Thần Lừa lọc do Tom Hiddleston thể hiện là trường hợp hiếm của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) khi gã sở hữu một mini-series riêng dù ban đầu vốn sắm vai phản diện.
Loki từng là một vai diễn gây tranh cãi khi Marvel Studios trao cơ hội cho Tom Hiddleston - một nam diễn viên vô danh tại thời điểm năm 2011. Gã Thần Lừa lọc bị khai tử không ít lần, nhưng lại được hồi sinh một cách thần kỳ sau đó. Giờ đây, tay phản diện năm nào có cả một mini-series riêng trên Disney+, thứ mà không ít siêu anh hùng ao ước. Điều này là minh chứng cho tình cảm kỳ lạ mà khán giả dành cho vị ác thần này.
Vị ác thần lấy cảm hứng từ Shakespeare
Điều gì khiến Loki trở nên hấp dẫn như vậy? Lý do đầu tiên chắc chắn đến từ Tom Hiddleston. Nam diễn viên người Anh đã truyền một sức hút phi thường cho Loki, nhưng đồng thời thuyết phục được khán giả chẳng nên tin tay Thần Lừa lọc này.
Ngoài tạo hình như bước ra từ truyện tranh, mối quan hệ thú vị giữa Loki và Thor do Chris Hemsworth thủ vai càng củng cố thêm vị thế của nhân vật. Tuy nhiên, ngoại hình và vẻ ngoài lôi cuốn chưa đủ tạo nên một ác nhân đáng nhớ. Marvel Studios và nhiều biên kịch đã góp công trong việc biến Loki trở thành cái tên được yêu mến rộng khắp như ngày hôm nay.
Loki là một nhân vật kiểu Shakespeare điển hình.
Đứa con nuôi của Odin được xây dựng để vừa là nhập vai, nhưng cũng vừa "lật tẩy" hình mẫu phản diện truyền thống. Do đạo diễn Thor (2011) là Kenneth Branagh có xuất thân từ kịch nghệ Shakespeare, ông biến Loki thành kẻ mạnh mẽ nhưng kiêu ngạo và suy đồi. Mọi ác nhân đều là người hùng trong câu chuyện của chính mình và Thần Lừa lọc tin rằng gã chính là đấng cứu thế của Asgard.
Điều này biến Loki thành một nhân vật có nhiều sắc thái. Gã luôn đứng giữa lằn ranh của sự chuộc lỗi và tà ác. Shakespeare là bậc thầy trong việc tạo ra các nhân vật phức tạp với nhiều động cơ riêng. Không có gì ngạc nhiên khi cách tiếp cận này giúp Loki luôn nhận được sự quan tâm và mong đợi từ người hâm mộ.
Nguồn gốc của những mâu thuẫn trong Loki
Loki lần đầu xuất hiện trong MCU với hình ảnh một vị thần đang cố gắng giành lấy sự chú ý của gia đình. Sau đó, chúng ta biết rằng gã luôn cảm thấy mình là người ngoài khi được Odin (Anthony Hopkins) nhận nuôi sau cuộc chiến với Khổng Lồ Băng.
Việc vua của Asgard lên kế hoạch để Loki tiếp quản Jotunheim với tư cách là người thừa kế hợp pháp đã làm mờ đi tình cảm giữa cha và con trai. Khi gã chất vấn cha rằng liệu mình có phải là "một di vật bị đánh cắp khác, bị nhốt ở đây cho đến khi có giá trị sử dụng", Odin rơi vào giấc ngủ mà không đưa ra bất cứ đáp án nào. Đây là lúc Loki quyết định hành động.
Động cơ của Loki đến từ lời nói dối của Odin.
Và giống như tất cả phản diện khác, những hành động vô tội ban đầu của Loki nhanh chóng biến thành bạo lực. Cuối phim Thor, tên ác thần tàn sát Jotunheim, ám sát anh trai. Nhưng sau đó, gã lại quyết định hy sinh khi bị Odin từ chối thêm một lần nữa. Đây là một trong những chi tiết đau lòng bậc nhất MCU.
Phần lớn thành công của Loki nằm ở cách xây dựng nhân vật ở bộ phim này. Thần Lừa lọc là một phản diện mà chúng ta có thể đồng cảm - người em trai bị bỏ rơi muốn được yêu thương và mạnh mẽ không kém gì anh mình. Loki không muốn bị đưa đến sống trong một vương quốc mà gã không có mối liên hệ nào. Chúng ta có thể không đồng tình với hành động của Loki, nhưng lại hiểu rõ lý do của nó.
Định mệnh của Loki là sự mất mát?
Marvel Studios rất biết cách đùa giỡn với tình cảm của khán giả dành cho Loki. Gã không xấu xa như Thanos (Josh Brolin) hay Joker. Điều này mở ra cánh cửa cho sự tha thứ, từ cả các nhân vật trong MCU lẫn người xem. Loki chắc chắn không vô tội khi giết 80 người ngay cả trước trận chiến cuối cùng trong The Avengers (2012). Thần Lừa lọc lên kế hoạch hãm hại anh trai trong Thor hay chỉ đường cho Hắc Tinh trong Thor: The Dark World (2013).
Mỗi hành động của Thần Lừa lọc phải trả giá bằng nỗi đau và mất mát.
Gã cũng vô tình cho phép Hela (Cate Blanchett) trở lại và phá hủy Asgard. Nhưng mỗi lần làm điều gì xấu xa, Loki đều phải trả giá bằng sự mất mát. Đơn cử như hành động dẫn đường của gã cho Hắc Tinh khiến Frigga (Rene Russo) phải bỏ mạng. Trong mini-series trên Disney+, biến thể Loki thừa nhận đã làm tổn thương những người mình yêu thương và thực sự hối hận về nhiều hành động trong quá khứ.
Loki thực sự đã trở lại Asgard để chiến đấu lại Hela. Bất chấp mọi nỗ lực giết Thor trong quá khứ, cả hai vẫn chiến đấu bên nhau và rốt cuộc lại là anh em thêm một lần nữa. Điều đáng ngạc nhiên là khi trở thành vua của Asgard, Loki đã biến thành một người cai trị nhân từ và yêu thích nghệ thuật. Ngoại trừ bức tượng vàng có phần phô trương, người dân Asgard được hưởng cuộc sống yên bình và chè chén suốt ngày trong Thor: Ragnarok (2017).
Loki là đại diện cho mỗi khán giả
Nhưng ngay khi thực sự chuộc được lỗi lầm, Loki lại bị Thanos hạ sát trong Avengers: Infinity War (2018). Và giờ đây, chúng ta có một biến thể Loki biết trước những sai sót và số phận đen tối của mình. Mini-series trên Disney+ đã khéo léo đặt nhân tính của Loki vào trung tâm câu chuyện.
Khán giả tin vào sự cứu chuộc của Loki như của chính họ.
Gã trở nên sợ hãi vì không thể đi trước Cơ quan Phương sai Thời gian (Time Variance Authority - TVA) 10 bước và biết những gì chờ đợi mình ở cuối con đường. Vị Thần Lừa lọc giờ đây phải đối mặt với việc bản thân có thể trở thành kẻ thua cuộc. Nhưng gã vấn chiến đấu, thoát khỏi nhà ngục, phát triển tính cách qua mỗi tập phim.
Khán giả hiểu được Loki bởi gã có khát vọng ngay cả khi vấp ngã. Loki như một người yếu thế mà khán giả muốn cổ vũ từ hàng ghế. Tuy là ác nhân, nhưng Thần Lừa lọc là đại diện cho mỗi người xem theo một khía cạnh nào đó. Chúng ta cảm nhận được sự bất lực, sự hối hận, sự bất an, sự thiếu kết nối với người khác, thậm chí cả là lòng tự ái hoặc hành động, của gã. Công chúng muốn Loki chiến thắng bởi đó cũng là chiến thắng của chính bản thân.