Đỗ Thị Hải Yến nhớ kỷ niệm học làm người H'Mông - TrueID

Đỗ Thị Hải Yến nhớ kỷ niệm học làm người H'Mông

Mai Lan (Theo Ngoisao.vnexpress.net)June 2, 2022

Gần 20 năm trước, để nhập vai trong phim Chuyện của Pao, Đỗ Thị Hải Yến trải nghiệm đời sống bà con dân tộc, từng bị nhầm là dân bản vì nói được tiếng H'Mông.

Sau 17 năm chiếu rạp và giành nhiều giải thưởng trong nước lẫn quốc tế, Chuyện của Pao tái ngộ khán giả, trong khuôn khổ Tuần lễ phim Việt Nam do diễn viên Đỗ Thị Hải Yến cùng nhà báo Lê Hồng Lâm tổ chức. Một lát cắt của đời sống núi rừng Tây Bắc được tái hiện trong khuôn viên ngập cây xanh, hoa cỏ giữa Sài Gòn đô thị. Một Đỗ Thị Hải Yến tuổi 40 của đời thường gặp lại chính mình thuở chớm ngoài đôi mươi trên màn ảnh.

NSND Như Quỳnh và diễn viên Đỗ Thị Hải Yến giao lưu cùng khán giả tại buổi chiếu phim Chuyện của Pao. Ảnh: Lavelle

NSND Như Quỳnh và diễn viên Đỗ Thị Hải Yến giao lưu cùng khán giả tại buổi chiếu phim "Chuyện của Pao". Ảnh: Lavelle

Chuyện của Pao dựa trên sự kiện có thật và phỏng theo truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy, xoay quanh nhân vật Pao do Đỗ Thị Hải Yến đảm nhận. Mở đầu bằng hình ảnh mẹ già tự tử, câu chuyện ngược dòng thời gian theo từng lớp ký ức của Pao, để lật mở những mâu thuẫn nội tại gia đình; những giăng mắc nội tâm của Pao, người cha, mẹ già, mẹ đẻ.

Xem lại một tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp của mình, sau nhiều trải nghiệm của đời sống thật, Đỗ Thị Hải Yến thêm thấm thía độ sâu sắc của mỗi lời thoại, cảm nhận vẻ đẹp trường tồn gần hai thập kỷ của phim.

Cũng có mặt ở buổi chiếu phim và giao lưu, NSND Như Quỳnh - người vào vai mẹ già - nhận xét Hải Yến đã biểu lộ thần thái già trước tuổi của Pao khi chứng kiến những đợt sóng ngầm trong gia đình, nhưng không làm mất đi vẻ hồn nhiên của một thiếu nữ 17. "Yến thể hiện rung động tình yêu thật nhẹ nhàng và tự nhiên, đúng như con người của Yến", nghệ sĩ Như Quỳnh phát biểu.

Chuyện của Pao là một dấu son trong sự nghiệp của Đỗ Thị Hải Yến.

"Chuyện của Pao" là một dấu son trong sự nghiệp của Đỗ Thị Hải Yến.

Đã nhiều lần xem phim nhưng Hải Yến vẫn bồi hồi nhớ về những kỷ niệm trong hành trình sống cuộc đời cô Pao. Cô bắt đầu dự án này năm 21 tuổi, cùng đoàn phim lên rừng xuống xuôi, đi đi về về giữa Hà Nội - Hà Giang để chọn cảnh và làm quen đời sống dân bản địa.

Cô biết ơn nhà văn Đỗ Bích Thúy hỗ trợ đoàn phim, giới thiệu cô với nhân vật nguyên mẫu của Pao, nhờ vậy cô tìm được cảm hứng nhập vai. Tại nơi non nước mây trời, Hải Yến quan sát cách các cô gái dân tộc đi, đứng, chạy, biểu lộ cảm xúc. Nhiều thứ là thói quen thường ngày của họ, nhưng là thử thách lớn với nữ diễn viên, chẳng hạn như địu bao cỏ. "Cỏ tươi nặng lắm. Lần đầu địu lên vai, tôi ngã ngửa, hai chân hai tay chổng lên trời, không biết làm sao đứng dậy", câu chuyện cũ của Hải Yến làm khán giả bật cười.

Cô chia sẻ thêm: "Nhiều người nghĩ làm diễn viên là được mặc đẹp, được thoải mái. Thực ra không phải. Diễn viên phải làm những gì khổ nhất. Tôi phải làm sao để mọi người xem phim thấy đó là cô Pao, không phải Đỗ Thị Hải Yến ngoài đời, cũng không phải cô Phượng trong tà áo dài trắng của phim Người Mỹ trầm lặng đang được yêu thích lúc ấy. Khi làm phim Chuyện của Pao, tôi nói được tiếng H’Mông. Nhiều người tưởng tôi là đồng bào của họ thật. Mấy anh còn bảo tặng tôi con bò để tôi theo các anh về làm vợ".

Đỗ Thị Hải Yến được nhận xét khá giống chị Giàng Thị Thương - nguyên mẫu nhân vật Pao ngoài đời.

Đỗ Thị Hải Yến được nhận xét khá giống chị Giàng Thị Thương - nguyên mẫu nhân vật Pao ngoài đời.

Hải Yến cho hay cô học ngôn ngữ hình thể, trang bị vẻ ngoài của nhân vật khá nhanh, bởi cô xuất thân là dân ballet. Trong khi, tâm lý nhân vật cần nhiều sự đầu tư hơn thế. "Pao có nhiều thứ tâm lý cần giải quyết. Đứng giữa người mẹ sinh ra mình và người mẹ nuôi mình lớn, Pao hiểu ra mỗi người phải tự lựa chọn con đường mình đi. Tôi luôn tự hỏi nếu là Pao, mình sẽ thế nào. Hồi trẻ, tôi chưa nghĩ được sâu sắc nhưng sau này xem lại phim, tôi nghĩ chuyện này rất đúng với phụ nữ. Chúng ta nên làm chủ mỗi lựa chọn của mình", diễn viên tâm sự.

Nhắc tới cách nhập vai Pao, Hải Yến biết ơn một trong những người thầy của mình - đạo diễn Phillip Noyce đến từ Hollywood. Khi chọn Yến cho vai nữ chính của phim Người Mỹ trầm lặng năm cô 16 tuổi, ông đã tài trợ Yến sang Australia học diễn xuất và tâm lý diễn viên. Cô gọi đó là mối duyên trời cho để cô bước chân vào điện ảnh, có kỹ năng lẫn cảm xúc nhập cuộc từng vai diễn.

Theo lời kể của Hải Yến, đoàn phim Chuyện của Pao nhận được nhiều sự hỗ trợ của bà con địa phương. Họ góp mặt trong phim với vai trò quần chúng. Chủ bối cảnh cho thành viên đoàn ở lại tại nhà. Sau nhiều năm, nữ diễn viên vẫn nhớ cung đường núi mỗi ngày di chuyển từ nơi lưu trú của diễn viên đến điểm quay.

Sau thời gian dài gắn bó với tác phẩm và bà con địa phương, cô cảm nhận mình suy nghĩ trưởng thành hơn. Cô nói: "Bà con vùng cao khó khăn vật chất nhưng không có nghĩa họ cảm thấy buồn tủi, vất vả. Cuộc sống của họ đơn giản lắm, chỉ cần ăn ngô qua bữa, ngày ngày hát trên nương rẫy, vậy cũng đủ vui. Cuộc sống hiện đại làm người ta có nhiều nhu cầu hơn nhưng quan trọng nhất trong mỗi cuộc đời vẫn là làm sao sống yên vui".

Đỗ Thị Hải Yến sinh năm 1982 tại quê hương quan họ Bắc Ninh. Cô được đánh giá là một diễn viên thực lực của điện ảnh Việt. Từ năm 2000 tới 2015, cô chỉ tham gia 7 phim nhưng để lại dấu ấn đẹp mỗi lần xuất hiện ở các phim mang tính nghệ thuật cao như Người Mỹ trầm lặng, Chuyện của Pao, Chơi vơi, Cha và con và...

Cô được đề cử "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" tại giải Golden Satellite của Viện Báo chí quốc tế (IPA) năm 2002 cho vai diễn trong Người Mỹ trầm lặng, thắng giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại Cánh Diều Vàng 2006 và Bông Sen Vàng 2007 đều với phim Chuyện của Pao. Tác phẩm Cha và con và... cô đóng nữ chính là phim Việt Nam đầu tiên tranh giải Gấu Vàng ở Liên hoan phim Berlin.

Đỗ Thị Hải Yến hiện sống tại TP HCM cùng chồng doanh nhân và ba con.

Ông xã giúp nữ diễn viên tổ chức Tuần phim Việt Nam. Ảnh: Lavelle

Ông xã giúp nữ diễn viên tổ chức Tuần phim Việt Nam. Ảnh: Lavelle

null

Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...