viên Anh/Ireland xuất sắc)
Tuy nhiên, bộ phim còn tồn tại một số điểm hạn chế như những pha hành xác càng lúc càng tàn bạo, có thể gây ám ảnh cho người xem. Ngoài ra, các thước phim tối màu, gây sợ hãi bằng ánh mắt nhân vật, hình ảnh lúc quay ngang, đảo ngược cũng là những thách thức không nhỏ cho những ai “yếu tim”.