Các nam thần tượng có gương mặt trắng trẻo xinh đẹp hơn con gái trở thành xu hướng được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Quan niệm về cái đẹp tại đất nước tỷ dân đã “âm thầm” thay đổi trong gần một thập kỷ qua.
Không khó để nhận ra cái giới chức Trung Quốc coi là “ẻo lả” và bài xích thời gian gần đây rất giống với quan niệm vẻ đẹp của nam giới Hàn Quốc. Khán giả hiếm khi thấy các nam idol xứ sở kim chi xuất hiện với bộ râu rậm rạp hay sở hữu cơ bắp cuồn cuộn. Thay vào đó, họ có làn da mịn màng, mái tóc nhuộm màu thời thượng và tạo kiểu kỹ lưỡng, thân hình mảnh khảnh.
Báo giới Trung Quốc nhận định, chính các ngôi sao Hallyu và đặc biệt là những thành viên người Trung Quốc trong các nhóm nhạc Hàn đã đưa quan niệm mới về cái đẹp vào thị trường Cbiz.
Các idol trở về từ Hàn đặt nền móng cho sự thay đổi
Theo Sina, chính EXO-M đã khiến làn sóng Hallyu bùng nổ tại thị trường tỷ dân. Bốn trong sáu thành viên của nhóm là người Trung Quốc gồm Ngô Diệc Phàm (Kris), Lộc Hàm (Luhan), Hoàng Tử Thao (Tao), Trương Nghệ Hưng (Lay). Họ hiểu rõ văn hóa bản địa, nói tiếng Hoa, nhưng lại học hỏi phong cách biểu diễn của sao Hàn, mang lại sự mới mẻ cho ngành giải trí Hoa ngữ.
Bộ tứ của EXO-M mở cửa cho làn sóng Hallyu tràn vào Trung Quốc.
Nhóm ra mắt chính thức vào tháng 4/2012, ngay lập tức khiến cộng đồng yêu nhạc tại Trung Quốc điên đảo. Ngoại hình đẹp long lanh cùng các sản phẩm âm nhạc chất lượng từ hình ảnh đến âm thanh, không khó để EXO-M thống trị các thị trường âm nhạc Trung Quốc. Nhóm liên tục giành nhiều giải thưởng danh giá như: Nhóm nhạc của năm tại Mengniu Billboard Music Festival năm 2012, ca sĩ được yêu thích nhất Trung Quốc tại V - Chart Awards năm 2013, nhóm nhạc Châu Á có ảnh hưởng nhất tại Chinese Music Awards năm 2013…
Sau khi chia tay công ty quản lý SM năm 2014, sự thành công trong sự nghiệp solo của bốn thành viên Trung Quốc tại quê nhà khiến công chúng ngỡ ngàng. Bộ tứ trở thành thế hệ sao Hoa ngữ đầu tiên khiến phong cách Hàn Quốc nổi tiếng tại thị trường Cbiz. Từ đó, có không ít idol thành danh khi trở về phát triển sự nghiệp tại Trung Quốc như Vương Nhất Bác của UNIQ, Jackson Wang của GOT7... Vẻ đẹp của các nghệ sĩ nam cũng bắt đầu thay đổi từ đây.
Những idol trở về từ Hàn chiếm lĩnh showbiz Trung Quốc
Trong 5 năm gần đây, nhiều chương trình giải trí, đào tạo thần tượng của Hàn Quốc được các nền tảng trực tuyến Trung Quốc mua bản quyền, sản xuất ồ ạt và mời các idol gốc Hoa, Hàn trực tiếp tham gia. Tiêu biểu như show tuyển chọn nhóm nhạc nam Thanh xuân có bạn 3 có Lisa (Black Pink) trong vị trí ban giám khảo; show truyền hình thực tế Keep Running lên sóng với dàn cast cố định gồm Tống Vũ Kỳ (g)i-dle) và Hoàng Húc Hi (NCT/WayV).
Vương Nhất Bác thu hút sự chú ý với những bước nhảy điêu luyện tại Street Dance of China 4.
Street Dance of China - chương trình vũ đạo nổi tiếng nhất Trung Quốc, khởi động mùa thứ 4 với bốn đội trưởng đều là thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc. Đó là Hàn Canh - cựu thành viên Super Junior, Henry Lưu Hiến Hoa - cựu thành viên Super Junior M, Trương Nghệ Hưng - thành viên EXO, Vương Nhất Bác - thành viên UNIQ. Trước đó, mùa 3 của Street Dance of China còn có sự xuất hiện của Jackson Vương Gia Nhĩ - thành viên GOT7.
Trang Sohu từng nhận định, tại quê nhà, các idol trở về từ Hàn Quốc được đào tạo bài bản với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, lại sở hữu danh tiếng và lượng fan đông đảo. Họ có thể vừa tham gia show vừa ca hát, đóng phim khiến tên tuổi lên như diều gặp gió. Các nam thần tượng bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Cbiz và lan tỏa rộng rãi style, nhận thức về cái đẹp của Hàn Quốc tới những người hâm mộ trẻ tuổi.
Vẻ đẹp Hàn Quốc hòa hợp cùng phong cách đam mỹ Trung Quốc
Nếu nam nghệ sĩ có làn da trắng, thân hình mảnh khảnh và gương mặt thanh tú là đặc điểm nổi bật của làn sóng Hallyu thì những bộ phim đam mỹ được chuyển thể từ tiểu thuyết mạng lại là đặc sản của ngành giải trí Hoa ngữ. Sự kết hợp giữa các nam nghệ sĩ “mặt hoa da phấn” bằng xương bằng thịt với nhân vật trong tiểu thuyết đam mỹ đã tạo nên cơn sốt chưa từng có cho ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.
Không ít các tiểu sinh vô danh của Cbiz, nhờ đóng phim đam mỹ mà vụt sáng thành sao hạng A. Hoàng Cảnh Du, Chu Nhất Long với Thượng ẩn (2016), Trần hồn (2018) Tiêu Chiến, Vương Nhất Bác qua Trần tình lệnh (2019) và Cung Tấn, Trương Triết Hạn qua Sơn hà lệnh (2021) chính là những cái tên thành danh chỉ sau một tác phẩm đan mỹ.
Vương Nhất Bác, Tiêu Chiến thành "đỉnh lưu" ngay sau khi Trần tình lệnh phát sóng.
Theo số liệu từ Wikipedia, Trần tình lệnh đạt mức 1 tỷ lượt xem sau 14 ngày, và cán mốc 5 tỷ đúng một tuần sau đó. Riêng tối 7/8/2019, hơn 2,35 triệu tài khoản đã trả tiền nâng cấp gói VIP để theo dõi trước 6 tập cuối cùng của loạt phim, giúp WeTV (Tencent) thu 69 triệu NDT (hơn 247 tỷ VND). Các buổi concert của Trần tình lệnh hot đến mức cháy vé ngay khi mở bán.
Sơn hà lệnh cũng tạo được cơn “địa chấn” không kém khi sở hữu điểm Douban lên đến 8,6/10, được nhiều nước như Malaysia, Brunei, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và cả nền tảng trực tuyến lớn nhất của Mỹ - Netflix mua bản quyền phát sóng.
Huỳnh Hiểu Minh có "tình bạn" đặc biệt trong Bên tóc mai không phải hải đường hồng.
Thể loại phim này có sức hút lớn tới mức trước khi vướng phải những quy định khắt khe của cơ quan quản lý điện ảnh, năm 2021 từng được coi là năm bùng nổ của các tác phẩm đam mỹ với danh sách 59 bộ phim chuẩn bị lên sóng tại Trung Quốc.
Không chỉ vậy, thuật ngữ “sao nam xuống biển” cũng bắt đầu phổ biến trên các trang mạng Trung Quốc. Cụm từ dùng để ám chỉ các nam diễn viên muốn có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh và nhanh chóng nổi tiếng thì phải chấp nhận đóng phim đam mỹ. Theo Sina, không chỉ những diễn viên vô danh muốn vụt sáng nhờ dòng phim này, các tài tử Cbiz muốn hâm nóng tên tuổi cũng không bỏ qua “mảnh đất đam mỹ” màu mỡ như Huỳnh Hiểu Minh với Bên tóc mai không phải hải đường hồng; La Vân Hi trong Hạo y hành…
Quan điểm về cái đẹp thay đổi
Sau gần một thập kỷ có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ với Hàn Quốc, quan niệm về cái đẹp đối với nam giới của người trẻ Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể. Các nghệ sĩ thường có vóc người nhỏ nhắn, mặt thon, mũi cao, da trắng. Khán giả nữ tuổi từ 14 đến 20 cũng ưa thích những chàng trai trẻ trắng trẻo có vóc dáng thư sinh.
Từng có người hâm mộ đã đuổi theo Tiêu Chiến tại sân bay và hét lên: “Đừng đẩy tạ nữa!” khi biết tin nam diễn viên tập gym để cải thiện sức khỏe. Fan lo ngại rằng những đường nét thanh tú, phi giới tính của idol sẽ biến mất khi họ tập thể thao.
La Vân Hi quảng cáo phấn mắt cho Perfect Diary.
Làn sóng văn hóa thần tượng đi cùng sự phát triển của các nhãn hiệu làm đẹp. Ngày nay nhiều nam giới Trung Quốc coi việc trang điểm như một phần không thể thiếu.
Các công ty mỹ phẩm coi thị trường Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ để phát triển nên không khó hiểu khi màn ảnh trở thành công cụ quảng bá hữu hiệu. Hình ảnh sao nam Cbiz trong các bộ phim truyền hình đều có làn da trắng như ngọc, lông mày kẻ, môi tô chút son, gò má cao và đánh chút phấn mắt đã quá quen thuộc với khán giả Trung Quốc. La Vân Hi quảng cáo cho bảng phấn mắt của hãng mỹ phẩm Perfect Diary và nhiều sao nam khác là đại diện cho các thương hiệu làm đẹp.
Giới chức Trung Quốc vào cuộc
Những tưởng quan niệm cái đẹp thay đổi chỉ là vấn đề cá nhân. Song sau một loạt các bê bối đời tư của nghệ sĩ Trung Quốc, ngày 2/9 Tổng cục Phát thành và Truyền hình Trung Quốc (NRTA) đưa ra lệnh cấm các sao nam “ẻo lả” không được phép xuất hiện trên các chương trình truyền hình.
Lộc Hàm là một trong những cái tên thường được nhắc tới với hình ảnh nữ tính.
Theo hãng tin AFP lệnh cấm được ban hành vì nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim đam mỹ tạo nên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nam tính xảy đến với thế hệ sau. Hiện nay, do tỉ lệ sinh ngày càng giảm, các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng khơi dậy giá trị nam tính truyền thống ở giới trẻ, chỉ trích những nam nghệ sĩ có ngoại hình giống thần tượng Kpop.
Bên cạnh đó, trên sân khấu âm nhạc, nghệ sĩ nam có phong cách unisex, trang điểm đậm, làm tóc lòe loẹt, phong cách áo ren, lưới, đeo nhiều phụ kiện được khán giả nữ độ tuổi 14 đến 18 ưa chuộng. Các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc cho rằng, đây là xu hướng thiếu chuẩn mực, “thẩm mỹ lệch lạc”, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thế hệ trẻ.
Vẻ đẹp phi giới tính được giới trẻ yêu thích tại Trung Quốc.
Theo Sina, quy định mới của NRTA làm dấy lên nhiều tranh cãi. Cộng đồng mạng Trung Quốc đánh giá quy định này đang áp đặt khái niệm cái đẹp một cách lỗi thời. “Từ bao giờ thẩm mỹ cá nhân cũng bị quản lý?”, “Đây là kỳ thị giới tính”, “Olympic cũng thừa nhận vận động viên có giới tính thứ ba, tại sao chúng ta lại coi đó là điều sai trái?”, “Vẻ đẹp phi giới tính được cả thể giới ủng hộ. Sao không coi đó như một phần của văn hóa đại chúng?”, các tài khoản Weibo để lại bình luận.
Đàn ông chăm chút vẻ bề ngoài, định nghĩa nam tính có thay đổi?
Đàn ông Hàn Quốc từ lâu đã đón nhận sản phẩm làm đẹp dành cho nam giới như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Trong khi những thứ này hiếm được sử dụng ở các nước phương Tây. Nếu xét riêng về nam giới, trong một thập kỷ qua, họ là nhóm chi tiền nhiều nhất trên thế giới cho chăm sóc da.
Theo khảo sát của GlobalData cho thấy khoảng 3/4 đàn ông Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc và da hàng tuần. Con số này thậm chí còn cao hơn khi hỏi những người thuộc thế hệ Z. 58% bạn trẻ sinh sau năm 2000 cho biết họ thực hiện các liệu pháp bảo vệ sắc đẹp ít nhất 1 lần/tuần, chiếm khoảng 34% tỷ lệ đàn ông xứ Hàn.
Các sao nam Hàn Quốc thường xuất với gương mặt được trang điểm kỹ lưỡng.
Trong một bài trao đổi với phóng viên CNN, Roald Maliangkay, Giám đốc Viện Hàn Quốc học tại Đại học Quốc gia Australia cho biết ông không còn dùng từ "ẻo lả" khi bàn về hiện tượng đàn ông chăm chút ngoại hình.
Ông giải thích: “Nó có thể trông giống như là ‘sự mềm yếu’ đối với những người xa lạ với văn hóa ở xứ củ sâm. Nhưng đối với người Hàn Quốc, chăm sóc vẻ bề ngoài vẫn được xem là nam tính nếu phù hợp với lý tưởng của số đông. Mặc dù nhiều người vẫn cảm thấy trang điểm là điều hơi kỳ quặc, song họ không còn gọi nó là ẻo lả nữa”.
Dòng mỹ phẩm dành riêng cho nam giới của Chanel.
Các nhà mốt phương Tây cũng coi sự thay đổi trong nhận thức về vẻ đẹp của phái mạnh sẽ thay đổi trong tương lai. Năm 2018, Chanel cho ra mắt Boy de Chanel, dòng mỹ phẩm đầu tiên dành cho nam giới. Với mục tiêu "Viết nên định nghĩa mới về gout thẩm mỹ cá nhân của nam giới". Tom Ford Beauty, L'Oréal và Estée Lauder cũng đã sản xuất các dòng mỹ phẩm tương tự dành cho phái mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đối với các thương hiệu làm đẹp có ý định thu hút đàn ông dùng mỹ phẩm, theo David Yi, người sáng lập blog làm đẹp Very Good Light, cho biết.
“Cần một khoảng thời gian khá dài để trang điểm được chấp nhận rộng rãi ở Mỹ và các đất nước khác. Hàn Quốc rất tiến bộ khi nói đến làm đẹp. Họ có phong cách trang điểm chỉ dành cho đàn ông khác hoàn toàn với phụ nữ. Đó là điều mà các sao nam Kpop yêu thích”, David Yi nói.
Ryan Sim, chủ nhân blog K-beauty Ryanraroar, nghĩ rằng thế giới quan về vẻ đẹp của nam giới sẽ thay đổi trong tương lai - từ khuôn mặt lòe loẹt, nhiều màu sắc sang một trạng thái tự tin hơn.
Tin liên quan:
>> Trung Quốc cấm các sao nam ẻo lả xuất hiện trên truyền hình
>> Tại sao người Trung Quốc gọi nghệ sĩ nam ẻo lả là nương pháo?