Đêm tối rực rỡ gói gọn câu chuyện trong đêm cuối của đám tang cụ Sáng, một người lắm tiền nhiều của và có thanh thế ở Sài Gòn. Vợ chồng con trai cụ, ông Toàn - bà Gái, cùng ba cháu nội Hoàng, Thanh, Bảo, cháu dâu Ngọc và các chắt nội tề tựu chịu tang báo hiếu. Bề ngoài, họ xây dựng hình ảnh con cháu hiếu thảo lo đám tang chu toàn. Còn thực tế, người mong chờ được chia gia sản, kẻ run rẩy lấp liếm nợ nần.
Bi kịch tang gia
Tựa đề phim gợi mở hai lớp nghĩa đối lập. Nó phản ánh hiện thực của những đám tang truyền thống Nam bộ - kéo dài nhiều ngày, bài trí màu sắc, có đoàn ca múa với quan niệm làm vậy để vui lòng người đã khuất. Đồng thời, nó cũng châm biếm gia cảnh của các nhân vật: Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại, và nếu chỉ toàn xấu, chẳng có gì đẹp, họ cũng cố tô vẽ để giấu đi bộ mặt thật của mình.
Trong không gian đám tang, ban thờ và linh cữu cụ Sáng giống như ranh giới hai nửa nhân cách của con cháu cụ. Phía trước ban thờ, họ thể hiện tình thương mến thương để làm đẹp mặt gia đình. Bao nhiêu cuộc xung đột được đẩy hết ra phía sau nhà, nơi người ngoài không chạm chân tới.
Nhiều vấn đề gia đình người Việt được khắc họa trong phim 'Đêm tối rực rỡ'.
Con cái tranh chấp tài sản khi cha mẹ nằm xuống không còn là chuyện mới trong điện ảnh. Bộ phim này đặc biệt ở chỗ cụ Sáng chỉ có độc một người con. Sự tranh chấp ở đây nảy sinh giữa ông Toàn với những người con mà vợ chồng ông rứt ruột đẻ ra.
Càng đào sâu vào chuyện nhà ông Toàn - bà Gái, kịch bản càng lột tả nhiều sự rẻ mạt trong tâm tính con người. Chồng ôm sổ đỏ bỏ trốn, để lại nợ nần cho vợ. Bố ép con gánh nợ, không quên lừa thêm 300 triệu đồng làm của riêng. Anh trai dùng hàng hiệu, đi xe sang nhưng lừa các em chỉ ba triệu đồng.
Sự bạo hành thể xác lẫn tinh thần dần lộ diện, đan xen hiện tại và quá khứ. Chồng đánh vợ. Cha mẹ đánh con. Ông đánh cháu. Con gái oán trách cha mẹ. Đi kèm với bạo hành, phim phơi bày nhiều vấn nạn thường gặp trong xã hội Việt Nam: Trọng nam khinh nữ, trầm cảm, nợ nần, tính nhu nhược của người đàn ông, lòng toan tính của người đàn bà. Ba thế hệ trong gia đình không ai lành lặn tâm lý. Mỗi người đều mang những vết sẹo, đều phạm sai lầm nhưng cũng đều đáng thương.
Đám tang càng rực rỡ, nhiều điều tăm tối càng bị phơi bày.
Từ trailer, Đêm tối rực rỡ đã dự báo một câu chuyện điện ảnh đầy sức nặng. Nhưng khi xem phim, khán giả có thể vẫn bất ngờ trước tính khốc liệt của phim. Phim khắc họa một cách thú vị sự bất ổn tâm lý, thói quen đày đọa bản thân của người trầm cảm. Các cảnh đánh đập không rõ ràng về hình ảnh nhưng gợi cảm giác bạo lực.
Ra mắt trùng hợp những ngày bạo hành gia đình, trầm cảm và tự sát gây chú ý dư luận, Đêm tối rực rỡ mang đến thêm một góc nhìn về các vấn đề này, nhắn nhủ mọi người chống lại bạo lực gia đình và quan tâm tới sức khỏe tinh thần lẫn nhau.
Điểm yếu của tác phẩm là tham lam chi tiết, đề cập quá nhiều vấn đề, dễ làm người xem mệt mỏi. Hơn nữa, các vấn đề chủ yếu được tường thuật bằng thoại thay vì tình huống và không phải vấn đề nào cũng được giải đáp gãy gọn trên phim. Một số tình huống khiên cưỡng hoặc vô lý.
Góc nhìn Việt của đạo diễn Tây
Tác giả của phim Đêm tối rực rỡ là nhà làm phim người Mỹ - Aaron Toronto. Anh sống ở Việt Nam gần 20 năm, nói tiếng Việt tốt, từng đóng vai phụ trong nhiều phim nhưng đây là lần đầu thực hiện được giấc mơ đạo diễn.
Vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto - diễn viên Nhã Uyên tại buổi công chiếu phim 'Đêm tối rực rỡ'.
Qua bộ phim, Aaron Toronto cho thấy khả năng quan sát tỉ mỉ và tình yêu lớn dành cho quê hương thứ hai. Chất liệu, đề tài và tình huống trong phim thấm đẫm tinh thần Việt. Không chỉ có đám tang khá bám sát thủ tục ngoài đời, không gian nhà ở, không khí làng xóm cũng được đưa từ đời vào phim.
Căn nhà cũ trên phim gợi mùi ẩm mốc và sự dơ bẩn, cho thấy các thành viên gia đình ít khi về đây, không chăm nom và chỉ coi đây là chốn tạm bợ trong mấy ngày tang lễ. Nó cũng ẩn dụ cho sự nhơ nhớp trong bản tính mỗi con người. Trong khi phần lớn phim Việt hiện giờ chăm chút bối cảnh đẹp đẽ, Đêm tối rực rỡ thuyết phục về thiết kế bối cảnh.
Các nhân vật nữ trong phim được trang điểm phong cách "mắt xanh mỏ đỏ", phần thể hiện sự lố lăng của một tang gia, phần ngụ ý gia đình ông Toàn - bà Gái từng rất giàu về vật chất nhưng không sang về tinh thần. Ánh sáng và âm nhạc mang tính thẩm mỹ, đạt hiệu quả trong dẫn dắt cảm xúc. Kém thuần Việt nhất trong phim là lời thoại. Ngôn từ không thuận văn nói người Việt, lời ăn tiếng nói không đúng giữa người một nhà.
Các diễn viên nữ được 'họa mặt' phong cách lòe loẹt.
Dàn diễn viên diễn cảm xúc tốt nhưng gây tiếc nuối ở đài từ. Diễm Phương (vai con dâu), Kim B (vai con gái út) và một số diễn viên phụ nói thoại cứng, âm sắc lơ lớ. Tròn vai nhất là Nhã Uyên (vai con gái thứ) - vợ của đạo diễn, cũng là đồng biên kịch, nhà sản xuất của phim.
Trước khi ra rạp ở Việt Nam từ ngày 8/4, Đêm tối rực rỡ đã thắng hai giải "Câu chuyện xuất sắc" và "Nữ diễn viên xuất sắc" (Nhã Uyên) tại Liên hoan phim Santa Fe - Mexico.