‘Song song’ - bản cải lùi của ‘Mirage’ và chiếc áo quá khổ dành cho Nhã Phương - TrueID

‘Song song’ - bản cải lùi của ‘Mirage’ và chiếc áo quá khổ dành cho Nhã Phương

April 3, 2021

Sử dụng chung một kịch bản, nhưng bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng tỏ ra thua kém tác phẩm Tây Ban Nha về cả nội dung lẫn diễn xuất.

Song song là tác phẩm thứ hai của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng sau Ống kính sát nhân (2018). Nhà sản xuất mua kịch bản và phát triển đồng thời với Mirage của Oriol Paulo, nhưng rốt cuộc ra mắt sau gần ba năm. Song, tác phẩm không cải thiện được những điểm yếu của bản phim Tây Ban Nha, mà còn thể hiện sự non tay trong khâu cắt dựng và triển khai cốt truyện.

Chuyện phim Song Song bắt đầu khi nữ y tá Trang (Nhã Phương) cùng chồng là Quân (Trương Thế Vinh) và cô con gái tên Cún (Bảo Tiên) dọn về một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố. Họ phát hiện ra chiếc TV và máy quay cũ ghi lại hình ảnh của chủ nhân ngôi nhà lúc trước là cậu bé Lê Phong (Thuận Phát).

Thông qua người bạn tên Trung (Hoàng Phi), Trang biết được chuyện vào một đêm mưa bão đúng 20 năm trước, Lê Phong tò mò đi sang nhà hàng xóm sau khi nghe tiếng hét lạ. Cậu phát hiện ra ông Sơn (Tiến Luật) giết vợ. Phong sau đó bị xe đâm chết trong lúc đang bỏ chạy ra ngoài.

Tối hôm ấy, một cơn bão y hệt năm xưa đổ bộ thị trấn. Chiếc TV chập điện khiến Trang bỗng nhiên có thể kết nối với Lê Phong vào đúng ngày định mệnh. Cô thay đổi quá khứ bằng cách ngăn cản cậu qua nhà hàng xóm. Song, Trang cũng vô tình làm cuộc sống của mình ở hiện tại không còn như xưa.

Khi “hiệu ứng cánh bướm” không còn mới lạ

Khán giả hẳn chẳng còn xa lạ với hiệu ứng cánh bướm (butterfly effect) trên màn ảnh rộng. Đây là một khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện do nhà toán học Edward Norton Lorenz đề ra. Theo đó, một thay đổi nhỏ của nguyên nhân dẫn đến sai số lớn của kết quả, hay cánh bướm ở bên này đại dương sẽ tạo ra cơn bão ở phía còn lại.

Từ lý thuyết khoa học, hiệu ứng cánh bướm dần được nhắc đến nhiều lần trong văn hóa đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian. Các bộ phim quen thuộc chọn đề tài này có thể kể đến The Butterfly Effect (2004), Mr. Nobody (2009), Men in Black 3 (2012) hay About Time (2013).

null

Bộ phim lựa chọn đề tài quen thuộc của điện ảnh thế giới. Ảnh: CJ.

Ý tưởng quá khứ và tương lai có thể liên lạc với nhau để thay đổi các sư kiện cũng không hề mới mẻ. Bản thân Mirage cũng có nhiều nét tương đồng với Frequency (2000). Hàn Quốc cũng hay khai thác đề tài này thông qua bom tấn truyền hình Signal (2016) hay gần đây là The Call (2020) của Park Shin Hye.

Song song vẫn đi theo cốt truyện quen thuộc này khi hành động cứu Lê Phong khiến cuộc sống của Trang thay đổi. Sau sự kiện kỳ bí, cô chưa từng kết bạn với Trung hay lấy Quân làm chồng và Cún cũng không được sinh ra. Ông Sơn không vào tù vì tội ác không bị phát hiện.

Tác phẩm cũng chia làm hai mốc thời gian của Trang ở hiện tại và Phong năm xưa khi vừa được cô cứu thoát. Mỗi hành động của họ đều có liên hệ trực tiếp, lý giải những bí ẩn trong cuộc sống của đối phương và dần đi đến một cái kết chung.

Tình tiết thiếu kịch tính

Điểm cộng lớn của Song song so với Mirage nằm ở mặt bối cảnh. Đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng đã khéo léo chọn Đà Lạt cùng tông màu u tối để thể hiện tâm lý nặng nề của các nhân vật. Với Sơn, đó là vụ án mạng 20 năm chưa bị phát hiện, hay còn Trang là nỗi đau mất đi cuộc sống quen thuộc.

Nước phim ở hai mốc thời gian có sự khác biệt rõ rệt. Ngoài ra, cách thể hiện cơn bão của tác phẩm Việt cũng mạnh mẽ hơn. Nếu như ở Mirage, đó chỉ là những tiếng gầm của sấm sét và mây đen giăng kín, thì Song song lại có sự xuất hiện của cả những cơn giông hay mưa nặng hạt, cây cối ngã đổ.

null

Sự non tay trong cách xử lý của đạo diễn khiến bộ phim chưa đạt đến được mức kịch tính cần thiết. Ảnh: CJ.

Song, với thế mạnh bối cảnh, phim chưa thể mang đến câu chuyện mới lạ hơn, kịch tính hơn. Nguyễn Hữu Hoàng còn non tay khi các chi tiết ẩn để tạo bất ngờ còn lộ liễu. Dù chưa theo dõi Mirage, khán giả vẫn dễ dàng biết được những gì xảy ra tiếp theo với Quân, Sơn hay các nhân vật khác.

Một vài tình tiết thay đổi so với tác phẩm Tây Ban Nha thực tế lại là “cải lùi”, khiến phim trở nên thiếu thuyết phục và rời rạc hơn. Đơn cử như chi tiết Vera (Adriana Ugarte) phải chạm tay đổi phương để lấy lại ký ức ở dòng thời gian mới, nhưng bản phim Việt lại không giải thích rõ ràng vấn đề này.

Song song thêm vào yếu tố đếm ngược thời gian tới cơn bão nhằm tạo ra màn rượt đuổi kịch tính. Song, lối điều tiết nhịp độ còn bất hợp lý. Tác phẩm quá dài dòng ở những trường đoạn cần sự gấp gáp. Cách giải quyết nút thắt cuối của phim bị lê thê và không còn mang tính bất ngờ.

Chiếc áo quá khổ của Nhã Phương

Trước khi phim ra rạp, một bộ phận khán giả lo lắng không biết Nhã Phương có đủ sức cáng đáng một vai diễn nặng ký như Trang. Quả thực, bà xã Trường Giang khó lòng vượt qua Adriana Ugarte của Mirage.

Song song đã lược bớt nhiều cảnh nội tâm của nhân vật, như những đoạn hồi tưởng về con gái. Thậm chí, phim cũng không xây dựng quá nhiều về cuộc sống của Trang ở hiện tại như bản phim Tây Ban Nha.

null

Trang là một vai diễn khó đối với Nhã Phương. Ảnh: CJ.

Hậu quả là quyết định cuối phim của Trang tỏ ra quá dễ dàng và thiếu thuyết phục khi không có sự đánh đổi. Nhưng ngay cả thế, Nhã Phương cũng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô thường chỉ có một nét mặt mếu máo xuyên suốt thời lượng và chưa thể hiện được sự quyết đoán trong cách xử lý tình huống của nhân vật.

Bạn diễn Võ Đình Hiếu của cô cũng không để lại nhiều ấn tượng. Đây cũng là một nhân vật có nhiều sự chuyển biến trong tính cách, nhưng chưa được làm đến nơi đến chốn. Trong khi đó, vai ông Sơn của Tiến Luật lẽ ra có thể được khai thác sâu hơn, nhưng lại bị bỏ qua.

Nhìn chung, Song song là làn gió mới với điện ảnh Việt. Nhưng cách thể hiện non tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng và hạn chế trong diễn xuất khiến phim trở nên nhạt nhòa và dễ quên. Kịch bản hay là một chuyện, nhưng để biến đó thành thành phẩm tốt lại là quãng đường khá xa.

Khắc Nguyễn
Bài viết do độc giả TrueID đóng góp

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...