Vì sao phim kinh dị ‘Ghost Lab’ của Thái Lan đáng chú ý? - TrueID

Vì sao phim kinh dị ‘Ghost Lab’ của Thái Lan đáng chú ý?

Khắc Nguyễn (TrueID)May 27, 2021

Tác phẩm lấy đề tài tìm kiếm hồn ma của hãng GDH hứa hẹn tạo nên cơn sốt khi lên sóng dịp cuối tuần này.

Do hãng phim danh tiếng Thái Lan GDH thực hiện, Ghost Lab (Phòng thí nghiệm ma) vốn được lên kế hoạch ra rạp vào cuối năm 2020. Song, phim buộc phải dời lịch và chuyển lên phát hành trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây dường như là một lợi thế khi giúp tác phẩm có cơ hội tiếp cận với khán giả thế giới dễ hơn nếu so với cách phát hành phim truyền thống.

Đề tài đặc sắc kế thừa di sản của hãng phim GTH

Trên thực tế, ý tưởng sản xuất Ghost Lab bắt đầu từ năm 2012, khi GDH vẫn còn mang tên cũ là GTH. Lúc này, hãng tổ chức một buổi hội thảo cho các nhà làm phim thế hệ mới để họ có cơ hội bắt cặp và cho ra đời các tác phẩm ngắn.

Đạo diễn Golf Paween Purijitpanya - người từng thực hiện Body (2007) và Phobia (2009) - về cùng đội với Nawapol Thamrongrattanarit - biên kịch của Bangkok Traffic (2009) và The Billionaire (2011).

null

Ghost Lab dựa trên ý tưởng năm xưa của Golf Paween Purijitpanya và Nawapol Thamrongrattanarit.

Cả hai nghe đồn rằng căn phòng khách sạn của đạo diễn Pakphum Wonjinda từng là nơi thực hiện bộ phim kinh dị Shutter (2004). Golf đề nghị họ nên tới đó ngủ thử một đêm để lỡ có gặp ma thì sẽ hỏi ý tưởng làm phim dự thi.

Đây cũng chính là đề tài độc đáo của Ghost Lab khi tác phẩm đi ngược lại dòng phim kinh dị truyền thống. Thông thường, các nhân vật ở trong trạng thái trốn chạy khỏi sự săn đuổi của hồn ma. Nhưng bác sĩ Kla (Ice Paris Intarakomalyasut) và Vee (Tor Thanapob Leeluttanakajorn) trong phim lại cố gắng tìm ma để thỏa mãn trí tò mò.

Ngoài ra, tác phẩm còn cho thấy sự xung đột giữa khoa học và mê tín. Ghost Lab cuối cùng giành chiến thắng và nhận được suất phát triển thành một phim điện ảnh thực thụ. Song, vì Nawapol Thamrongrattanarit phải làm Heart Attack (2015), Golf đành theo đuổi dự án một mình và phải mất gần 10 năm mới hoàn tất.

Cách xây dựng nhân vật thú vị

Tuy đạo diễn không lên tiếng xác nhận, khán giả cũng dễ dàng nhận ra hai nhân vật Kla và Vee được mô phỏng theo chính Golf Paween Purijitpanya và Nawapol Thamrongrattanarit trong buổi hội thảo năm ấy.

null

Hai nhân vật chính trong phim có hình mẫu giống hai đạo diễn năm xưa.

Kla có tính cách hung hãn. Anh quan tâm tới việc tìm ma do từng nhìn thấy một linh hồn khi còn nhỏ. Nhưng dẫu theo đuổi nghề bác sĩ, thường xuyên thấy bệnh nhân cận kề cái chết, Kla vẫn chưa từng gặp ma thêm một lần nào nữa. Nhân vật trở nên bị ám ảnh với chuyện này như chính đạo diễn Golf. Thậm chí, trước lúc ghi hình, anh cũng thầm cầu mong có hồn ma xuất hiện thật.

Trong khi đó, Vee là con người hướng nội và tin vào khoa học. Anh luôn bình tĩnh với vẻ ngoài nghiêm túc, mang hơi hướm của một “mọt sách”. Bản thân Vee cũng có sự ngờ vực về ma và từng trông thấy nhiều linh hồn. Song, vị bác sĩ này lại muốn lý giải mọi chuyện dựa trên khoa học. Sự xung đột tính cách và mục đích giữa hai người bạn tạo nên nhiều tình tiết thú vị cho phim.

Đầu tư kỹ lưỡng về mặt khoa học

Ý tưởng giải thích thế giới bên kia bằng khoa học giúp Ghost Lab trở nên nghiêm túc hơn những bộ phim kinh dị khác. Golf đã liên hệ với một nhà khoa học Thái Lan làm việc ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, để nhờ hỗ trợ các bài nghiên cứu về hậu kiếp. Bản thân anh từng theo học khóa TEDxASU ở Mỹ về Nguyên mẫu Bất khả thi.

null

Golf đã áp dụng nhiều kiến thức khoa học trong phim.

Golf khẳng định rằng những tài liệu mình sử dụng từng được nhiều tổ chức lớn của Mỹ - như CIA - nghiên cứu. Ngoài ra, do hai nhân vật chính trong phim là bác sĩ, họ cũng cần có kiến thức y khoa nhất định. Anh đã tiếp cận một bác sĩ tại bệnh viện Siriraj cũng đang nghiên cứu về ma quỷ và nhờ hướng dẫn cho Ice, Tor trong quá trình quay phim.

Vượt hệ thống kiểm duyệt Thái Lan để vươn tầm thế giới

Ghost Lab là bộ phim điện ảnh Thái Lan đầu tiên được phát hành trực tuyến trên quy mô toàn cầu. Golf tin rằng đây không chỉ là cơ hội cho tác phẩm, mà còn là cả nền điện ảnh xứ Chùa Vàng.

null

Ghost Lab là bộ phim đầu tiên của Thái Lan phát hành trực tuyến trên thế giới.

Anh thừa nhận nếu phát hành theo kiểu truyền thống, bộ phim có thể bị can thiệp nội dung trước khi ra rạp. Bởi lẽ, việc giải thích hồn ma dưới góc độ khoa học còn mang nhiều ý nghĩa đạo đức và tôn giáo. Việc giữ trọn những cảnh quay giúp Ghost Lab truyền tải được đúng ý đồ mà Golf mong muốn.

Chất lượng hình ảnh, âm thanh hiện đại

Golf khẳng định Ghost Lab có chất lượng như một bộ phim chiếu rạp đúng nghĩa. Bộ phim được hỗ trợ hình ảnh, âm thanh với chất lượng cao nhất trên hệ thống trực tuyến. Đây cũng là bộ phim Thái Lan đầu tiên được sản xuất với Dolby Vision - công nghệ hình ảnh HDR mang đến màu sắc, độ sắc nét và độ sáng vượt trội cho màn hình.

null

Phim có chất lượng hình ảnh và âm thanh vượt trội nhờ công nghệ hiện đại.

Vị đạo diễn cũng khuyến khích sử dụng hệ thống loa tốt nhất. Bởi lẽ, dù khán giả có thể không thấy bóng ma nào, chính âm thanh trong phim cũng đủ tạo ra cảm giác rùng rợn, kịch tính.

Phần âm thanh của Ghost Lab được thực hiện bởi Varut Opaswatanakul, Warat Prasertlap và Traithep Wongpaiboon. Họ là người đứng sau những tác phẩm như Shutter, Bad Genius (2017), cũng như tham gia các tựa game đình đám của Mỹ như Ghost of Tsushima: Legends DLC (2020), God of War (2018), Days Gone (2019), Death Stranding (2019), Demon’s Souls Remake (2020) hay Returnal (2021).

Ghost Lab lên sóng Netflix từ ngày 26/5.

Tag liên quan:
Ghost Lab
Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...