Kevin Bright - nhà sản xuất loạt sitcom Friends - tự bỏ tiền túi thực hiện một bộ phim tài liệu về văn hóa ăn thịt chó vốn gây tranh cãi suốt bây lâu nay tại xứ kim chi.
“Boknal” là từ dùng để chỉ ba ngày nóng nhất trong năm dựa trên âm lịch tại Hàn Quốc. Thông thường, người dân xứ kim chi, đặc biệt là đàn ông lớn tuổi, dùng món “bosintang” - canh thịt chó - vào những ngày này (có tên lần lượt là “sambok”, “jungbok” và “malbok”) để hạ hỏa. Một món ăn khác được ưa chuộng vào dịp này là “samgyetang” - canh gà nấu kèm nhân sâm.
Khi Kevin Bright - nhà sản xuất của loạt sitcom đình đám Friends (1994-2004) - nghe được câu chuyện này, ông ban đầu không thể tin rằng thịt chó lại là một nét văn hóa tại Hàn Quốc.
Kevin Bright (bìa trái) là nhà sản xuất của loạt sitcom Friends.
“5 năm trước, khi nghe về thịt chó tại Hàn Quốc, tôi nghĩ rằng chuyện này thật sai trái”, Bright trả lời JoongAng Daily. “Hàn Quốc là một trong những nước có nền giáo dục và kinh tế phát triển bậc nhất thế giới. Tôi cứ nghĩ thịt chó chỉ là những câu chuyện từ thời xa xưa tại quốc gia này”.
Sau đó, Kevin Bright đã tới Hàn Quốc để tìm hiểu về món ăn. Đi cùng ông là bà xã Claudia và người bạn Tami Cho Zussman - một người Mỹ gốc Hàn đã sáng lập ra tổ chức DoVE chuyên giải cứu chó tại những lò mổ ở xứ kim chi, rồi đưa chúng tới Hoa Kỳ cho các gia đình nhận nuôi.
Chuyến đi này đã thôi thúc Kevin Bright quyết định làm một bộ phim về thịt chó tại Hàn Quốc. Dự án có tên Nureongi, và đây cũng là tên của một loài chó phổ biến ở xứ kim chi. Sau khi đưa thành phẩm dài hơn một tiếng lên YouTube, Bright muốn quay lại Hàn Quốc để tổ chức các buổi hội thảo xoay quanh tác phẩm tài liệu. Tuy nhiên, kế hoạch hiện bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.
Nhà làm phim muốn cả hai phe ủng hộ và phản đối thịt chó tại Hàn Quốc cùng lên tiếng trong bộ phim.
Nureongi bắt đầu bằng chuyến đi tới Hàn Quốc của Zussman nhằm giải cứu loài chó, cùng những cuộc phỏng vấn người dân trên đường phố về thịt chó. Có người ủng hộ, có người phản đối món ăn gây nhiều tranh cãi này. Kế đó, Nureongi đưa người xem tới những cơ sở nuôi chó lấy thịt và đặt ra câu hỏi rằng liệu các sinh vật bốn chân tại đây có gì khác với chó được nuôi làm thú cưng.
Trên YouTube, Nureongi nhận được nhiều sự ủng hộ. Không ít khán giả kêu gọi chính phủ Hàn Quốc đề ra án phạt cho nạn bạo hành động vật, chỉ trích cách thức giết chó lấy thịt, đồng thời hy vọng một ngày nào đó văn hóa ăn thịt chó nhân dịp Boknal sẽ chấm dứt. “Tôi ban đầu sợ và không dám theo dõi bộ phim. Nhưng chúng ta cần phải đối mặt với thực tế. Hãy thực sự hành động, thay vì chỉ thấy xót thương các chú chó”, một bình luận viết.
Kevin Bright phát biểu: “Đối tượng mục tiêu của bộ phim này luôn là người Hàn Quốc. Tôi muốn người trẻ theo dõi bộ phim, và cả người lớn tuổi nữa. Về tựa đề, tôi muốn nó phải quen thuộc với người Hàn. Khi nhắc tới Nureongi, người ta sẽ nghĩ ngay tới những chú chó”.
Theo Kevin Bright, hơn 2/3 dân số Hàn Quốc hiện không ăn thịt chó.
Sau quá trình thực hiện bộ phim, Bright nghĩ rằng ăn thịt chó là thứ văn hóa đang chết dần tại xứ kim chi. “Tôi phỏng vấn rất nhiều người và không thể đưa tất cả vào trong phim. Nhiều người không biết, hoặc phản đối ngành công nghiệp thịt chó. Đa số người ủng hộ ăn thịt chó là đàn ông, và nhiều nhất là những người trên 55 tuổi. Đó là điều không ngạc nhiên”.
Nureongi đồng thời mang đến quan điểm từ Hiệp hội Thịt chó Hàn Quốc. Hội này cho rằng cách xử lý chó hiệu quả, nhanh chóng và ít đau đớn nhất là chích điện. Dẫu vậy, đó là những hình ảnh không dễ để theo dõi với những ai nuôi chó làm thú cưng. Kevin Bright muốn mọi người hiểu rõ cách làm ra món bosintang.
“Đó là lý do tôi theo đuổi bộ phim. Trên thực tế, hơn 2/3 người Hàn hiện không ăn thịt chó, và họ biết rất ít về quá trình nuôi và làm thịt những sinh vật này”, Bright giải thích.
Những thông tin từ Kevin Bright khá tích cực. Nhưng bất chấp thịt chó có thể là nét văn hóa đang lụi tàn ở Hàn Quốc, vẫn có hơn 10.000 trại nuôi chó lấy thịt và hơn 1,5 triệu con chó bị giết mỗi năm tại quốc gia này.
Do gặp khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư, Bright quyết định tự bỏ tiền túi để thực hiện bộ phim. Ông hoàn toàn hiểu thịt chó luôn là chủ đề gây tranh cãi, bởi cũng có không ít người kiếm sống nhờ món ăn này. Ngoài ra, theo Bright thì không có luật nào cấm ăn thịt chó, nhưng đồng thời cũng không có luật nào cho phép.
Các chú chó nuôi lây thịt tại một trang trại ở Gyeonggi được giải cứu.
Một cảnh đáng nhớ trong phim là khi tổ chức CARE về quyền động vật thương lượng với một chủ trại nuôi chó lấy thịt ở Namyangju, Gyeonggi. Họ muốn người nông dân này bán lại toàn bộ trang trại và không bao giờ tham gia giết chó nữa. “Tôi chưa bao giờ muốn làm đau lũ chó. Tôi thấy tệ và rất tiếc”, chủ trại chó giãi bày.
Dẫu vậy, thương lượng với những cá nhân kiểu này chỉ là phần nổi của tảng băng. Tác giả bộ phim và nhiều người phản đối thịt chó cho rằng vấn đề chỉ có thể được giải quyết nhờ chính phủ thông qua những chính sách khuyến khích và giúp đỡ các chủ trang trại nuôi chó lấy thịt đổi nghề.
Kevin Bright đồng thời chia sẻ phản ứng của Hiệp hội Thịt chó Hàn Quốc sau khi theo dõi bộ phim. “Tôi sẵn sàng lắng nghe họ, nhưng họ thì không. Hiệp hội cho rằng bộ phim của tôi là một sự dối trá và không được phép trình chiếu tại Hàn Quốc. Họ mong đợi tôi làm ra một bộ phim ủng hộ thịt chó, nhưng tôi chỉ muốn cho tất cả thấy hai mặt của vấn đề. Sau buổi chiếu phim, tôi đã bị hiệp hội ấy cạch mặt”.
Theo nhà làm phim, chỉ những cuộc trò chuyện cởi mở mới có thể giúp gỡ bỏ vấn đề thịt chó tại Hàn Quốc và giúp các người bạn bốn chân đang sống ở các trang trại nuôi lấy thịt có tương lai tươi sáng hơn. “Nhưng một câu hỏi lớn khác là liệu các chú chó sẽ về đâu sau khi ngành công nghiệp thịt chó bị đóng cửa tại Hàn Quốc”, Bright đặt câu hỏi.