10 thương hiệu bom tấn thất bại khi nỗ lực làm mới - TrueID

10 thương hiệu bom tấn thất bại khi nỗ lực làm mới

Dư Hưng (TrueID)March 8, 2022

Men in Black, The Mummy hay Ghostbusters là những thương hiệu điện ảnh không gặt hái thành công trong việc tái khởi động. Một số sau đó thậm chí phải mời lại những gương mặt cũ để lôi kéo khán giả trở lại.

null

Men in Black: International (2019): Các ngôi sao trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel thường gặp không ít khó khăn khi rũ bỏ hình tượng siêu anh hùng. Điển hình là trường hợp của Chris Hemsworth và Tessa Thompson. Ngay sau thành công của Thor: Ragnarok (2017), họ được giao trọng trách làm mới Men in Black - thương hiệu khoa học viễn tưởng của Will Smith và Tommy Lee Jones. Men in Black: International hòa vốn tại phòng vé, nhưng bị giới phê bình chỉ trích thậm tệ. Người hâm mộ nay mong mỏi Sony sẽ tiếp tục thực hiện Men in Black với bộ đôi cũ.

null

The Mummy (2017): Phiên bản Xác ướp Ai Cập của Tom Cruise thất bại trong việc làm hồi sinh thương hiệu The Mummy, cũng như nỗ lực mở ra vũ trụ điện ảnh kinh dị Dark Universe của Universal. Phim thu 410 triệu USD, so với kinh phí sản xuất 200 triệu USD. Điều đáng nói là tác phẩm bị giới phê bình quay lưng và chỉ trích. Sau đó, Universal đã thực hiện The Invisible Man (2019) với quy mô nhỏ hơn rất nhiều, đồng thời không nhắc tới kế hoạch Dark Universe.

null

Ghostbusters (2016): Mùa hè 2016, phiên bản tái khởi động Ghostbusters gây tranh cãi dữ dội tại nước Mỹ khi biệt đội săn ma nay toàn thành viên phái đẹp. Bất chấp sự ủng hộ của giới phê bình, phim chỉ thu 229,1 triệu USD, so với kinh phí sản xuất lên tới 144 triệu USD. Sau đó, các nhà sản xuất quay lại làm tiếp phần hậu truyện cho loạt phim gốc và thành phẩm chính là Ghostbusters: Afterlife ra mắt cuối năm 2021. Biệt đội bắt ma năm 2016 theo đó cũng bị khai tử.

null

The Transporter Refueled (2015): Năm 2015, các nhà sản xuất mạo hiểm tái khởi động thương hiệu Người vận chuyển. Trong đó, nhân vật Frank Martin được giao cho Ed Skrein, thay vì Jason Statham quen thuộc. The Transporter Refueled thu về khoản lãi nhất định do chỉ tiêu tốn hơn 20 triệu USD để sản xuất. Tuy nhiên, suốt bảy năm qua, bộ phim không có thêm phần hậu truyện hoặc ngoại truyện nào. Số đông có lẽ vẫn muốn Jason Statham đảm nhận vai diễn biểu tượng.

null

Point Break (2015): Năm 1991, Point Break được coi là bước ngoặt của dòng phim hành động Hollywood với sự tỏa sáng từ hai ngôi sao Keanu Reeves - Patrick Swayze dưới sự chỉ đạo của Kathryn Bigelow. Đến năm 2015, đạo diễn Ericson Core làm lại tác phẩm, với ý định đây là phần mở đầu cho một chuỗi phim mới. Song, sự thiếu sáng tạo về mặt nội dung so với bộ phim năm xưa đã khiến kế hoạch tiêu tan. Phiên bản 2015 chỉ thu hơn 133 triệu USD, so với kinh phí sản xuất 100 triệu USD.

null

The Bourne Legacy (2012): Bộ ba phim Jason Bourne đầu tiên của Matt Damon là điểm sáng rực rỡ của dòng phim hành động trong thập niên đầu tiên thế kỷ XXI. Không để thương hiệu nằm yên quá lâu, nhà sản xuất quyết định thực hiện phần ngoại truyện với nhân vật mới Aaron Cross do Jeremy Renner thể hiện. Song, The Bourne Legacy chỉ là bản sao nhàm chán so với ba bộ phim trước đó. Cuối cùng, hãng Universal đành mời lại Matt Damon để làm tiếp Jason Bourne vào mùa hè 2016. Hiện không có tin tức nào cho thấy Aaron Cross sẽ tái xuất.

null

Conan the Barbarian (2011): Sau khi trở nên nổi tiếng với vai diễn Khal Drogo ở loạt Game of Thrones, Jason Momoa được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh Conan the Barbarian - loạt phim cơ bắp từng gắn liền với tên tuổi Arnold Schwarzenegger hồi thập niên 1980. Song, bộ phim năm 2011 bị thờ ơ tại phòng vé với doanh thu vỏn vẹn 60 triệu USD, so với khoản ngân sách 90 triệu USD. Sau hơn một thập niên, thương hiệu Conan vẫn hoàn toàn im ắng. Về phía Jason Momoa, anh đã trở thành ngôi sao hạng A với vai diễn Aquaman thuộc DCEU.

null

Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull (2008): Khán giả sắp được thưởng thức Indiana Jones 5 vào năm sau và khi ấy Harrison Ford sẽ tròn 80 tuổi. Các nhà sản xuất từng muốn mở đường cho Mutt Williams (Shia LaBeouf) kế nghiệp người cha Indiana Jones (Ford) trên màn ảnh sau Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull. Tuy nhiên, thất bại về chất lượng nội dung của bộ phim năm 2008 khiến kế hoạch hoàn toàn tiêu tan. Mutt Williams thậm chí sẽ không xuất hiện ở phần 5 sắp tới.

null

Tokyo Drift (2006): 2 Fast 2 Furious (2003) không được lòng số đông và các nhà sản xuất tại Universal quyết định chuyển hướng thương hiệu với Tokyo Drift mà không có cả Vin Diesel lẫn Paul Walker. Tuy nhiên, tác phẩm tiếp tục đẩy thương hiệu hành động - tốc độ vào thế khó. May mắn là Vin Diesel nhận lời đóng vai cameo vào phút chót để mở đường cho Dominic Toretto trở lại từ phần bốn. Từ đây, thương hiệu Fast & Furious mới cất cánh trở lại. Ngoại trừ Han (Sung Kang), các nhân vật ở Tokyo Drift nay chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong thương hiệu.

null

xXx: State of the Union (2005): Ngoài Fast & Furious, Vin Diesel còn sở hữu một thương hiệu hành động đáng chú ý khác là xXx. Tuy nhiên, mâu thuẫn về thù lao khiến anh không trở lại đóng tiếp xXx: State of the Union. Ice Cube là gương mặt thay thế, nhưng bộ phim mới là bước thụt lùi cả về chất lượng nội dung lẫn doanh thu phòng vé. Sau khi Vin Diesel gặt hái thành công rực rỡ với Fast & Furious 7 vào mùa hè 2015, nhà sản xuất đã nhượng bộ và mời anh trở lại làm tiếp xXx: Return of Xander Cage (2017).

Tin liên quan:

>> 'The Batman': Phiên bản Người Dơi non nớt và đậm chất trinh thám
>> 'The Batman' dự kiến mở màn với 225 triệu USD toàn cầu

null

Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...