‘Trạng Tí’ - bản chuyển thể gần gũi với trẻ em của ‘Thần đồng Đất Việt’ - TrueID

‘Trạng Tí’ - bản chuyển thể gần gũi với trẻ em của ‘Thần đồng Đất Việt’

Khắc Nguyễn (TrueID)May 1, 2021

Nhờ một số sự thay đổi so với nguyên tác, Trạng Tí phiêu lưu ký tạo ra một câu chuyện đủ lớp lang để nhắm vào đối tượng khán giả nhí.

Bộ phim chuyển thể từ Thần đồng đất Việt vốn dự kiến ra rạp từ tháng 4/2020, nhưng buộc phải dời lịch do đại dịch Covid-19. Lúc này, hàng loạt lùm xùm xoay quanh quá trình sản xuất, tranh chấp bản quyền giữa Phạn Thị, họa sĩ Lê Linh và Ngô Thanh Vân bùng nổ. Trên thực tế, đây là dự án tham vọng của “đả nữ” phim Việt, với mức đầu tư sản xuất lên đến 43 tỷ đồng, và một kế hoạch lên đến năm phim.

Nội dung Trạng Tí phiêu lưu ký dựa trên năm tập truyện đầu tiên. Nhân vật chính của bộ phim là Tí (Hữu Khang) - một cậu bé thông minh, mưu mẹo, nhưng lại không có cha. Mẹ của Tí là Hai Hậu (Oanh Kiều) kể cho con nghe câu chuyện cô nằm ngủ quên trên tảng đá, rồi mang thai lúc nào không hay.

Song, Tí vẫn luôn bị bạn bè trong làng trêu chọc là con hoang. Nghe tin thầy Thích Thông Tuệ (Trung Dân) trên chùa Phật Quang biết hết mọi chuyện, cậu cùng nhóm bạn thân gồm Sửu (Bảo Tiên), Dần (Hoàng Long) và Mẹo (Đức Anh) quyết tâm đến tìm thầy để hỏi cha mình là ai.

Chuyến phiêu lưu tưởng chừng đơn giản trở thành thảm họa khi nhóm trẻ bị tướng cướp Ba Ba (Hoàng Phi) bắt giữ. Gã âm mưu lợi dụng trí thông minh của Tí để giải câu đố trên đền Thần Hổ, cướp đi kho tàng quý giá. Nếu không giải được, chính Tí cũng sẽ tan biến thành tro bụi.

Nỗ lực trong khâu sản xuất

Với mốc thời gian không xác định trong quá khứ, ê-kíp Trạng Tí tỏ ra kỳ công trong việc xây dựng bối cảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam xưa. Đoàn phim đã mất hơn ba tháng để tái hiện làng Phan Thị như trên trang truyện với quán ăn của bà Tám Tiền, những căn chòi vách lá mái tranh, đình làng...

Phim cũng tận dụng tốt những cảnh đẹp của nước nhà như đầm Vân Long (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình) và Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Đây đều là những địa điểm còn hoang sơ với núi non hùng vĩ, đồng xanh bát ngát. Những góc quay toàn cảnh xuất hiện nhiều lần nhằm mang đến loạt khung hình đẹp nên thơ.

null

Trạng Tí phiêu lưu ký ghi điểm ở mảng kỹ thuật.

Phần tạo hình nhân vật cũng tỏ ra bám sát nguyên tác. Trang phục mang đậm dấu ấn văn hóa thời Hậu Lê và nhà Nguyễn. Tác phẩm sở hữu phần nhạc nền bắt tai do nhạc sĩ Đức Trí thực hiện. Chúng được lồng ghép khéo léo để tăng sự kịch tính của cảnh phim hay nhiều cung bậc cảm xúc khác.

Yếu tố kỹ xảo của Trạng Tí chưa thực sự tốt so với các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Song, nếu tính mặt bằng chung phim Việt, tác phẩm của Phan Gia Nhật Linh là một bước tiến khi phần cử động của các vị thần tương đối mượt mà và kết hợp tốt với môi trường xung quanh.

Câu chuyện phù hợp với thiếu nhi

Thần đồng Đất Việt vốn đa phần là những câu chuyện ngắn hài hước hoặc lấy từ các điển tích dân gian Việt Nam. Tí trong truyện thực chất là Văn Tinh Quân trên trời phái xuống nên được người dân trong làng yêu mến. Cậu từ đó mà giúp mọi người trừ gian diệt ác bằng mưu mẹo, trí thông minh.

Phiên bản điện ảnh có chút thay đổi khi câu chuyện Văn Tinh Quân là do Tí nghĩ ra để tự giải thích xuất thân. Song, cậu vẫn bị bạn bè trêu chọc chuyện không có cha. Ban đầu, Tí luôn tỏ ra đau khổ vì việc này và bất chấp tất cả chỉ để tìm ra đáp án.

null

Khán giả trẻ em sẽ cảm thấy thoải mái với nội dung phim.

Tí thậm chí còn làm tổn thương bạn bè sau khi chịu quá nhiều uất ức. Song, hành trình của nhóm trẻ lên chùa Phật Quang mang đến nhiều bài học về tình bạn, tình thân, giúp cậu nhận ra sự yêu thương, hy sinh của mẹ mới là điều đáng quý nhất.

Đây là sự thay đổi khá hợp lý khi nhân vật chính có sự trưởng thành và phát triển rõ rệt từ đầu đến cuối. Nội dung Trạng Tí tương đối đơn giản, tuyến tính và phù hợp với đối tượng khán giả nhỏ tuổi. Nút thắt cuối phim cũng không quá bất ngờ mà có thể đoán được từ sớm.

Bù lại, tác phẩm mang đến sự kịch tính thông qua các tình huống khó khăn mà bộ tứ gặp phải. Tí được dịp trổ tài như vớt bưởi, trừng trị tay ăn quịt, đo chiều cao cây hay giải câu đố hóc búa của đền Thần Hổ. Thời lượng giữa cảm xúc và hành động được phân bổ tốt, giúp nhịp phim không bị loãng.

Một số phân đoạn hành động đến từ băng cướp của Ba Ba và Tiểu Tị (Hoàng Duy) có sự hấp dẫn nhất định. Ngoài ra, phim cũng thêm vào yếu tố phép thuật kỳ ảo so với nguyên tác để tạo ra một thế giới cổ tích cho trẻ em.

Diễn xuất tốt của dàn diễn viên nhí

Đa số dàn diễn viên nhí trong Trạng Tí là những cái tên đã quen thuộc với khán giả. Hữu Khang từng góp mặt trong Chú ơi, đừng lấy mẹ con (2017) nên không gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện sự chuyển biến tâm lý khá phức tạp của Tí.

Hoàng Long có nét mặt đáng yêu và ngây ngô nên khá hợp vai Dần béo ham ăn nhưng tốt bụng và tin người. Mẹo của Đức Anh có đôi lúc xấu tính đến phát ghét, nhưng thực chất vẫn luôn quan tâm bạn bè. Đây là hai nhân vật tạo ra nhiều tiếng cười trong phim qua những đoạn hội thoại “lầy lội”.

null

Các diễn viên nhí trong phim có phần diễn xuất tốt.

Kim Thư có kinh nghiệm diễn xuất nhiều nhất khi từng xuất hiện trong hai phần phim NắngHoán đổi (2017). Cô bé diễn tốt hai vai, gồm Mùi anh nóng nảy, xấu tính và Mùi em dịu dàng, luôn tủi thân do không được yêu thương và bị giằng xé giữa bạn bè với gia đình.

Dàn diễn viên nhí cũng rất lăn xả khi thực hiện những cảnh hành động, rượt đuổi giữa rừng hay trên suối vào nửa đêm.

Nhìn chung, Trạng Tí là một tác phẩm tốt, chỉn chu so với những bộ phim thiếu nhi khác ở Việt Nam. Nếu bỏ qua những lùm xùm ngoài lề, phim xứng đáng được thưởng thức một cách trọn vẹn, thoải mái nhất.

Tin liên quan:

null   null
‘Trạng Tí phiêu lưu ký’ - sáng tạo hay vay mượn?   Huy Trần theo sát Ngô Thanh Vân ở sự kiện ra mắt phim
Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...