Ngôi sao loạt Jason Bourne chia sẻ về những thách thức mà điện ảnh hiện đại phải đối mặt, đặc biệt là sự phổ biến của phim siêu anh hùng và các dịch vụ phát trực tuyến.
Đã gần 25 năm kể từ khi Good Will Hunting (1997) đưa Matt Damon trở thành ngôi sao quốc tế. Trong suốt thời gian ấy, anh vẫn là một trong những diễn viên ổn định hàng đầu của Hollywood. Tài tử có thể tham gia nhiều dòng phim khác nhau và đặc biệt thành công ở thể loại hành động qua thương hiệu Jason Bourne.
Nhưng trong những năm gần đây, kinh đô điện ảnh rõ ràng đã có nhiều thay đổi theo những cách chưa từng thấy. Bắt đầu với Iron Man (2008), thể loại siêu anh hùng lần đầu tiên thực sự khẳng định vị trí thống trị phòng vé và mở ra làn sóng mới cho những dự án kinh phí lớn, chứa đầy kỹ xảo điện ảnh mà khán giả trên toàn thế giới phải phát cuồng.
Matt Damon chỉ mới góp mặt trong thể loại siêu anh hùng qua một vai khách mời nhỏ (cameo).
Một năm trước khi Iron Man xuất hiện, dịch vụ cho thuê DVD ít tên tuổi là Netflix đã mở rộng mô hình kinh doanh bằng cách bắt đầu tập trung vào nội dung phát trực tuyến đăng ký. Đến năm 2010, ứng dụng đã có mặt trên toàn cầu. Trong suốt một thập kỷ sau đó, cả Netflix và thể loại siêu anh hùng đều tăng trưởng vượt mọi dự đoán.
Những thay đổi khó tránh khỏi đã tác động sâu sắc tới ngành điện ảnh. Nhưng không phải ai cũng cho rằng chúng đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Matt Damon liên tục từ chối các lời mời tham gia phim siêu anh hùng và chỉ nhận vai khách mời nhỏ trong Thor: Ragnarok (2017). Anh cho rằng sự kết hợp giữa dịch vụ phát trực tuyến và phim siêu anh hùng đang hủy hoại ngành công nghiệp giải trí theo nhiều cách.
Trong cuộc phỏng vấn với The Sunday Times, ngôi sao The Martian chia sẻ rằng các con anh quan tâm đến điện thoại hơn là xem phim. Anh nói: "Cách bọn trẻ xem phim khác với chúng ta trong quá khứ. Làm thế nào bạn có thể xem một bộ phim nếu đang nhắn tin? Là một nhà làm phim, tôi không thích điều này chút nào. Những bộ phim sẽ không trở thành điều gì đó trong cuộc sống của con cái chúng ta. Và điều đó làm cho tôi buồn".
Damon sau đó cho rằng việc doanh số bán video gia đình giảm mạnh khi đối mặt với các tùy chọn phát trực tuyến ngày càng tăng. Điều này dẫn đến các hãng phim phải thực hiện các bộ phim có sức hấp dẫn “quốc tế” hơn, từ đó làm nảy sinh hiện tượng siêu anh hùng.
Tài tử nhận xét: "Thể loại siêu anh hùng tạo ra những tác phẩm có lợi nhuận cao và đi khắp thế giới. Và nếu muốn một bộ phim trình chiếu toàn cầu và kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ ít muốn có sự nhầm lẫn văn hóa nhất. Vì vậy, đây là lúc siêu anh hùng lên ngôi, đúng không? Chúng dễ dàng cho mọi người. Bạn biết ai là người tốt, ai là người xấu. Họ đánh nhau ba lần và người tốt thắng hai lần".
Martin Scorsese cũng từng chỉ trích phim Marvel không phải "điện ảnh thực thụ".
Quan điểm mà Damon đưa ra không mới. Một danh sách dài các nhà làm phim tên tuổi từng chỉ trích cả thể loại siêu anh hùng lẫn sự bó buộc mà các dịch vụ phát trực tuyến áp đặt lên mô hình phát hành truyền thống trong nhiều năm nay. Họ phát hiện ra rằng những tác phẩm không thuộc một trong hai thể loại nói trên ngày càng khó có đất sống.
Có ý kiến cho rằng quan điểm của Matt Damon đơn giản là không muốn thừa nhận thời thế đã thay đổi. Ngành điện ảnh suy cho cùng vẫn là kinh doanh. Và việc đặt toàn bộ vốn liếng vào một mô hình kinh doanh nhất định sẽ phải trả giá. Trong trường hợp này, cái giá đó sẽ khiến ngành công nghiệp này thay đổi mãi mãi, dù tốt hay xấu.