Sở hữu phần kỹ xảo hoành tráng, nhưng tác phẩm do đạo diễn Adam Wingard thực hiện chưa thể khắc phục được điểm yếu cố hữu nằm ở phần nội dung của MonsterVerse.
Godzilla vs. Kong là bộ phim thứ tư thuộc vũ trụ quái vật MonsterVerse do hãng Legendary sản xuất. Tác phẩm đồng thời đánh dấu lần đụng độ thứ hai giữa hai quái vật huyền thoại đến từ Mỹ và Nhật Bản trên màn ảnh rộng.
Ở King Kong vs. Godzilla (1962) do hãng Toho thực hiện, chúng có kết quả hòa. Do đó, tác phẩm của đạo diễn Adam Wingard được đông đảo người hâm mộ trông đợi bởi họ muốn xem ai mới xứng đáng với biệt danh “vua quái thú”.
Godzilla vs. Kong là bộ phim thứ tư trong vũ trụ quái vật MonsterVerse. Ảnh: Warner Bros.
Nội dung Godzilla vs. Kong lấy bối cảnh ba năm sau Godzilla: King of the Monsters (2019). Cuối phần trước, Godzilla được cho là đang tiến đến đảo Đầu Lâu để “tỉ thí” với Kong nhằm xác định ai mới là kẻ đứng đầu các Titan. Để ngăn cuộc chiến tàn khốc xảy ra, tiến sĩ Ilene Andrews (Rebecca Hall) thuộc tổ chức Monarch cho xây một khu phức hợp nhằm bảo vệ Kong.
Lúc này, Godzilla bỗng nhiên tấn công nhiều nơi trên thế giới mà không có lý do cụ thể, trong đó có một cơ sở của Apex. Người đứng đầu tập đoàn này - Walter Simmons (Demián Bichir) - bèn nhờ cậy tiến sĩ Nathan Lind (Alexander Skarsgård) dẫn đầu chuyến thám hiểm vào Trái Đất Rỗng nhằm tìm ra nguồn năng lượng đủ sức khắc chế Godzilla.
Lind cho rằng đây cũng chính là quê hương của Kong và tìm đến Ilene nhờ giúp đỡ. Thông qua cô bé khiếm thính Jia (Kaylee Hottle) - người duy nhất có thể giao tiếp với Kong, tất cả lên đường tiến vào Trái Đất Rỗng.
Song, ngay khi Kong rời khỏi khu nuôi nhốt trên đảo Đầu Lâu, Godzilla bất ngờ xuất hiện và khiến tất cả lâm nguy.
Ở bộ phim trước của MonsterVerse, cuộc chiến giữa các loài quái thú đôi khi bị ngắt quãng bởi con người hay chỉ được thể hiện ở góc nhìn tương đối hẹp. Điểm yếu này đã bị loại bỏ trong Godzilla vs. Kong. Đạo diễn Adam Wingard hiểu rõ người hâm mộ muốn gì và dồn sức cho phần hình ảnh.
Bộ phim chiêu đãi người xem những trường đoạn đụng độ mãn nhãn và kéo dài giữa Godzilla và Kong. Chúa tể của đảo Đầu Lâu nay có chiều cao tương đồng đối thủ với sức mạnh phát triển, tốc độ nhanh nhẹn và sự dẻo dai của loài khỉ. Trong khi đó, Godzilla vẫn là kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn cổ đại với chiếc đuôi khó lường và chiêu “Hơi thở Nguyên tử” bá đạo.
Bộ phim đem đến phần kỹ xảo hình ảnh mãn nhãn. Ảnh: Warner Bros.
Trong Godzilla: King of the Monsters, các quái thú chủ yếu so kè năng lượng. Còn trận chiến ở tác phẩm lần này tỏ ra ác liệt hơn khi thiên về cơ bắp. Cả Kong lẫn Godzilla liên tục có những đòn thế hiểm ác, nhắm thẳng vào điểm yếu của kẻ thù và tung sức không hề khoan nhượng. Cả hai đều biết cách tận dung thế mạnh của bản thân để khắc chế đối phương với tốc độ dồn dập và nghẹt thở.
Phần kỹ xảo trong phim được đầu tư rất công phu để tạo ra những thước phim cháy nổ hoành tráng. Chi tiết ấn tượng nhất là khi cả một thành phố với vô số tòa nhà cao tầng bị cày nát bởi màn đụng độ ác liệt. Phần âm nhạc do Junkie XL sản xuất càng khiến mỗi cảnh quay càng thêm gay cấn và đậm chất bi tráng.
Godzilla vs. Kong là bộ phim có thời lượng ngắn nhất trong MonsterVerse khi kéo dài chưa đầy 120 phút. Trong đó, phần lớn nội dung được dành cho các cảnh hành động. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi cốt truyện bộ phim tương đối nhạt nhòa.
Tác phẩm tỏ ra thiếu liên kết với Godzilla: King of the Monsters khi dàn Titan đông đảo trước đây bỗng nhiên biến mất. Phim cũng thất bại trong việc khắc họa mối thù giữa hai quái thú, cũng như lý do tổ chức Monarch phải bảo vệ Kong.
Godzilla vs. Kong thiếu kết nối, thậm chí có những tình tiết mâu thuẫn, với các phần trước. Ảnh: Warner Bros.
Không những vậy, Godzilla vs. Kong còn tỏ ra tham vọng trong việc đặt nền móng cho các bộ phim sau này thông qua Trái Đất Rỗng. Theo lý thuyết đó, trung tâm Trái Đất là một hệ thống hang động kết nối với nhau và dẫn đến vùng đất khổng lồ vốn là quê hương của mọi loài Titan. Đây là điều từng được nhiều phần phim trước nhắc đến.
Song, ngoài bối cảnh hoành tráng, mọi thứ còn lại chỉ được thể hiện một cách sơ sài. Nguồn năng lượng bí ẩn từ lòng đất, mối liên kết với Godzilla hay tổ tiên Kong đều chưa được giải thích rõ ràng.
Một điểm yếu của MonsterVerse mà Godzilla vs. Kong chưa thể khắc phục chính là yếu tố con người. Phim vẫn nhồi nhét quá nhiều tuyến nhân vật mà không trao cho họ vai trò cụ thể.
Đầu tiên, Madison Russell (Millie Bobby Brown) trở lại từ Godzilla: King of the Monsters sau cái chết của người mẹ. Song, những gì cô bé làm trong bộ phim chỉ là lôi kéo cậu bạn Josh (Julian Dennison) vào vòng nguy hiểm vì nghe theo thuyết âm mưu trên mạng Internet của một người lạ mặt. Cả ba sau đó dễ dàng xâm nhập vào trụ sở tối tân của Apex và chỉ đóng vai trò giải thích ý đồ, âm mưu của phe phản diện cho người xem.
Sự xuất hiện của Madison gây tốn nhiều thời lượng, nhưng chẳng mang lại hiệu quả. Cùng lúc, phản diện Walter Simmons quá đơn điệu, còn Ren Serizawa (Shun Oguri) - con trai của tiến sĩ Ishirō Serizawa (Ken Watanabe) - quá nhạt nhòa nếu so với cha mình.
Ngoại trừ cô bé Jia - người sống sót cuối cùng của đảo Đầu Lâu, các nhân vật con người đều tỏ ra nhạt nhòa. Ảnh: Warner Bros.
Thậm chí, cả tiến sĩ Ilene Andrews hay Nathan Lind được đầu tư câu chuyện quá khứ bi kịch, nhưng cũng chẳng đóng góp được gì nhiều cho tổng thể tác phẩm bởi thời lượng xuất hiện hạn chế.
Điểm sáng duy nhất ở mảng diễn xuất thuộc về diễn viên nhí Kaylee Hottle. Cô bé khiếm thính có phần biểu cảm khá tốt và thể hiện được mối liên kết với Kong.
Nhìn chung, Godzilla vs. Kong là một bom tấn kỹ xảo đúng nghĩa. Khán giả sẽ cảm thấy mãn nhãn khi theo dõi bộ phim. Nhưng nếu ai đó tìm kiếm điều gì hơn thế, đây không phải là tác phẩm dành cho họ.
Khắc Nguyễn
Bài viết do độc giả TrueID đóng góp