Hôm 16/2, Britney tiết lộ trên Instagram bức thư của hai thành viên Quốc hội Charlie Crist và Eric Swalwell. "Tôi đã nhận được bức thư này vài tháng trước. Một lời mời chia sẻ câu chuyện của tôi. Tôi cảm thấy rất vinh hạnh nhưng vào thời điểm đó tôi chưa đạt đến giai đoạn phục hồi như bây giờ", Britney viết, giải thích lý do cô vẫn chưa nhận lời.
Nữ ca sĩ 40 tuổi cho biết cô thực sự cảm kích, biết ơn khi nhận được lá thư vì câu chuyện của mình "đã được ghi nhận và được lắng nghe". Britney bộc bạch: "Trong một thế giới mà gia đình chống lại bạn, thật khó để tìm thấy được người có thể hiểu và đồng cảm. Một lần nữa, tôi không muốn là một nạn nhân dù phải thừa nhận tôi đã bị ảnh hưởng vì quyền bảo hộ. Tôi muốn giúp đỡ những người trong hoàn cảnh tổn thương như vậy, để họ có thể mạnh mẽ và vượt lên".

Ca sĩ Britney Spears. Ảnh: The Hollywood Reporter
Britney cảm ơn Quốc hội đã mời cô đến Nhà Trắng và bỏ ngỏ khả năng tới đó để lên tiếng về quyền bảo hộ. Ngay sau bài viết của nữ ca sĩ, nghị sĩ Charlie Crist bày tỏ trên Twitter: "Cảm ơn rất nhiều vì đã chia sẻ câu chuyện về sức mạnh và sự kiên trì của mình, Britney Spears. Tôi rất vinh dự được mời bạn đến gặp chúng tôi tại Washington DC. Tiếng nói của bạn sẽ giúp những nạn nhân khác cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều".
Britney Spears thoát khỏi quyền bảo hộ tháng 11/2021 sau 13 năm chịu sự kiểm soát nặng nề mọi phương diện của cuộc sống. Tháng 6/2021, Britney lần đầu lên tiếng tố cáo cha đẻ - người được tòa chỉ định là người bảo hộ con gái - đã lạm quyền để ép cô làm việc như nô lệ, bóc lột và trục lợi cô suốt nhiều năm. Nữ ca sĩ nói cô không được phép đụng vào tiền của mình, không được quyền kết hôn, sinh con và bị trừng phạt mỗi khi không nghe lời, thậm chí bị giam trong một ngôi nhà vài tháng và ép dùng thuốc trầm cảm loại nặng vì từ chối lưu diễn tiếp vào năm 2019.
Sau khi được tự do trở lại, Britney dành thời gian để hàn gắn tổn thương. Cô tập trung vào hành trình hồi phục bên bạn trai và vẫn chưa tái xuất dù nhận được những lời mời biểu diễn và đóng phim.