Hứa Vĩ Văn - từ soái ca đến kẻ ác phim Việt - TrueID

Hứa Vĩ Văn - từ soái ca đến kẻ ác phim Việt

My My (Theo Ngoisao.vnexpress.net)May 11, 2022

Không chỉ là trai đẹp màn ảnh như được đóng đinh bấy lâu trong showbiz, Hứa Vĩ Văn nỗ lực biến hóa hình tượng bằng trải nghiệm đóng vai ác, hóa ông già.

Năm 2002, Hứa Vĩ Văn rời nhóm nhạc thần tượng GMC để theo đuổi nghề diễn viên. 20 năm gắn bó danh phận này, anh góp mặt gần 40 tác phẩm. Từ những năm tháng rong ruổi theo các đoàn truyền hình trong Nam ngoài Bắc đến giai đoạn chuyên tâm cho lĩnh vực điện ảnh, điều anh mong cầu nhất là được công nhận về chiều sâu và thực lực, thay vì chỉ bằng danh xưng soái ca.

Trai đẹp 100 điểm

Dáng người mẫu, gương mặt đẹp, nụ cười hiền và cung cách lịch thiệp, Hứa Vĩ Văn có duyên với dạng vai nam chính tốt đẹp trong nhiều phim, đặc biệt ở giai đoạn phim tình cảm chiếm lĩnh thị trường. Dù là chàng thơ của Chuyện tình Sài Gòn, bố đơn thân trong Lời thú nhận của Eva, anh chàng hiền lành trong Âm mưu giày gót nhọn, người đàn ông hy sinh cho người khác ở Thần tượng hay nhà sản xuất âm nhạc si tình trong Em là bà nội của anh, nam diễn viên cũng làm say lòng nhiều khán giả nữ.

Em là bà nội của anh ghi dấu vai diễn soái ca nổi bật nhất của Hứa Vĩ Văn.

"Em là bà nội của anh" ghi dấu vai diễn soái ca nổi bật nhất của Hứa Vĩ Văn.

Nhưng thông thường, vai soái ca khá an toàn, không đặt người diễn viên vào nhiều thử thách của nghiệp vụ diễn xuất. Hợp vai từ vẻ ngoài đến khí chất, đôi khi Hứa Vĩ Văn giống như mang chính mình bước lên màn ảnh. Khán giả dành cho anh nhiều thiện cảm về hình tượng và thái độ làm nghề, nhưng chưa có nhiều ghi nhận về năng lực, thậm chí nhiều người chê anh đơn điệu, chỉ đẹp chứ diễn không hay.

Đối với Hứa Vĩ Văn, lòng yêu mến của công chúng là một món quà nhưng sự trói buộc trong hình mẫu soái ca khiến anh đôi lúc chạnh lòng. 5 năm trở lại đây, tài tử dần nói không với dạng vai đẹp một cách đơn thuần, bởi chúng đã trở nên cũ kỹ.

Phá tướng vì phim

Nhiều hơn một lần, Hứa Vĩ Văn phản bác nhận xét cho rằng anh chỉ có dạng vai trai đẹp diễn đi diễn lại. "Ví dụ trong Chàng trai năm ấy, Sơn Tùng M-TP mới là soái ca, không phải tôi", anh nói trong một cuộc phỏng vấn.

Anh thay đổi hình ảnh, nhuộm tóc trắng và bộc lộ những biểu cảm khoa trương trong Chàng trai năm ấy; ăn mặc xuề xòa để trở thành gã nghèo của phim Chạy đi rồi tính; tạo vẻ ngoài uể oải của một người mắc bệnh tâm lý ở Ống kính sát nhân. Và khi chạm ngưỡng tứ tuần, anh càng có xu hướng làm xấu mình trên màn bạc.

Trong Em là của em, tạo hình và phong thái của Hứa Vĩ Văn toát lên vẻ đểu cáng của nhân vật.

Trong "Em là của em", tạo hình và phong thái của Hứa Vĩ Văn toát lên vẻ đểu cáng của nhân vật.

Hai lần hóa thân ông già trung niên, Vĩ Văn đều hiện diện với bộ dạng râu tóc muối tiêu, chân đi cà nhắc. Ở Trái tim quái vật, anh gắn thêm vòng hai quá khổ. Với Nghề siêu dễ, anh bỏ dưỡng da để xuống sắc, sút 8 kg và mang thương tích đầy mình vì loạt cảnh hành động.

Bị nhầm là người già thật sự, nam diễn viên rơi vào nhiều tình huống bi hài như bị bảo vệ ngăn vào nhà, khiến nhiều người lo lắng cho sức khỏe. Đôi lúc, anh tổn thương vì người hâm mộ trách anh không chăm sóc ngoại hình; trong khi anh không thể thanh minh vì phải giấu kín về dự án đang quay.

Đổi lại, anh tìm thấy một cảm giác thỏa mãn trong nghề nghiệp. Với anh, những hiểu lầm như vậy xem như một nửa thành công của lựa chọn bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức những điều mới.

Hứa Vĩ Văn đầy cảm hứng với trải nghiệm hóa thân ông già trên màn ảnh.

Hứa Vĩ Văn đầy cảm hứng với trải nghiệm hóa thân ông già trên màn ảnh.

Kẻ ác, người trầm cảm, đàn ông mang nỗi khổ tâm

Không chỉ "lột xác" bề ngoài, Hứa Vĩ Văn còn tích cực "thay tâm đổi tính" trong những lần xuất hiện gần đây. Mỗi năm có một hoặc hai phim chiếu, anh chọn lọc kỹ từng kịch bản.

Đúng tiêu chí "trai đẹp nhưng ác hoặc trai đẹp có câu chuyện uẩn khúc phía sau" do anh đặt ra, thanh tra K trong Ống kính sát nhân khó gần và có những mánh lới phá án bất chấp quy tắc. Tương tự, bác sĩ Quang trong Tiệc trăng máu giăng mắc nhiều nỗi niềm của người đàn ông mang tiếng ăn bám nhà vợ, vướng nợ nần, bị phản bội.

Không còn là chàng trai tốt đẹp mọi bề như ở nhiều phim ngày trước, tài tử ba lần nhập vai gã tồi ở các phim Chàng vợ của em, Trái tim quái vật và Em là của em. Trong đó, ông Bé trong Trái tim quái vật làm khán giả ghét cay ghét đắng. Cách nhập vai của Hứa Vĩ Văn làm khán giả tạm quên tài tử lịch lãm ngoài đời và tin vào gã đàn ông háo sắc, tham lam, mưu mẹo hiện diện trên màn ảnh.

Hứa Vĩ Văn hóa thân ông già háo sắc, thủ đoạn trong Trái tim quái vật.

Hứa Vĩ Văn hóa thân ông già háo sắc, thủ đoạn trong "Trái tim quái vật".

Thực tế, không phải lần đổi khác nào của anh cũng thành công. Ống kính sát nhân lấy đi của anh nhiều tâm huyết trong cả vai trò nam chính lẫn nhà sản xuất, song do kịch bản hạn chế, phim không gây được tiếng vang. Còn trong Em là của em hay Chàng vợ của em, vai diễn của anh khá mờ nhạt.

Đổi lại, giữa dàn sao đa sắc của Tiệc trăng máu, anh có dấu ấn riêng, không để mình chìm, dù ngoại hình của anh có phần trẻ so với nhân vật. Hai lần "già hóa" của anh trên màn ảnh đôi chỗ chưa tròn cảm xúc nhưng người xem cảm nhận được tinh thần lăn xả của anh vì vai diễn. Nỗ lực vượt thoát khỏi hình tượng quen thuộc cùng diễn xuất tốt hơn chính mình ở phim trước là điều có thể nhìn thấy ở nam diễn viên qua từng tác phẩm.

Hứa Vĩ Văn sinh năm 1979, là người Việt gốc Hoa. Thời cấp ba, anh là một tên tuổi người mẫu học đường đắt show. Vào đại học, anh diễn catwalk, đóng quảng cáo và ca hát để kiếm tiền học ngành mỹ thuật. Sau giải ba "Diễn viên triển vọng năm 2003", anh tập trung cho nghề diễn. Anh từng một lần kiêm nhiệm vai trò nhà sản xuất với phim Ống kính sát nhân. Hiện tại, anh đều đặn đóng phim mỗi năm và giữ lửa với đam mê hội họa.

null

Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...