Từ Nàng Tiên Cá tới Bạch Tuyết, Disney ‘thức tỉnh’ hay chỉ nỗ lực kiếm tiền? - TrueID

Từ Nàng Tiên Cá tới Bạch Tuyết, Disney ‘thức tỉnh’ hay chỉ nỗ lực kiếm tiền?

Như Ngọc (TrueID)July 5, 2021

Thông điệp một số tác phẩm kinh điển trong kho tàng của “Nhà Chuột” cho đến nay đã không còn đúng với giá trị xã hội hiện đại. Điều đó buộc Disney phải thay đổi.

Tháng 6/2021, Disney lựa chọn Rachel Zegler - nữ diễn viên, ca sĩ trẻ sinh năm 2001 vào vai Bạch Tuyết trong dự án phim người đóng (live-action) sắp tới. Điều đặc biệt, Zegler là nữ diễn viên mang hai dòng máu Colombia - Ba Lan. Quyết định chọn cô gái Latin vào vai Bạch Tuyết là một trong nhiều động thái của Disney nhằm đem đến sự đa dạng (diversity) cho các câu chuyện của mình.

null

Sự kiện Rachel Zegler được chọn vào vai Bạch Tuyết gây xôn xao dư luận hồi tháng 6.

Nụ hôn đích thực hay cưỡng hôn?

Hồi tháng 5, có hai nhà báo review trải nghiệm của mình khi chứng kiến câu chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn trong công viên Disneyland. Bài cảm nhận nhìn chung tích cực, cho đến phần cao trào: nụ hôn mà hoàng tử trao cho nàng Bạch Tuyết.

Theo hai cây bút, nụ hôn đó không xứng đáng được gọi là nụ hôn của tình yêu đích thực (true love’s kiss). “Một nụ hôn mà anh ta trao khi không có sự đồng thuận từ cô gái, khi cô ấy đang ngủ say, thì không thể gọi là nụ hôn của tình yêu đích thực. Bởi chỉ có một người ý thức được họ đang làm gì”. Họ bình luận thêm: “Thật khó để có thể hiểu nổi tại sao Disney vào năm 2021 vẫn đưa vào một tình tiết như thế, với ý tưởng cổ hủ về việc một người đàn ông có thể đối xử với phụ nữ theo ý phái mạnh”.

null

Liệu đây có phải là nụ hôn của một tình yêu đích thực?

Bài review sớm trở thành tiêu đề tranh luận trên các mặt báo và kênh truyền thông. Từ Twitter đến Fox, từ tờ Daily Mail đến Thượng nghị sĩ John Kennedy, các bên bày tỏ quan điểm xoay quanh nụ hôn kinh điển, hay rộng hơn là câu chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Tất cả đến từ đoạn bình luận của một tờ tin tức online nhỏ.

Phân biệt chủng tộc, giới tính trong phim hoạt hình Disney

Disney ngày càng thấy mình bị cuốn vào trung tâm của làn sóng tranh luận. Ở một khía cạnh nào đó, đây chính là chiếc “bia đỡ đạn” lớn nhất của những chỉ trích. Gã khổng lồ nắm trong tay các thương hiệu giải trí gia đình, nay sở hữu hàng loạt thương hiệu đắt giá như Marvel Studios, Star Wars, Pixar, Avatar, Alien, The Muppets, The Simpsons…

Ấy vậy, giờ đây “Nhà Chuột” phải hứng chịu búa rìu từ hai phía. Một mặt, người ta coi Disney như một phản diện khi kiếm tiền từ các di sản lỗi thời và cố chấp. Phía bên kia, các khán giả cho rằng mình là nạn nhân của một chiến dịch “hút máu” từ Disney dưới chiêu bài “cải cách văn hóa”.

Trong tiếng Anh có cụm từ “woke” (thức tỉnh). Woke có thể dùng để chỉ những người ý thức được bất công và các vấn đề xã hội (sắc tộc, giới tính), nhưng cũng có thể được dùng như một cụm từ mang nghĩa mỉa mai. Nói Disney “thức tỉnh quá” (too woke) tức là đang ám chỉ một thương hiệu bề ngoài tỏ ra nhạy cảm với các vấn đề xã hội, nhưng kỳ thực lại rỗng tuếch, chỉ rốt ráo mong thu lợi.

null

Một chi tiết trong Dumbo bị coi là nhạy cảm trong xã hội hiện đại.

Công bằng mà nói, công chúng có lý do để làm vậy. Trong thời đại của #TimesUp, #MeToo hay Black Lives Matter, Disney đã phải xem xét lại khối tài sản của mình. Rất nhiều trong số đó vẫn mang tàn dư của hệ tư duy phân biệt chủng tộc, tính nam độc hại, kỳ thị…

Tiêu biểu là chi tiết đàn quạ đen trong phim hoạt hình Dumbo ẩn dụ cho hình ảnh người Mỹ gốc Phi, với nhân vật chính lồng tiếng là người da trắng nhại giọng người da đen. Hình ảnh quân đoàn ác bá trong Aladdin là hình dung rập khuôn và kỳ thị về người Hồi giáo. Hay cũng không thể không kể tới các tình tiết giễu nhại người da đỏ trong Peter Pan.

Thay vì cất những tựa phim đó vào kho để chúng ngủ yên cùng lịch sử, Disney đem tất cả trở lại trên hệ thống trực tuyến Disney+. Tuy nhiên, chúng được gắn kèm cảnh báo: “Có tình tiết mô tả tiêu cực hoặc ngược đãi con người hoặc văn hóa”. Khán giả được cho biết: “Trong quá khứ, chúng là sai trái và hiện tại cũng vậy. Thay vì xóa bỏ nội dung này, chúng tôi muốn thừa nhận sự tai hại mà chúng đem lại, để rút kinh nghiệm, khơi dậy cuộc trò chuyện cùng nhau và tạo ra một tương lai hòa nhập hơn”.

Tương tự Dumbo, Aladdin, The Aristocats hay Peter Pan, những dòng cảnh báo này cũng được gắn trước một tập phim của The Muppet Show (có cảnh Johnny Cash hát trước lá cờ của Liên minh miền Nam) hay bộ phim Swiss Family Robinson (1960) mô tả rập khuôn cướp biển vùng châu Á.

Tháng 10/2020, Disney đưa ra sáng kiến mang tên “Stories Matter” (tạm dịch: Chuyện để kể) nhằm xem xét các yếu tố xã hội một cách toàn diện, đồng thời thừa nhận trách nhiệm của hãng trong việc “bảo vệ một cách có ý thức, có mục đích, cũng như không ngừng phổ biến tiếng nói và quan điểm trong thế giới của chúng ta”.

Họ đã đạt được những thành công đáng chú ý như Moana, Coco, Zootropolis, Raya and the Last Dragon hay Soul. Tất cả đầu phim hoạt hình kể trên đều đi xa khỏi hình mẫu da trắng, nam tính thống trị kiểu phương Tây. Các bản làm lại của AladdinDumbo cũng tạo ra cơ hội để loại bỏ khía cạnh gây tranh cãi ở bản gốc.

null

Bộ phim Aladdin phiên bản người đóng từng thu hơn 1 tỷ USD toàn cầu.

Cùng với sự thay đổi ở mảng công viên giải trí, nỗ lực của Disney là chất xúc tác cho ngòi nổ phẫn nộ của những người cho rằng hãng đã “quá thức tỉnh”. Trước những ồn ào liên quan đến Bạch Tuyết, người ta thấy Disney đã lồng ghép nhân vật đồng tính trong Beauty and the Beast bản người đóng vào năm 2017 (khéo hay không thì xin mọi người tự đánh giá), sa thải diễn viên Gina Carano của loạt The Mandalorian sau khi cô so sánh cách đối xử dành cho người ủng hộ Đảng Cộng hòa tại Mỹ như người Do Thái trong thời Đức Quốc xã.

Ngoài ra, Disney còn ban hành tài liệu nội bộ, trong đó đưa ra những khuyến nghị về cách giao tiếp giữa bối cảnh liên quan đến các vấn đề chủng tộc. Tài liệu thảo luận về các yếu tố như phân biệt chủng tộc theo hệ thống, đặc quyền da trắng, thành kiến xúc phạm (ví dụ, khi có người nào hô, “Mạng sống người da đen quan trọng!”, thì ai đó lại hô, “Mạng sống của tất cả đều quan trọng!”, nhằm cào bằng, san phẳng các vấn đề vẫn còn đó). Các tài liệu này bị một số chỉ trích là “đạo đức giả”, còn số khác nghi ngờ về tính hiệu quả khi lưu hành nội bộ.

Hình dung của nước Mỹ trong con mắt Walt Disney

Bản thân cha đẻ của “Nhà Chuột” - Walt Disney - vốn dành cả đời cố gắng tránh đưa ra những tuyên bố chính trị. Ông tuyên bố tác phẩm của mình dành cho tất cả. Nhưng ngài Disney lại có những quan điểm chính trị riêng. Nhìn chung, Walt Disney là người theo trường phái bảo thủ, tôn vinh các giá trị truyền thống của gia đình. Ông có thể không phân biệt chủng tộc một cách rõ ràng, nhưng là người không nhạy cảm về mặt văn hóa. Điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm của hãng.

null

Disney là cách mà Walt Disney muốn bảo tồn hình dung về nước Mỹ vào thế kỷ XX.

John Wills, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Kent, và là tác giả của cuốn Văn hóa Disney phát biểu: “Disney chưa bao giờ tách rời khỏi chính trị. Dù ấn tượng bên ngoài, đây là một công ty cung cấp dịch vụ giải trí vô hại, Disney rõ ràng đã có những chiến lược nghị sự trong suốt 100 năm qua và chúng không ngừng thay đổi. Về mặt lịch sử, Disney là cách Walt Disney muốn bảo tồn hình dung về nước Mỹ ngày ấy, mà theo nhiều cách, nay đã không còn tồn tại. Đó là kiểu hoài niệm về một miền đất bảo thủ”.

Disney đã liên tục vận động, và nếu nhìn theo góc độ kinh tế, thay đổi này đã và đang đem lại tác động tích cực. Họ không thể chỉ phục vụ một nhóm nhỏ bảo thủ - những người lúc nào cũng coi nước Mỹ trong quá khứ tốt đẹp hơn bây giờ. “Nhà Chuột” hiểu rằng điểm mấu chốt là phải tiếp cận nhiều khách hàng hơn.  

Vậy làm thế nào để thu hút các đối tượng khán giả trẻ em? Một phần câu trả lời nằm ở việc đưa vào các yếu tố đa dạng, công bằng và hòa nhập, bởi đó là những điều mà thế hệ trẻ đang hướng tới. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Và chúng ta cũng đang sống trong một thế giới đa dạng về chủng tộc, giai cấp, đa dạng về tôn giáo, và chúng ta không thể tự cô lập mình. Hơn ai hết, Disney hiểu điều đó.

Trong hành trình cải biên và nhìn nhận lại kho tàng của mình, Disney sẽ còn đón nhận nhiều bão tố. Năm 2018, diễn viên lồng tiếng trong Frozen là Kristen Bell nói với các phóng viên rằng cô đã sử dụng Bạch Tuyết để dạy con gái về sự nguy hiểm của người lạ và tầm quan trọng của sự đồng thuận. Bell đã hỏi con gái: "Con có nghĩ rằng thật kỳ lạ khi hoàng tử hôn Bạch Tuyết mà không có sự cho phép của cô ấy không?”.

Tương tự, Keira Knightley - ngôi sao của The Nutcracker and the Four Realms - nói rằng cô không muốn con gái mình xem Cinderella - câu chuyện về một người phụ nữ “đợi anh chàng giàu có đến giải cứu cô ấy”, hay The Little Mermaid - chuyện về người “từ bỏ giọng nói của bản thân vì một người đàn ông”.

null

Trên thực tế, những bộ phim hoạt hình trước đây của Disney cũng có những cải biên dành cho thời đại ra mắt.

Hầu hết câu chuyện kinh điển của Disney bắt đầu trở nên lỗi thời. Phỏng theo truyện dân gian châu Âu, chúng bắt nguồn từ các giá trị gia trưởng và bạo lực. Trong câu chuyện cổ tích gốc, nữ hoàng độc ác yêu cầu người thợ săn giết Bạch Tuyết và mang về gan, phổi của cô. Khi anh ta mang nội tạng của một con nai trở lại, nữ hoàng đã ăn và tin rằng chúng là của Bạch Tuyết. Và cũng không có “nụ hôn của tình yêu đích thực” nào ở đây cả. Disney đã thêm tình tiết đó vào. Trong bản gốc, Bạch Tuyết tỉnh dậy khi quả táo tẩm thuốc độc bị văng ra khỏi cổ họng.

Với Sleeping Beauty cũng vậy. Trong bản gốc của Basile, nhân vật chính không bị đánh thức bằng một nụ hôn, mà bị cưỡng hiếp trong giấc ngủ của mình để rồi 9 tháng sau sinh hạ một cặp sinh đôi.

Về cơ bản, lịch sử tuần hoàn theo quy trình: những người đi sau kế thừa giá trị của người đi trước và thay đổi nhằm phù hợp với góc nhìn xã hội. Giống như cái cách Walt Disney đã cải tiến những câu chuyện cổ dân gian đẫm mùi bạo lực kinh dị để phù hợp với các giá trị của nước Mỹ giữa thế kỷ XX, thì khán giả thế kỷ XXI đã thấy những bản cải biên đó đến giờ cũng trở nên vụng về.

Disney đã làm, nhưng có thể họ làm chưa đủ. Phiên bản người đóng của Mulan là thứ gì đó tạp nham chắp vá lịch sử Trung Hoa, với một bộ sậu sản xuất thiếu vắng cố vấn văn hóa, lịch sử bản địa.

Trong quá trình đi tới một xã hội công bằng và đa dạng cho tất cả, Disney cần phá bỏ định kiến về một công ty “quá thức tỉnh”. Họ cần chứng minh bằng các tác phẩm chất lượng thực sự, chứ không chỉ là một chiếc “bình mới rượu cũ” tô son điểm phấn bằng các chi tiết cải biên nửa vời. The Little Mermaid Snow White sắp tới là hai bài kiểm tra mà công chúng đang chờ đón để đánh giá năng lực của “Nhà Chuột” trong những cam kết mà họ đặt ra.

Tin liên quan:

>> Nữ diễn viên gốc Latin trở thành nàng Bạch Tuyết mới của Disney

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...