Đầu tư quá ít hoặc quá nhiều tiền bạc đều có thể biến một ý tưởng tiềm năng trở thành tác phẩm điện ảnh thất bại.
Thông thường, một kịch bản hay dễ thất bại trên màn ảnh do thiếu kinh phí bởi không có được bối cảnh, kỹ xảo cần thiết hoặc một dàn diễn viên tầm cỡ. Nhưng đôi khi, quá nhiều tiền bạc cũng có thể làm hại một bộ phim. Sức ép kinh phí đè nặng dễ khiến các nhà sản xuất có xu hướng chiều lòng số đông mà bỏ qua tiềm năng độc đáo vốn có của ý tưởng.
IT Chapter Two (2019): It (2017) tạo ra cơn sốt khi thu 700 triệu USD so với kinh phí sản xuất chỉ 35 triệu USD. Có thời lượng lên đến 135 phút, tác phẩm truyền tải đầy đủ thông điệp, cũng như những màn hù dọa đắt giá. Đến phần hai, Warner Bros. bơm gấp đôi số vốn với 79 triệu USD. Điều đó khiến đạo diễn Andy Muschietti lồng ghép thêm nhiều điều không cần thiết. Phim trở nên dài dòng với thời lượng lên tới 169 phút, còn những cảnh kinh dị lại không cho thấy sự đột phá. IT Chapter Two cuối cùng cán đích với gần 475 triệu USD.
Hellboy (2019): Từ sau Hellboy: The Golden Army (2008), Guillermo del Toro liên tục bày tỏ mong muốn thực hiện phần phim thứ ba. Đến năm 2017, ông thừa nhận hy vọng đã hết khi không hãng phim nào chịu chi đến 120 triệu USD. Song, Lionsgate bất ngờ thông báo sẽ cho ra mắt phần phim tái khởi động thương hiệu do David Harbour đóng chính với kinh phí sản xuất chỉ 50 triệu USD. Những gì khán giả nhận được tương xứng với số tiền hãng bỏ ra. Hellboy có phần kỹ xảo thảm hại, nội dung hời hợt và thiếu chiều sâu. Phim thất bại nặng nề khi chỉ thu 44,6 triệu USD.
Gemini Man (2019): Chất lượng của Gemini Man rõ ràng không tương xứng với con số 150 triệu USD kinh phí. Phần kỹ xảo trẻ hóa Will Smith quá thiếu ấn tượng. Không những thế, đạo diễn Lý An còn mang đến kịch bản quen thuộc, bối cảnh nhàm chán và khâu cắt dựng lộn xộn. Trước đó, ngoài kỹ xảo, thù lao của Will Smith và Clive Owen cũng chiếm phần lớn kinh phí. Chưa kể, hãng Paramount chi ra khoản tiền khổng lồ cho chiến dịch quảng bá. Nhưng rốt cuộc, phim thu chưa đầy 180 triệu USD và chịu lỗ nặng nề.
The Predator (2018): Dù khó có thể so với bản gốc có Arnold Schawarzenegger đóng chính, The Predator vẫn sở hữu tiềm năng hồi sinh thương hiệu hành động pha kinh dị. Tuy nhiên, mức kinh phí 88 triệu USD đã khiến Shane Black trở nên giàu tham vọng. Thay vì tập trung vào câu chuyện sinh tồn của một nhóm tội phạm trước chủng tộc săn mồi nguy hiểm bậc nhất vũ trụ, vị đạo diễn thêm vào nhiều nút thắt mới, những câu đùa không cần thiết và phần kỹ xảo tệ hại nhằm xây dựng một vũ trụ lớn hơn. Với phần kinh phí vừa phải, The Predator có lẽ đã khá khẩm hơn.
12 Strong (2018): Khi tham gia bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một nhóm lính được cử tới Afghanistan ngay sau vụ khủng bố 11/9, Chris Hemsworth được kỳ vọng sẽ có sự tiến bộ về mặt diễn xuất. Với kinh phí chỉ 35 triệu USD, khán giả mong bộ phim tập trung hơn vào cảm xúc và tinh thần của người lính trong thời khắc đen tối, thay vì một tác phẩm chiến tranh thông thường. Song, đạo diễn Nicolai Fuglsig lại dành đa số thời lượng cho những pha nã súng, thay vì giúp khán giả thấu hiểu nhân vật.
The Dark Tower (2017): The Dark Tower là bộ tiểu thuyết tám cuốn của Stephen King, theo chân tay súng Roland Deschain trên đường đi tìm Tòa tháp Bóng đêm - trung tâm của một đa vũ trụ rộng lớn. Bộ sách kết nối tới nhiều tác phẩm khác của “ông hoàng kinh dị” như IT, The Shining hay Cell. Song, Sony chỉ chịu chi ra 66 triệu USD cho dự án. Rốt cuộc, The Dark Tower là một tác phẩm nhạt nhẽo, thân thiện với trẻ em và chẳng có gì giống với nguyên tác ngoại trừ cái tên.
Life (2017): Life không phải là một bộ phim tệ, nhưng tác phẩm không tạo ra được điểm nhấn mới lạ nào cho thể loại khoa học viễn tưởng. Với ngân sách tương đối cao cho một tác phẩm 18+ là 62 triệu USD, đạo diễn Daniel Espinosa không chú trọng xây dựng kịch bản sáng tạo. Thay vào đó, anh lại tập trung xây dựng bối cảnh tàu con thoi. Ê-kíp chi một khoản không nhỏ cho các thiết bị, dây nối để dàn diễn viên có cảm giác như đang ở môi trường không trọng lực. Với doanh thu chỉ 100 triệu USD, kinh phí thấp hơn có lẽ đã giúp Life thành công và cho ra mắt phần hậu truyện.
John Carter (2012): John Carter là dự án tham vọng của Disney khi được đầu tư tới hơn 300 triệu USD. Phim xoay quanh một người lính trong Nội chiến Hoa Kỳ bỗng nhiên được dịch chuyển lên Sao Hỏa. Tại đây, anh sở hữu sức mạnh hơn người và giúp các chủng tộc chung sống trong hòa bình. John Carter sở hữu phần hình ảnh và kỹ xảo rất tốt. Điều đáng tiếc là nam chính Taylor Kitsch lại không phải ngôi sao phòng vé. Bản thân câu chuyện trong phim cũng không có gì mới lạ hơn so với vô số phim viễn tưởng trước đó. Cuối cùng, Disney hứng chịu thất bại nặng nề khi John Carter chỉ thu gần 285 triệu USD.
Doom (2005): Sau thành công của Doom II (1994), Universal quyết định chi tiền cho một bộ phim chuyển thể từ tựa game đình đám. Song, cả Arnold Schwarzenegger và Vin Diesel đều từ chối tham gia. Cuối cùng, Dwayne "The Rock" Johnson và Karl Urban - những cái tên chưa mấy tên tuổi tại thời điểm đó - được lựa chọn. Thiếu mất ngôi sao phòng vé, bộ phim chỉ đem đến những con quái vật có tạo hình xấu tệ, kỹ xảo thảm họa, và phần nội dung kém kịch tính. Lẽ ra, hãng phim đã có thể chi nhiều hơn cho yếu tố ngôi sao hoặc hiệu ứng hình ảnh. Thật đáng buồn khi Universal có thể bỏ ra hơn 200 triệu USD cho King Kong ra mắt cùng năm, nhưng chỉ rút hầu bao 60 triệu cho Doom.
Dog Soldiers (2002): Dog Soldiers vốn là một thất bại phòng vé khi chỉ thu về 5 triệu bảng Anh so với kinh phí 2,3 triệu bảng Anh. Trên thực tế, câu chuyện về một nhóm binh sĩ Anh trên đường tập huấn bất ngờ đụng độ với đàn người sói khát máu có tiềm năng trở thành một bộ phim kinh dị chặt chém (slasher), máu me ăn khách. Song, kinh phí thấp khiến khán giả thấy rõ người sói trong phim chỉ là những diễn viên mặc đồ hóa trang, còn phần nội tạng thì bằng cao su. Nỗ lực của dàn diễn viên là không đủ để thuyết phục khán giả trước phần nhìn quá tệ hại.
Khắc Nguyễn
Bài viết do độc giả TrueID đóng góp