Thấy gì qua những cảnh sắc dục trong 'Đạo diễn trần trụi' và 'Sex/Life'? - TrueID

Thấy gì qua những cảnh sắc dục trong 'Đạo diễn trần trụi' và 'Sex/Life'?

Phúc Nguyễn (TrueID)July 15, 2021

Những cảnh nóng khiến người xem đỏ mặt, cốt truyện gây tranh cãi về giá trị của đạo đức, tất cả dường như giúp hai loạt phim The Naked DirectorSex/Life thi nhau bám trending trên nền tảng Netflix.

The Naked Director - lát cắt về ngành công nghiệp phim người lớn

The Naked Director (tựa Việt: Đạo diễn trần trụi) kể về hành trình của Muranishi Toru, người từng là một tay bán sách giáo khoa nghèo xác xơ, bị vợ bỏ chỉ bởi không thể làm cho vợ “lên đỉnh”.

Biến cố lại trở thành cơ duyên, truyền cảm hứng để người đàn ông tạo nên một đế chế phim người lớn đầy mùi tiền trong mùa một. Ngoài những cảnh nóng trần trụi đến mức khiến người xem phải đỏ mặt, mùa thứ hai tiếp tục thu hút khán giả bằng câu chuyện về tham vọng và quyền lực của Muranishi Toru khi “ông hoàng JAV” nghiễm nhiên trở thành cái gai trong mắt của các công ty khác.

Đứng trước vinh quang, Toru cũng ngày càng bộc lộ rõ bản chất, đồng thời vạch ra cho khán giả thấy bức màn phía sau những thước phim nóng có trị giá lên tới hàng triệu USD.

null

Khai thác một phần mặt tối của ngành công nghiệp phim người lớn Nhật Bản, hai mùa phim Đạo diễn trần trụi được báo chí quốc tế đánh giá rất cao.

Không chỉ giữ chân khán giả bằng những cảnh nóng trần trụi, chỉ số tăng dần trên IMDb cho thấy sức hút của The Naked Director còn nằm ở câu chuyện về tham vọng của Muranishi Toru. Nắm tiền và quyền lực trong tay, Toru khoác lên mình bộ giáp “giải phóng phụ nữ”. Gã không thể làm cho vợ thỏa mãn, nhưng có thể chỉ đạo các diễn viên biểu cảm như thật trên phim. Cái mác “trao quyền” cho phụ nữ thoải mái biểu đạt cảm xúc với tình dục trước máy quay đã bao che những hành vi quấy rối, bao gồm cả việc quan hệ với trẻ dưới vị thành niên và cho rằng đó chỉ là “một tai nạn”.

Trên Rotten Tomatoes, 95% bài đánh giá về The Naked Director là tích cực. Điều đó cho thấy tác phẩm là sân chơi dành cho những tài năng và lối kể chuyện trào phúng. Thời lượng cảnh nóng của mùa hai ít hơn mùa một, nhường chỗ cho những xung đột và hành trình chuyển biến tâm lý trong nhân vật.

Những giá trị đạo đức của con người bị thách thức trong vòng xoáy của tiền và tình dục, đi kèm với cuộc tranh cãi về giá trị văn hóa Đông Tây, rào cản về chính sách. Tất cả giúp cho The Naked Director giữ được sức hút và xô đổ nhiều kỷ lục trên Netflix tại khu vực châu Á.

Hơn nữa, hành trình của các nhân vật được đan xen khéo léo, giúp tạo ra một bức tranh hoàn hảo cho những cuộc đối đầu xuyên suốt loạt phim. Mô-típ kể chuyện song song kết lại bằng những cú chạm khốc liệt nhất khiến khán giả có thể đưa ra những quan điểm riêng cho từng nhân vật.

Sex/Life - khi ham muốn tình dục cổ xúy cho việc ngoại tình

Trong Sex/Life, Billie là người phụ nữ có hết tất cả: chồng đẹp, con khôn, gia đình ấm êm, cuộc sống viên mãn. Tuy nhiên, Billie lại không thỏa mãn trong chuyện chăn gối giữa vợ chồng khi cô từng có một quá khứ hoang dại với “tất cả tư thế Kama Sutra”, phóng đãng với cảm xúc. Bởi vậy, cô càng ngày trở nên chán chường.

“Cơ duyên” khiến cho tay bạn trai cũ Brad xuất hiện. Đó là gã trai phóng khoáng từng sẵn lòng chiều Billie theo mọi phong cách mà cô muốn. Những cảm xúc, tư tưởng về “kẻ chiều chuộng thứ 3” được ẩn giấu dưới những dòng chữ không cài mật khẩu.

null

Sex/Life đang hứng chịu vô số chỉ trích. Nhiều người thậm chí gay gắt cho rằng series quá rẻ tiền.

Bộ phim phần nào thành công trong việc “hoán đổi” vai trò của phụ nữ và đàn ông trong xã hội hiện đại. Nhưng chính nó lại dùng sự ham muốn tình dục của phái đẹp để cổ xúy cho sự thiếu chung thủy. Trái ngược với The Naked Director, Sex/Life nhận “cà chua thối” trên Rotten Tomatoes với mức điểm 28%. Tờ Vanity Fair đặt câu hỏi loạt phim “tốn thời gian hay kịch bản quá tệ?”, còn các diễn đàn về phái đẹp liên tục chỉ trích tác phẩm truyền hình.

Có lẽ biên kịch muốn Sex/Life đưa ra tiếng nói của phụ nữ về nhu cầu của họ. Nhưng việc khiến cho Billie nhìn đâu cũng thấy rạo rực, sẵn lòng bỏ qua những giá trị đạo đức chỉ để được thỏa “điểm G” đã khiến cho thông điệp ấy trở nên kém duyên, thậm chí phản cảm.

“Không che” vì phụ nữ?

Với những phong trào trao quyền cho phụ nữ ngày càng phát triển, các nhà làm phim đã tận dụng một cách triệt để việc đưa chủ đề tình dục lên màn ảnh. Tuy nhiên, có một lằn ranh mỏng manh giữa “bộc lộ ham muốn văn minh” và “tình dục hóa phụ nữ”. The Naked Director cho phụ nữ tự tin bộc lộ cảm xúc để che đậy hành vi quấy rối, thì Sex/Life cũng gây tranh cãi khi ủng hộ ngoại tình. 

Và khi những bộ phim về phái đẹp lại khiến chính phụ nữ cảm thấy khó chịu, việc “trao quyền” biến những ham muốn bình thường trở nên kém văn minh.

Nếu theo dõi The Naked Director mùa đầu tiên, người xem dễ nhận ra đây là phát súng táo bạo của Netflix cho dòng phim nhiều cảnh nóng. Cảnh nóng luôn có một sức hút khủng khiếp và các cutscene trần trụi từ tác phẩm dễ dàng kiếm được triệu view từ các mạng xã hội, qua đó PR cho các tựa phim kiểu này.

null

Những bộ phim 18+ khiến khán giả đỏ mặt sẽ tiếp tục là vũ khí lợi hại của Netflix, đồng thời gây ra những tranh cãi không ngớt trên mạng xã hội.

Công chúng chưa có câu trả lời rõ ràng rằng liệu Netflix có tiếp tục làm mùa ba cho The Naked Director hay mùa hai cho Sex/Life hay không. Nhưng Sex/Life thì cứ thế tiếp tục leo top trending nhờ cutscene lộ hàng của một nhân vật nam. Series Bridgerton về chuyện tình thời phong kiến Anh quốc đẹp như mơ gây sốt bởi tràn ngập những cảnh ái ân có-một-không-hai của đôi nhân vật chính. Chưa kể, các phim dành cho Gen Z như Elite, Sex Education hay Riverdale cũng thoải mái đề cập đến những chủ đề 18+.

Dù thế nào, các series táo bạo sẽ còn tiếp tục gây ra những cuộc tranh luận bất tận trên mạng xã hội. Nhưng cũng nhờ chúng mà khán giả nay có thước đo giá trị riêng cho mình. Các loạt phim 18+ sẽ còn tiếp tục gây sốt và khán giả lại được dịp nêu lên những quan điểm cá nhân về tình dục - chủ đề luôn tạo ra những ý kiến trái chiều bất kể văn hóa Đông Tây.

Đọc thêm
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...