- Sau ‘Chuyện ma gần nhà’ sắp ra mắt, anh làm tiếp phim ‘Con Cám’. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Sau Chuyện ma gần nhà mở màn cho Vũ trụ điện ảnh kinh dị đầu tiên của Việt Nam, tôi và nhà sản xuất Hoàng Quân sẽ bắt tay kể tiếp chương 2 của thương hiệu này. Con Cám sẽ là câu chuyện hé lộ về gốc gác của một loại phù thuật trong Chuyện ma gần nhà.
Tôi tin khán giả sẽ rất bất ngờ và thích thú bởi truyện Tấm Cám sẽ được chúng tôi kể theo góc nhìn kinh dị, tập trung chính vào nhân vật Cám. Đây là một góc nhìn có thể gọi là phản cổ tích mang đầy đủ yếu tố tâm linh, quỷ dị và chết chóc. Phim sẽ khai thác số phận của Cám cũng như những quan điểm mới về cái ác trong cổ tích và văn hóa phù thuật của Việt Nam.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn.
- Vì sao anh theo đuổi con đường làm phim kinh dị mang đậm yếu tố văn hóa Việt Nam?
- Tôi thường không thích những ý tưởng xa xôi, thiếu quan sát. Ở dòng phim kinh dị, hình ảnh càng thực tế, càng gần gũi mới thật sự đáng sợ. Khi bắt gặp những câu chuyện, hình tượng trong văn hóa Việt, tôi luôn nghĩ cách đưa chúng vào phim ảnh. Ở phim kinh dị, tôi hay suy nghĩ cách tạo ra sự đáng sợ cho những thứ tưởng chừng quen thuộc. Thế là các hình ảnh như bù nhìn, áo bà ba, cô Mía, xe hủ tíu... được tôi "ma hoá" lên. Trong đầu tôi luôn hiện lên câu hỏi rằng tại sao mình không kể những hình ảnh quen thuộc này thành một câu chuyện trái ngược những gì mọi người từng biết.
Ngoài ra, tôi đam mê tìm tòi văn hóa Việt Nam và phát hiện rất nhiều mẩu chuyện, hay giai thoại đáng sợ về các tục lệ, nghi thức hay lời nguyền. Đã có không ít câu chuyện hay bài đọc về chúng nhưng trên màn ảnh thì chưa nhiều. Chúng là nguồn chất liệu dồi dào để tạo ra những bộ phim kinh dị đậm chất Việt Nam. Về lâu dài, tôi mong tạo ra các sản phẩm mà khán giả khi xem biết ngay là phim kinh dị Việt. Chúng sẽ định hình bản sắc riêng, như người Thái Lan hay Hàn Quốc đã làm được với dòng phim kinh dị của họ.
- Cảm hứng từ đâu để anh phát triển dự án ‘Chuyện ma gần nhà’ và đưa hình tượng cô Mía lên màn ảnh?
- Chuyện ma gần nhà là những câu chuyện rất quen thuộc mà tôi bắt gặp ở gần nhà mình, từ những xe nước mía, chung cư cũ hay cúng tâm linh ngoại cảm đều là những thứ tôi gặp hàng ngày. Tôi nhận thấy các phim Việt vẫn chưa khai thác nhiều về truyền thuyết đô thị. Nhìn vào phim nước ngoài, tôi thêm phần "tự ái" là vì sao Việt Nam vẫn chưa có một "vũ trụ kinh dị" đúng nghĩa, xây dựng từ chính các yếu tố văn hóa của mình. Tất cả yếu tố đó đã thôi thúc tôi cùng nhà sản xuất thực hiện bằng được dự án này.
Tôi rất thích hình tượng cô Mía vì từ nhỏ khi uống nước mía, tôi hay tự hỏi đó là ai, có câu chuyện gì đằng sau gương mặt đó. Nét vẽ cô Mía trên xe cũng có cái gì đó rất khác thường, bí ẩn và gợi nhiều cảm xúc cho tôi. Cô Mía cũng là nhân vật có nhiều giai thoại, những mẩu chuyện hư cấu có thể kích thích sự tò mò của khán giả.
- Ngoài cô Mía, những yếu tố văn hóa Việt nào sẽ xuất hiện trong ‘Chuyện ma gần nhà’?
- Ở giai đoạn này, tôi chưa thể tiết lộ chi tiết về các yếu tố trong Chuyện ma gần nhà. Nhưng trong phim, khán giả sẽ bắt gặp rất nhiều hình tượng ma quỷ lấy cảm hứng từ đời thường. Những con ma này đều có hình dạng rất ám ảnh và chắc chắn không dành cho người yếu tim. Quỷ dạng của chúng được tôi tạo nên từ những câu nói đời thường như "người không ra người, ma không ra ma" hay "ma chê quỷ khóc". Bên cạnh đó, các con ma sẽ có những câu chuyện riêng, giúp cho người xem hiểu hơn về những truyền thuyết đô thị Việt theo góc nhìn của tôi.

Vân Trang là một trong những diễn viên của phim 'Chuyện ma gần nhà', dự kiến ra rạp từ ngày 11/2. Ảnh: ProductionQ
- Anh đam mê phim kinh dị từ khi nào?
- Nghe hơi kỳ lạ khi tôi là người rất sợ ma nhưng lại thích xem phim ma. Hồi bé, tôi rất hâm mộ dòng phim ma châu Á, điển hình là Hong Kong và Đài Loan, xem để có cảm giác sợ chứ chưa biết gì nhiều hay có định hướng nghề nghiệp. Đến sau năm 2006, khi tiếp cận với các tác phẩm kinh dị tiếng tăm, tôi mới bắt đầu thực sự thích và muốn tìm hiểu sâu hơn về thể loại này. Việc này vô tình hình thành đam mê trong tôi lúc nào không hay.
- Anh từng chia sẻ không muốn làm thể loại phim khác ngoài kinh dị. Tại sao anh muốn theo đuổi con đường này?
- Tôi luôn bị ám ảnh bởi những ý tưởng rùng rợn trong đầu mình, có lúc chúng gây sợ hãi trong cuộc sống thật. Ví dụ, có những đêm tôi đi quay về khuya, đường lên chung cư của tôi rất âm u và lạnh toát. Những lúc như vậy, tôi luôn có cảm giác mình là một phần trong câu chuyện do chính mình viết: một mình đi giữa sự quan sát của các hồn ma. Tôi hiểu đó là cảm giác rất tâm linh, rất khó diễn tả được. Thay vì kể bằng lời, tôi cố gắng xây dựng bằng những tình tiết kịch bản, xem nó là một cách trấn áp nỗi sợ hãi.
Phim kinh dị đến với tôi như một thứ bản năng. Chúng luôn mang đến cho tôi một nguồn năng lượng tràn trề trong cuộc sống. Mỗi ý tưởng chợt đến lại gieo cho tôi nhiều câu hỏi, suy nghĩ về những vấn đề tâm linh dị thường quanh mình. Về mặt nghề nghiệp, tôi từng thử làm các phim ngắn thể loại khác để xem khả năng nhưng vẫn thấy phim kinh dị phù hợp nhất.
- Những đạo diễn và bộ phim nào gây ảnh hưởng mạnh đến anh nhất?
- Tôi xem đạo diễn Alfonso Cuarón và Guillermo Del Toro là hai người thầy trong phim ảnh. Với Alfonso, tôi học được nhiều về cách thức kể chuyện, khung hình cùng một số yếu tố tạo nên ngôn ngữ điện ảnh. Nói về đạo diễn Alfonso, tôi cho rằng cảnh cuối trong Gravity là cảnh kết hay nhất trong các tác phẩm điện ảnh sinh tồn, bởi bên cạnh nội dung truyền tải, nó còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa khiến ta bùng nổ cảm xúc và đắm chìm trong thích thú.
Với Guillermo Del Toro, tôi bị ảnh hưởng bởi những nhân vật, hay nói chính xác là những con quái vật ông tạo nên. Sự ảnh hưởng cụ thể là tính sáng tạo và cảm xúc cần có trong một tác phẩm kinh dị, chứ không đơn thuần là hù dọa. Sáng tạo của ông mà tôi ấn tượng nhất là nhân vật The Pale Man trong phim Pan’s Labyrinth. Sự ám ảnh và thích thú của tôi dành cho nhân vật này trải dài 15 năm qua bởi tính độc đáo của tạo hình lẫn tính cách mà đạo diễn thổi hồn vào nó.

3 bộ phim của đạo diễn Trần Hữu Tấn (từ trái sang) - 'Bắc Kim Thang', 'Rừng thế mạng' và 'Chuyện ma gần nhà'. Ảnh: ProductionQ
- Ở thể loại kinh dị, anh tự tin nhất ở điểm mạnh gì?
- Tôi tin mình làm tốt nhất ở mặt kể chuyện. Với tôi, phim kinh dị không chỉ hơn thua nhau ở thủ pháp hù dọa, mà quan trọng nhất là cách đạo diễn phải kể được một câu chuyện vừa khiến khán giả tin nó là thật, vừa phải tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc, như vậy mới được gọi là một phim kinh dị hay.
Tôi là tuýp đạo diễn phiêu theo cảm xúc khi làm kịch bản. Với tôi, không thứ gì gọi là tuyệt đối hay công thức, mọi thứ đều có thể được phá vỡ. Do suy nghĩ này ăn sâu vào bản thân nên khi làm phim, tôi thường bị cảm xúc chi phối rất nhiều.
Trần Hữu Tấn sinh năm 1983, từng có 15 năm kinh nghiệm trong ngành quảng cáo với nhiều tác phẩm TVC, viral clip. Anh từng giành Giải Bạc cuộc thi Việt Nam Young Lions 2010, giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc" cuộc thi Làm phim 48h năm 2017 cho phim ngắn Bi-Da. Ngoài ra, anh là giám khảo cuộc thi Viral Video Marketing 2017, giám khảo giải thưởng Phim ngắn HTV 2018. Phim điện ảnh đầu tay của anh - Bắc Kim Thang (2019) - được chọn vào nhánh "A Window on Asian Cinema" (dành cho phim nổi bật của các đạo diễn châu Á) tại LHP Busan (Hàn Quốc). Tác phẩm này cũng gây chú ý khi phát hành trong nước với doanh thu 40 tỷ đồng. Phim thứ hai của Trần Hữu Tấn là Rừng thế mạng, kể về một phượt thủ bị lạc ở Tà Năng - Phan Dũng. Chuyện ma gần nhà là dự án điện ảnh thứ ba của mà đạo diễn Trần Hữu Tấn hợp tác nhà sản xuất Hoàng Quân. Bộ phim được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết đô thị Việt Nam - những câu chuyện ám ảnh và ghê rợn được truyền miệng trong dân gian. Tác phẩm quy tụ Khả Như, Vân Trang, nghệ sĩ Mạc Can, Ngọc Hiệp, Hữu Tiến, Như Đan, Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong, dự kiến ra mắt từ ngày 11/2. |