Trini tên thật Lưu Tuyết Trinh, sinh năm 1995, từng thi "Giọng ải giọng ai"' năm 2018. Đánh giá nữ ca sĩ có chất giọng lạ, nhạc sĩ Quốc Bảo nhận lời trở thành người dẫn dắt cô trên con đường âm nhạc và định hướng cô trở thành Avril Lavigne phiên bản Việt.
Gần đây, Trini ra mắt ca khúc mới mang tựa đề Hoang mang, tiếp tục là một sản phẩm đồng hành nhạc sĩ Quốc Bảo. Nhân dịp này, cô kể về khởi đầu ca hát có phần muộn màng và mối duyên với nhạc sĩ nổi tiếng.
Trini cùng nhạc sĩ Quốc Bảo dự họp báo đêm nhạc của anh năm 2021.
- Con đường nào dẫn lối chị đến với âm nhạc?
- Từ nhỏ xíu, tôi đã thích hát. Lúc mới vào tiểu học, nhà mua máy karaoke, tôi hát suốt. Thấy thầy giáo kế bên nhà mở lớp dạy organ, tôi xin đi học nhưng mẹ không cho. Thế là mỗi lần có lớp học, tôi lại vác ghế ra cửa nghe ké.
Hết lớp 12, tôi chỉ nghĩ ca hát là sở thích, chưa nhận ra đó là đam mê nên theo học ngành tài nguyên môi trường. Vào đại học, theo bạn bè đi hát ở các tụ điểm sinh viên, cảm giác sung sướng mỗi lần có khán giả ngồi nghe mình hát, tôi nhận ra sân khấu là nơi mình thuộc về. Nhưng tôi không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Mẹ cấm tôi đi hát, chị gái gọi hát là nghề "xướng ca vô loài". Nghe những lời bình phẩm ấy, tôi cảm thấy bị chạm vào tự ái. Lúc bấy giờ, tôi mới biết mình thực sự đam mê âm nhạc.
- Bị gia đình ngăn cấm như vậy, chị làm thế nào giữ lửa đam mê?
- Tôi đã bỏ nhà đi, đến ở nhờ bạn và tiếp tục đi hát. Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhạc sĩ Quốc Bảo, được nhạc sĩ gợi mở về việc học nhạc chuyên sâu, tôi quyết định thi vào Nhạc viện sau khi hoàn thành ngành học đầu tiên, giữ đúng lời hứa với mẹ. Dù vậy, mẹ không đồng ý hỗ trợ tôi học phí. Chủ nhà hàng chỗ tôi hay hát biết chuyện, thấy tội nên đã tài trợ tiền cho tôi học Nhạc viện thời gian đầu. Tôi cảm giác như được Tổ nghề dẫn lối. Hiện tôi duy trì đi hát nhiều sân khấu để lo học phí. Tôi thấy may mắn vì trong khi nhiều bạn làm phục vụ được trả vài chục nghìn đồng một giờ, tôi được làm việc mình thích với mức lương xứng đáng.
- Bỏ ra ngoài đi hát và kiên quyết thi vào Nhạc viện như vậy, chị gặp vấn đề gì trong quan hệ với gia đình?
- Mẹ đã trách mắng tôi rất nhiều. Sau khoảng một tháng, tôi về nhà xin lỗi mẹ. Tôi hiểu người thân làm mọi thứ vì thương tôi. Bố mất từ lúc tôi bốn tuổi, một mình mẹ lo cho 7 chị em tôi. Tôi hiểu mẹ đã khó khăn thế nào và tại sao không muốn mình theo nghiệp ca hát. Nhưng giữa chúng tôi vẫn có khoảng cách, không nói chuyện nhiều. Tôi trải qua một thời gian áp lực, luôn phải nghe những lời mình không muốn nghe.
Tính tôi xưa nay muốn gì phải làm bằng được. Tôi muốn chứng minh cho người nhà thấy mình phát triển từng ngày. Và thực sự hiện giờ, tôi ổn hơn từ vật chất đến tinh thần. Sau khi tôi vào Nhạc viện, đi làm, ổn định cuộc sống và ra sản phẩm, cả nhà dần hiểu cho tôi và không còn phản đối nữa. Mục tiêu của tôi là được đón nhận nhiều hơn, kiếm tiền tốt hơn để báo hiếu mẹ.
Mẹ và 6 chị ruột dự đêm nhạc của Trini năm ngoái. Là con út và kém các chị nhiều tuổi, cô hay nói vui mình có 7 bà mẹ.
- Từ một người hát vì sở thích đến một sinh viên Nhạc viện được đào tạo bài bản, chị thay đổi lòng tin ra sao với giọng hát của chính mình?
- Thực tế, tôi của bây giờ không tự tin về giọng hát của mình bằng trước đây. Ngày xưa tôi hát bản năng, nghĩ mình có chất giọng lạ, lại được người nghe đón nhận nên tôi tự tin lắm. Vào trường chuyên nghiệp, tôi mới thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc. Được thầy chỉ từng ly từng tí, tôi nhận ra mình có nhiều lỗi như phát âm ngọng, giọng địa phương miền Tây, nói đớt, hát phô và thiếu tinh tế.
Tôi tự ti hẳn nhưng không co mình lại. Tôi hát nhiều hơn, tự thu và tự nghe lại, chỉnh sửa từ cách uốn lưỡi, phát âm. May mắn là tôi làm việc với nhạc sĩ Quốc Bảo từ lúc mới vào trường nên cùng lúc, tôi được học hai người thầy - thầy ở trường và thầy Quốc Bảo. Nhờ vậy, tôi tiến bộ hơn.
- Việc tiếp tục đi hát kiếm tiền ảnh hưởng thế nào đến việc học thanh nhạc của chị?
- Đó rõ ràng là việc không nên. Thầy khuyên tôi nên nghỉ hát để rèn giũa cho tôi đủ lực đi đường dài với âm nhạc. Nhưng cuộc sống của tôi không cho phép. Tôi tự lực cánh sinh trong sinh hoạt, học phí và làm sản phẩm âm nhạc. Càng nhiều việc tốn kém, tôi càng tích cực kiếm tiền. Mọi thứ với tôi hiện đều tốt đẹp, chỉ riêng chuyện tiền bạc khiến tôi phải lăn tăn.
Bù lại, tôi sẽ bớt đi chơi và dành thời gian đó nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, tôi tập gym để có sức bền, thỉnh thoảng trekking, leo núi, vận động ngoài trời.
- Tốt nghiệp một trường đại học mới theo âm nhạc, chị nghĩ sao về khởi đầu muộn của mình?
- Chính vì khởi đầu muộn nên tôi ra sản phẩm liên tục. Nhạc sĩ Quốc Bảo hay nói: "Phải chi tôi gặp bé lúc bé 18 tuổi, giờ mọi thứ đã khác". Ở tuổi đó, tôi có thể hát bản năng hơn. Còn hiện giờ, tôi bị chi phối bởi nhiều thứ. Có điều tôi nghĩ mọi thứ đều cần đủ lý do và đủ duyên. Tôi có hối tiếc cũng không thay đổi được. Việc của tôi là làm tốt nhất những gì cần làm cho tương lai.
Trini có chất giọng hát già dặn, gai góc, trái ngược với tính cách sôi nổi.
- Cơ duyên nào kết nối chị với nhạc sĩ Quốc Bảo?
- Tôi là người chủ động kết nối mối quan hệ thầy trò này. Thời học sinh, tôi mê chị Mỹ Tâm và chị Trần Thu Hà. Đọc thông tin, tôi mới biết hai chị đều được nhạc sĩ Quốc Bảo đỡ đầu những ngày đầu sự nghiệp. Tra cứu về nhạc sĩ, tôi đã rất ngưỡng mộ con người tài hoa ấy.
Năm 22 tuổi, tôi hát ở quán cafe cùng một học trò của nhạc sĩ Quốc Bảo. Tôi xin cô bé số điện thoại của nhạc sĩ và nhờ bé nói trước với nhạc sĩ một câu, rồi tôi gọi trực tiếp, dù cũng không biết mình sẽ nói gì.
Nhạc sĩ cởi mở lắm. Tôi kết bạn Facebook, anh đồng ý. Tôi nhắn tin, anh cũng trả lời. Một hôm, anh hẹn tôi đến một buổi họp mặt của anh và các học trò. Cả buổi đó, tôi chỉ im lặng lắng nghe. Về nhà, nhạc sĩ hỏi tôi đã nhận được những gì. Tôi thật thà nói tôi không hiểu gì hết. Dù lúc đó đã đi hát kiếm tiền nhiều, tôi không biết một note nhạc, không hiểu về nhạc lý. Sau vài lần nghe các bản thu "cây nhà lá vườn" của tôi, nhạc sĩ khuyên tôi tìm thầy cô đào tạo bài bản. Khoảnh khắc ấy, tôi muốn bỏ luôn trường cũ để đi học nhạc (cười).
Lúc thi vào Nhạc viện, tôi không dám kể với nhạc sĩ. Hết học kỳ đầu tiên, tôi đăng ảnh ở trường lên Facebook, nhạc sĩ nhìn thấy nên nhắn tin chúc mừng tôi. Hai thầy trò hẹn nhau cafe và thầy trở thành người đồng hành trong âm nhạc của tôi từ đó.
- Nhạc sĩ Quốc Bảo nổi tiếng là người kỹ tính và khó tính. Chị có những trải nghiệm nào khi làm việc cùng anh ấy?
- Đúng là khó thật! Thường các nhạc sĩ thu một bản demo bài hát cho ca sĩ nghe thử, biết giai điệu. Nhưng nhạc sĩ Quốc Bảo chỉ đưa tôi một văn bản có khuông nhạc và ca từ, không có phần nhạc kèm theo. Tôi phải tự "vỡ" giai điệu để hát. Đầu năm 2020, tôi ăn Tết trong cảm giác lo lắng vì khi trở lại Sài Gòn, tôi phải tự hát trong phòng thu. Đó là điều tôi sốc nhất.
Nhạc sĩ cũng thích đặt cho tôi nhiều thử thách bất chợt. Bản gốc Rồi ánh trăng tan chị Lưu Bích hát chỉ có một lời. Vậy mà lúc tôi vào phòng thu, nhạc sĩ đưa phần lời thứ hai, tôi phải hát ngay lúc đó. Nhiều lần giữa buổi thu, nhạc sĩ bảo tôi lên tone chỗ này, chỗ kia. Thế là tôi "lên là lên luôn" (cười).
Nhạc sĩ cho tôi trải nghiệm mọi tình huống có thể xảy ra. Với các chị đi trước, chuyện này bình thường. Nhưng tôi còn yếu nên đôi khi hơi chới với. Có điều lâu dần thành quen, tôi thích những thử thách như vậy.
- Sau một thời gian đi hát, chị vẫn ít được gọi bằng nghệ danh Trini, chủ yếu được nhắc "học trò nhạc sĩ Quốc Bảo". Cảm giác của chị thế nào?
- Sao tôi có thể không chạnh lòng chứ? Nhưng tôi tin đến một ngày, mọi người sẽ nhớ đến tôi. Tôi giữ niềm tin đó và làm việc chăm chỉ. Trong nừa cuối năm, tôi sẽ phát hành thêm ca khúc mới và tổ chức một show nhạc cá nhân.