10 gương mặt gốc Á từng làm nên lịch sử tại giải thưởng Oscar - TrueID

10 gương mặt gốc Á từng làm nên lịch sử tại giải thưởng Oscar

April 9, 2021

Những nhà làm phim, ngôi sao điện ảnh gốc Á hiếm khi có cơ hội tranh tài tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh. Năm nay, Minari Nomadland giúp nhiều cá nhân làm nên lịch sử.

Tiếp nối thành công từ bộ phim Parasite - Ký sinh trùng (2019) của đạo diễn Bong Joon-ho, năm nay, Minari - tác phẩm do Mỹ - Hàn hợp tác sản xuất của đạo diễn Lee Isaac Chung - tiếp tục đại náo Oscar.

Phim nhận 6 đề cử, trong đó có hạng mục Phim truyện xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc cho Steven Yeun, và Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Youn Yuh-jung. Theo đó, Yeun trở thành diễn viên người Mỹ gốc Á và là người Đông Á đầu tiên có đề cử ở hạng mục đầy cạnh tranh này. Trong khi đó, Youn là diễn viên Hàn đầu tiên ghi tên mình vào lịch sử.

Kể từ sau phong trào phản đối năm 2016 khi không có đề cử nào ở cả bốn hạng mục diễn xuất có diễn viên da màu, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đang nỗ lực để tỏ ra đa dạng hóa hơn. Tuy nhiên, đề cử dành cho những nghệ sĩ người châu Á vẫn là con số rất nhỏ nhoi.

Năm nay, 9 trong 20 đề cử ở bốn hạng mục diễn xuất thuộc về nghệ sĩ da màu. Ngoài ra, có tới 70 nghệ sĩ nữ - gồm nhà đạo diễn, diễn viên, đội ngũ sản xuất - có tên trong danh sách đề cử Oscar. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử hơn 90 năm giải thưởng.

Thử cùng điểm qua những đạo diễn, diễn viên người Mỹ gốc Á hoặc châu Á từng ghi tên mình vào lịch sử giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.

Umeki Miyoshi

Miyoshi là diễn viên châu Á đầu tiên phá vỡ “bamboo ceiling” (tạm dịch: trần tre) - một thuật ngữ do nhà chiến lược lãnh đạo Jane Hyun dùng để mô tả những rào cản mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt để vươn tới vị trí quản lý cấp cao trong các tập đoàn lớn trên thế giới.

Umeki Miyoshi giành giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhờ vai diễn trong tác phẩm Sayonara (1957) của Mỹ. Lấy bối cảnh Kobe (Nhật Bản), bộ phim xoay quanh cuộc tình của các phi công thuộc lực lượng Không quân Hoa Kỳ và những người phụ nữ Nhật Bản sau chiến tranh, qua đó khắc họa định kiến xã hội và phân biệt nhằm vào mối quan hệ khác chủng tộc.

null

Nhân vật của Miyoshi trong phim là một người phụ nữ Nhật Bản điển hình ở thời điểm đó: đáng yêu, ngọt ngào, và là một người vợ phụng sự, nín nhịn. Trong phim, cô xuất hiện tổng cộng 15 phút.

Xuất thân là ca sĩ phòng trà, Umeki Miyoshi được một chuyên gia săn lùng tài năng phát hiện và đưa sang New York vào năm 1955. Dấu ấn đầu tiên của Miyoshi là Sayonara. Sau đó, cô tiếp tục nhận một đề cử Tony ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc với vở nhạc kịch Broadway Flower Drum Song.

Hai năm sau, minh tinh tái hiện vai diễn này trong bộ phim điện ảnh chuyển thể. Cô cũng từng nhận đề cử Nữ diễn viên xuất sắc của Quả cầu Vàng cho cả phim chuyển thể và phiên bản truyền hình của The Courtship of Eddie's Father (1970).

Sessue Hayakawa

Hayakawa là người châu Á đầu tiên nhận đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar nhờ vai diễn Đại tá Saito trong bộ phim chiến tranh The Bridge on the River Kwai (1957). Tác phẩm xoay quanh quá trình xây dựng đường sắt Burma trong giai đoạn 1942-1943. Nhân vật của Hayakawa là người đã bắt các tù binh chiến tranh làm việc khổ sai ở các công trường xây dựng.

null

Sessue Hayakawa còn nổi tiếng là một trong những biểu tượng gợi cảm gốc Á đầu tiên ở Hollywood. Ông là diễn viên đầu tiên mang dòng máu Á châu bước lên vị trí ngôi sao tại Mỹ và châu Âu giữa bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn phổ biến công khai.

The Bridge on the River Kwai nhận 8 đề cử Oscar năm 1958, trong đó có Phim truyện xuất sắcNam diễn viễn chính xuất sắc cho Alec Guinness. Bộ phim chiến thắng ở 7 hạng mục. Đáng tiếc thay, chỉ riêng Hayakawa là người duy nhất liên quan tới bộ phim thất bại trong cuộc đua năm ấy.

Cả sự nghiệp, Sessue Hayakawa đã tham gia hơn 80 bộ phim, bất chấp làn sóng tẩy chay Nhật Bản trong và sau Thế chiến II. Ngoài The Bridge on the River Kwai, ông còn nổi tiếng với hai bộ phim The Cheat (1915) và Swiss Family Robinson (1960).

Haing S. Ngor

Ngor là người châu Á đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này giành giải Oscar hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhờ vai diễn Dith Pran trong bộ phim tiểu sử The Killing Fields (1984). Dith Pran là phóng viên ảnh người Cambodia. Nhân vật từng di cư và là người sống sót sau nạn diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra.

null

Không chỉ thành công về mặt thương mại, bộ phim còn nhận được những lời tán dương từ giới phê bình, giành thắng lợi ba trong tổng số bảy đề cử Oscar. Chiến thắng của Ngor đặc biệt gây chú ý, không chỉ vì đây là người châu Á đầu tiên giành được vinh dự ấy, mà còn bởi ông không hề có kinh nghiệm diễn xuất trước khi nhận vai Dith Pran.

Màn hóa thân xuất sắc của Ngor đến từ việc bản thân ông thực sự là người sống sót sau nạn diệt chủng. Ngor có quãng thời gian là bác sĩ phẫu thuật trước khi chuyển hướng sang đóng phim.

Sau The Killing Fields, ông tiếp tục con đường nghệ thuật cho tới khi bị bắn chết trong một vụ trộm ở Los Angeles (Mỹ) vào năm 1996.

Steven Yeun

Đề cử của Yeun ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar năm nay đến từ vai diễn người cha sống chết với giấc mơ Mỹ ở Minari. Anh là diễn viên người Mỹ gốc Á và là người Đông Á đầu tiên ghi tên ở hạng mục này.

Tên tiếng Hàn của Yeun là Yeon Sang-yeop. Anh là người di cư thế hệ thứ hai. Năm Yeun 4 tuổi, gia đình anh chuyển tới Canada, rồi sau đó mới sang Mỹ sinh sống.

null

Steven Yeun bắt đầu được đông đảo công chúng yêu mến sau vai diễn Glenn Rhee trong series phim truyền hình ăn khách The Walking Dead. Anh tham gia tổng cộng bảy mùa phim xác sống từ 2010 đến 2016.

Yeun cũng từng hợp tác với những nhà làm phim nổi tiếng Hàn Quốc, như Bong Joon-ho với Okja (2017) hay Lee Chang-dong với Burning (2018).

Về màn diễn xuất được đánh giá cao trong Minari, Yeun cho biết anh không lấy cha làm hình mẫu để hóa thân thành nhân vật Jacob, mặc dù anh nghĩ đến ông rất nhiều trong quá trình tham gia bộ phim.

“Tôi nhận ra, ở một vài khía cạnh nào đó, tôi chính là cha mình. Tôi không cần phải thay đổi bản thân quá nhiều để phù hợp với hình ảnh một người đàn ông Hàn trung niên thuộc thế hệ của cha”, Yeun chia sẻ tại một cuộc họp báo hồi tháng 2.

Youn Yuh-jung

Youn là diễn viên Hàn Quốc đầu tiên nhận đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc của Oscar, và là người Hàn Quốc đầu tiên ẵm giải thưởng Screen Actors Guild (SAG) của Hiệp hội diễn viên Mỹ cho vai diễn người bà hài hước Soon-ja - chất keo gắn kết gia đình trong Minari.

null

Chia sẻ với truyền thông Hàn Quốc, Youn khẳng định bà phải gửi lời cảm ơn tới đạo diễn Lee Isaac Chung vì đã để mình hoàn toàn tự do thể hiện Soon-ja.

Nữ diễn viên 73 tuổi đang là cái tên được số đông báo chí quốc tế và giới phê bình đặt cược cho chiến thắng tại Oscar năm nay. Tuy nhiên, vai diễn của Youn không được đón nhận quá nồng nhiệt tại quê nhà, bởi khán giả đã quen với hình ảnh truyền thống hơn của minh tinh trên màn ảnh.

Hiroshi Teshigahara

Teshigahara là nhà làm phim châu Á đầu tiên nhận đề cử Đạo diễn xuất sắc nhờ bộ phim được đánh giá là nổi bật nhất của ông có tên Woman in the Dunes (1964). Bộ phim giành giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 1964, và nhận đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Song, tác phẩm và cá nhân Teshigahara đã không giành chiến thắng.

null

Woman in the Dunes là câu chuyện kể về chuyến thám hiểm đồi cát của giáo viên, nhà sinh vật học nghiệp dư Niki Junpei.

Bên cạnh công việc làm phim, Hiroshi Teshigahara còn tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, như viết thư pháp, làm gốm, hội họa, opera. Ông từng tổ chức nhiều buổi triển lãm cá nhân để giới thiệu các tác phẩm của mình.

Lý An

Đạo diễn Đài Loan là người châu Á đầu tiên giành tượng vàng Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhờ bộ phim đề tài đồng tính Brokeback Mountain (2005). Tại lễ trao giải năm 2006, phim còn giành giải Kịch bản chuyển thểNhạc phim xuất sắc.

Mặc dù không giành chiến thắng, hai ngôi sao Heath Ledger và Jake Gyllenhaal đã nhận những đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp nhờ Brokeback Mountain.

null

Trước đó, bộ phim Ngọa hổ tàng long (2000) của Lý An từng nhận tới 10 đề cử tại Oscar 2001, và giành chiến thắng ở bốn hạng mục, trong đó có Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Đến năm 2013, Lý An lần thứ hai giành giải Đạo diễn xuất sắc của Oscar nhờ bộ phim Life of Pi.

Trước khi trở thành nhà làm phim huyền thoại, Lý An đã phải chật vật trong suốt 6 năm đầu làm nghề để có thể trình làng bộ phim đầu tay Pushing Hands hồi 1991.

Trong bài tiểu luận A never-ending dream (tạm dịch: Một giấc mơ không hồi kết) được viết sau thành công của Brokeback Mountain, Lý An chia sẻ thành công của bản thân bắt nguồn từ sự hỗ trợ vô giá của bà Lâm Huệ Gia - người vợ đã thay vị đạo diễn làm trụ cột chính gia đình để ông có thể tự do theo đuổi giấc mơ điện ảnh. Lý An cho biết Lâm Huệ Gia đã luôn khuyến khích ông làm phim, ngay cả trong giai đoạn khó khăn và nhà làm phim nghi ngờ năng lực của bản thân.

Bong Joon-ho

Bong Joon-ho là nhà làm phim Hàn Quốc và châu Á đầu tiên giành giải Phim truyện xuất sắc nhất ở Oscar và Cành cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes với bộ phim Parasite - câu chuyện về hai gia đình ở những nấc thang đối lập trong xã hội Hàn Quốc.

Tuy không phải là bộ phim đầu tiên thành công của Bong, nhưng Parasite đã mang về 258 triệu USD doanh thu toàn cầu, nhận được sự ngợi ca từ báo chí, giới phê bình, cũng như khán giả trên khắp thế giới.

null

Đây cũng là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, và là phim quốc tế đầu tiên thắng giải Dàn diễn viên xuất sắc tại sự kiện SAG của Hiệp hội diễn viên Mỹ.

Năm 2020, Bong Joon-ho được tạp chí Time vinh danh trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới, và là chủ tịch người Hàn Quốc đầu tiên của ban giám khảo Liên hoan phim Venice.

Một số tác phẩm nổi bật khác của Bong Joon-ho có Memories of Murder (2003), The Host (2006), Mother (2009) và Snowpiercer (2012). 

Lee Isaac Chung

Minari của Chung được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Sundance 2020 và giành giải của Hội đồng giám khảo, cũng như giải do khán giả bình chọn.

Tính tới thời điểm này, bộ phim tâm lý đã giành hơn 100 giải thưởng lớn nhỏ của các hiệp hội phim ảnh, phê bình trên toàn cầu, trong đó có Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Quả cầu vàng 2021. 

null

Bộ phim đầu tay của Chung là Munyurangabo, ra đời năm 2007. Công chiếu tại liên hoan phim Cannes cùng năm, phim là câu chuyện về tình bạn của hai chàng trai sau cuộc nội chiến ở Rwanda.

Sau khi thực hiện thêm ba bộ tác phẩm, Chung đã cân nhắc dừng làm phim và nhận công việc dạy học tại trung tâm châu Á của Đại học Utah ở Incheon (Hàn Quốc). Đó là quãng thời gian ông viết nháp kịch bản của Minari sau khi lấy cảm hứng từ những người phụ nữ cào ngao bên bờ biển.

Vị đạo diễn cho biết bà của mình từng làm công việc tương tự để kiếm sống sau khi góa bụa trong Chiến tranh Triều Tiên và trở thành trụ cột duy nhất của gia đình. Bà chính là hình mẫu để Chung tạo nên nhân vật Soon Ja của Youn Yuh-jung trong Minari. Tác phẩm của Chung nhận tổng cộng 6 đề cử Oscar năm nay, trong đó có Phim truyện Đạo diễn xuất sắc.

Thời gian tới Lee Isaac Chung sẽ thực hiện phiên bản live-action (người đóng) của bộ phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng Your Name (2016) với các diễn viên người Mỹ.

Chloé Zhao (Triệu Đình)

Thành công của nhà làm phim Chloé Zhao người Trung Quốc với Nomadland (2020) là bước đột phá đối với một nữ đạo diễn người châu Á.

Nhờ bộ phim, Zhao là nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên nhận đề cử Đạo diễn xuất sắc tại Oscar, và là nhà làm phim phái đẹp có nhiều đề cử nhất khi xuất hiện tên ở 6 hạng mục giải thưởng năm nay.

null

Trong suốt 93 năm lịch sử giải thưởng Oscar, 2021 mới là năm đầu tiên có hai nhà làm phim nữ giới - Chloé Zhao và Emerald Fennell của Promising Young Woman - cùng có đề cử Đạo diễn xuất sắc.

Chloé Zhao là nữ đạo diễn thứ hai nhận giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice, và là nữ đạo diễn châu Á đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim điện ảnh chính kịch xuất sắc Đạo diễn xuất sắc tại Quả cầu Vàng nhờ Nomadland.

Nomadland mới là bộ phim thứ ba trong sự nghiệp Chloé Zhao. Thời gian tới, cô sẽ mang đến cho khán giả bom tấn siêu anh hùng Eternals thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

Quyên Nguyễn
Bài viết do độc giả TrueID đóng góp

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...