Khi mỗi mùa giải thưởng điện ảnh đến gần, "Method Acting" lại trở thành chủ đề gây bàn tán trong khán giả. Nhiều năm qua, phương pháp diễn xuất này vẫn gây tranh cãi trong dư luận về những khả năng và hậu quả của nó.
"Method Acting" được gọi là kỹ thuật diễn xuất đỉnh cao hay diễn xuất nhập tâm, trong đó diễn viên hóa thân hoàn toàn vào vai diễn. Họ sẽ cố suy nghĩ theo nhận thức và tư duy của nhân vật mình đóng, để có thể trở thành một con người hoàn toàn khác trên màn ảnh.
Những màn "nhập thần" kinh điển của Hollywood
Một ví dụ nổi tiếng của phong cách này là Heath Ledger trong The Dark Knight. Trước khi hóa thân Joker, tài tử giam mình nhiều tuần trong khách sạn, đọc các đầu truyện về ác nhân để học cách suy nghĩ như hắn. Anh cũng giữ một cuốn nhật ký để vẽ lại và ghi chép những ý tưởng điên rồ mà Joker có thể nghĩ ra. Kết quả là sự nhập vai xuất thần trong bộ phim 2008, đến nay vẫn được xem là một đỉnh cao diễn xuất.

Chàng Joker mới của Joaquin Phoenix cũng nổi tiếng với khả năng hóa thân và tách biệt hẳn cuộc đời thật của anh khỏi vai diễn. Để hóa lính cứu hỏa trong Ladder 49 (2004), anh thậm chí đã gia nhập học viện cứu hỏa, lấy bằng tốt nghiệp và đi cùng lực lượng này. Với Joker (2019), ngoài chuẩn bị tâm lý, Phoenix còn phải giảm 23,5 kg, đủ nhiều để anh có thể thực hiện các động tác uốn éo trong phim.
Daniel Day-Lewis hiện giữ kỷ lục đoạt nhiều Oscar nam chính nhất lịch sử (3 lần). Tài tử Anh cũng là một tín đồ của "Method Acting" từ thời khởi nghiệp. Để hóa thân một người Czech trong The Unbearable Lightness of Being (1988), Daniel nhất định học ngôn ngữ của quốc gia này, dù kịch bản viết bằng tiếng Anh. Đến My Left Foot (1989), nam diễn viên hóa thân một người chỉ có thể sử dụng chân trái. Suốt nhiều tuần ghi hình, anh chỉ di chuyển bằng xe lăn, bất chấp bản thân lành lặn.
Để chuẩn bị cho The Last of the Mohicans (1992), Daniel Day-Lewis sống giữa rừng, học cách lột da và nấu thú vật giống hoàn cảnh của nhân vật. Trong The Crucible (1996), anh sống hai tháng ở ngôi làng do đoàn phim dựng lên ở Massachusetts, trong hoàn cảnh không có điện nước. Daniel được cho là không tắm suốt khoảng thời gian này.
Adrien Brody - tài tử trẻ nhất từng giành Oscar nam chính - đã hy sinh đáng kể cho phim The Pianist. Anh phải ăn kiêng để giảm hơn 10 kg, học chơi đàn và tìm hiểu nhạc Chopin. Để cảm nhận nỗi cô độc cùng cực của nhân vật, Brody quyết định đi xa hơn nữa. Anh bán ôtô, dọn ra khỏi nhà và thật sự tìm được cảm xúc của kẻ trắng tay.

Tài tử Christian Bale nhiều lần giảm và tăng đến hàng chục kg khi hóa thân thành các nhân vật. Trong ảnh cùng là anh trong các phim 'The Machinist' (2004) và 'American Hustle' (2013).
Nói đến việc "hành xác", Christian Bale được ví như một "tượng đài". Tài tử sinh năm 1974 nổi tiếng với nhiều lần ép hoặc tăng cân để phù hợp vai diễn. Đóng The Machinist (2004), anh giảm gần 30 kg, trước khi tăng lại cho vai chính trong Batman Begins chỉ một năm sau. Ở The Fighter (2010), Christian Bale lại giảm cân đến gầy nhom trong vai tay đấm mang tới cho anh tượng vàng Oscar nam phụ. Sau đó, anh lại tăng đáng kể cho American Hustle (2013) và Vice (2018).
Vai diễn trong The Revenant (2015) giúp Leonardo DiCaprio nhận tượng Oscar sau nhiều năm chờ đợi. Giới chuyên môn đều ngả mũ trước những hy sinh của tài tử cho vai diễn này, từ việc phải bơi trong dòng sông đóng băng, ngủ trong xác động vật chết. Đỉnh điểm là Leonardo đã thật sự ăn gan bò rừng sống trong một cảnh quay, dù bản thân ăn chay.

Leonardo DiCaprio nhận tượng vàng Oscar với vai diễn trong phim 'The Revenant'.
"Method Acting" ở điện ảnh Việt Nam
Ở Việt Nam, chưa thật sự có diễn viên nào theo phương pháp "Method Acting". Cụm từ này được nhắc đến nhiều trong vụ scandal của Kiều Minh Tuấn và An Nguy, nhưng ở khía cạnh truyền thông nhiều hơn chuyên môn. Song, trong vài dự án, một số diễn viên cho thấy nỗ lực để bộc lộ một con người khác hình tượng đời thường của mình.
Trong số này, có thể kể đến Thái Hòa trong Lấy chồng người ta (2012). Trước khi đóng phim này, anh đang rất nổi với hình tượng đồng bóng hoặc khù khờ để gây cười trong Để Mai tính (2010) và Long Ruồi (2011). Nhưng vai diễn của Thái Hòa trong Lấy chồng người ta mang sắc thái hoàn toàn khác: một gã bán vé số cộc cằn tâm lý không ổn định, có những cơn điên như mãnh thú. Để chuẩn bị vai diễn ấn tượng này, Thái Hòa phải tích cực phơi nắng để làm da đen hơn, đúng với ngoại hình thô kệch nhân vật. Quá trình chuẩn bị tâm lý của anh cũng rất đáng nể, thể hiện qua những khoảnh khắc khiến khán giả sợ hãi.

Hình ảnh đối lập của Thái Hòa trong phim 'Lấy chồng người ta' (trái) và 'Để Mai tính'. Ảnh: EarlyRisers
Isaac trong Song lang (2018) cũng là trường hợp nỗ lực đáng kể cho vai diễn. Từ bỏ hình ảnh hiện đại, năng động, nam diễn viên hóa thân một nghệ sĩ cải lương thời bao cấp. Anh dành gần hai tháng học cải lương, từ cách hát đến động tác biểu diễn. Khi phim ra mắt, màn hóa thân của anh nhận nhiều lời khen vì chân thật.
Huỳnh Thanh Trực là diễn viên mới nhất ghi dấu ấn bằng sự lăn xả. Trong Rừng thế mạng, anh đóng một chàng phượt thủ lạc giữa rừng Tà Năng Phan Dũng. Để chuẩn bị, diễn viên sinh năm 1995 phải giảm 8 kg, đồng thời tiếp tục ăn uống kham khổ trong quá trình quay. Điều này giúp anh có ngoại hình gầy ốm, phù hợp hoàn cảnh nhân vật Kiên. Ngoài ra, Trực còn tự đóng hai cảnh khó của phim là ăn ếch sống và leo xuống thác. Anh cho biết phải quay ba lần và nhai ba con ếch. Mỗi đúp mang lại một trải nghiệm khác nhau, nhưng đều gây buồn nôn.

Diễn viên trẻ Huỳnh Thanh Trực ăn ếch sống trong phim 'Rừng thế mạng'. Ảnh: ProductionQ
Ngoài yếu tố thể chất, Kiên còn là nhân vật có vấn đề tâm lý. Những ẩn ức gia đình và cảm xúc phức tạp khiến anh ta cộc cằn với bạn bè. Khi quay phim, Huỳnh Thanh Trực hạn chế tối đa giao tiếp với người khác để giữ tâm lý cô độc của Kiên. Giữa các đúp quay, anh hầu như không cười đùa và tách biệt mình với các thành viên êkíp.
Ảnh hưởng tiêu cực từ các màn hóa thân "nhập thần"
Tác động từ các màn nhập tâm quá mức của diễn viên từ lâu đã được ghi nhận. Chúng có thể gây ra sự mệt mỏi, sợ hãi, lo lắng, mất ngủ hay các rối loạn tâm lý khác cho diễn viên. Ở những quá trình hóa thân sâu, sự phân tách giữa các cảm xúc đời thường của diễn viên và cảm xúc của nhân vật có thể để lại hậu quả lớn.
Heath Ledger phải trải qua chứng mất ngủ và mệt mỏi thường xuyên sau vai diễn. Tài tử dần phải dựa vào các loại thuốc giảm đau và an thần, cuối cùng qua đời khi mới 28 tuổi.
Sau Phantom Thread (2017), Daniel Day-Lewis bất ngờ thông báo giải nghệ khi mới 60 tuổi, độ tuổi mà nhiều diễn viên khác còn hoạt động. Trên Variety, anh giải thích rằng mình cảm thấy một nỗi buồn vô hạn khi đóng phim này.
Việc tăng giảm cân nhiều lần khiến Christian Bale đối mặt các vấn đề sức khỏe, bao gồm thoát vị đĩa đệm năm 2014. Trên The Sunday Times Culture năm 2019, Bale thẳng thắn nói sẽ từ bỏ phương pháp này: "Tôi không thể làm điều đó nữa. Nguy cơ mất mạng đang ở trước mặt tôi".

Anne Hathaway nhận tượng vàng Oscar với vai Fantine trong phim 'Những người khốn khổ'. Ảnh: Universal
Sau Les Misérables (2012), Anne Hathaway cho biết rơi vào trạng thái thiếu thốn cả về thể chất và tình cảm. Người đẹp phải giảm 11 kg và cạo trọc đầu để vào vai Fantine, một phụ nữ ốm yếu sắp chết.
Trong quá trình tập hát cải lương cho Song lang, Isaac cho biết có lúc thấy bất lực và trầm cảm. Ở Rừng thế mạng, vì quá nhập tâm với nhân vật, Huỳnh Thanh Trực gặp vấn đề tâm lý ngay cả sau khi phim đóng máy. Diễn viên trẻ khá tách biệt với mọi người vì quen cách cư xử lạc loài của Kiên suốt mấy tháng liền.
Nhiều người cho rằng việc quá nhập tâm vào nhân vật ảnh hưởng nhiều đến trạng thái tinh thần của diễn viên và không cần thiết. Một số diễn viên có thể bị tác động nặng hơn người khác, nếu họ vốn là những người không ổn định về mặt cảm xúc.
Ngoài ra, phương pháp hóa thân cũng chưa chắc đảm bảo một vai diễn hay, như trường hợp Jared Leto trong Suicide Squad (2016). Tài tử cố thể hiện chân dung Joker cả ở ngoài đời bằng những hành động quái gở như tặng các món quà kỳ cục cho bạn diễn. Nhưng rốt cục, màn trình diễn của anh vẫn không được đánh giá cao. Dù tài năng và nỗ lực của Leto là không thể phủ nhận, một kịch bản yếu là quá khó để anh có thể vượt qua.