Theo tạp chí Variety, Amazon đã trải qua nhiều tuần đàm phán nhằm mua lại hãng MGM với giá 9 tỷ USD.
Cuối tháng 12/2020, tạp chí Variety xác nhận MGM đang tìm kiếm người mua. Cuối tuần trước, thông tin về cuộc đàm phán giữa Amazon và MGM bắt đầu lan tỏa với trị giá hợp đồng rơi vào khoảng 7-10 tỷ USD. Thỏa thuận được cho là do Mike Hopkins, Phó Chủ tịch cấp cao của Amazon Studios và Prime Video, trực tiếp dàn xếp với CEO của MGM là Kevin Ulrich.
Thông tin trong ngành cho hay các đại diện của MGM đã rỉ tai nhau về một người mua tiềm năng ở mức giá 9 tỷ USD. Song, nhiều người khác cho rằng công ty thực chất chỉ đáng giá 5 tỷ USD.
Amazon đang đầu tư lớn cho Prime Video qua các series ăn khách như The Boys.
Thời gian gần đây, Amazon đang tập trung hơn cho mảng giải trí. Tuần trước, gã khổng lồ ngành thương mại điện tử đã mời cựu Giám đốc Điều hành cấp cao Jeff Blackburn trở lại trong vai trò mới là giám sát một nhóm giải trí và truyền thông hợp nhất toàn cầu.
Hệ thống phim trực truyến Amazon Prime hiện có hơn 200 triệu thành viên đăng ký trên toàn thế giới. Gần đây, Jeff Bezos đã nói với các nhà đầu tư rằng 175 triệu trong số đó đã theo dõi nội dung trên Prime Video trong năm qua. Công ty rõ ràng muốn biến đây trở thành thói quen lớn hơn đối với khách hàng trên toàn thế giới.
Một cách nhanh chóng để hiện thực hóa điều đó chính là tích hợp kho phim khổng lồ MGM vào thư viện. Hãng sản xuất này hiện đang sở hữu tới 4.000 tựa phim, với các thương hiệu lớn như 007, The Hobbit, Rocky, Creed, RoboCop hay Pink Panther, cũng như các bộ phim nổi tiếng như The Silence of the Lambs (1991), The Magnificent Seven (2016) hay Four Weddings and a Funeral (1994).
MGM sở hữu thư viện phim đồ sộ với các thương hiệu lớn như James Bond, The Hobbit...
Hãng cũng sở hữu 17.000 đầu series truyền hình như Stargate SG-1, Stargate Atlantis, Stargate Universe, Vikings, Fargo, The Handmaid’s Tale, Get Shorty, Condor, Fame, American Gladiators, Teen Wolf, In the Heat of the Night... Các chương trình truyền hình giải trí có thể kể đến như The Voice, Survivor, Shark Tank, The Real Housewives of Beverly Hills...
Đối với Amazon, truyền thông là một phần tương đối nhỏ trong đế chế khổng lồ, nhưng lại đại diện cho bộ phận kinh doanh đang trên đà phát triển nhanh chóng. Vào năm 2020, công ty đã chi 11 tỷ USD cho các series truyền hình, phim ảnh và âm nhạc cho Prime Video - tức tăng 40% so với năm trước đó.