Trong đơn kiện đệ trình lên Tòa án quận phía Nam của New York tuần này, thương hiệu xa xỉ nước Pháp tuyên bố Rothschild "chỉ đơn giản cắt bỏ nhãn hiệu Birkin nổi tiếng của Hermes bằng cách bổ sung tiền tố 'meta'... Không có nghi ngờ gì về việc thành công này xuất phát từ hành động sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng của chúng tôi". Hermes cũng cáo buộc Rothschild "tìm cách tự miễn trừ hậu quả pháp lý của việc chiếm đoạt nhãn hiệu bằng cách tuyên bố mình đơn thuần là một nghệ sĩ".
Gần đây, Mason Rothschild gây chú ý khi trình làng bộ sưu tập NFT mang tên "MetaBirkins" gồm 100 tác phẩm nghệ thuật sống trong không gian kỹ thuật số, có hình dáng giống túi Birkin phủ lông thú. Hồi tháng 12/2021, anh bán một chiếc "túi" với mức giá lên tới 42.000 USD (956 triệu đồng), theo Business of Fashion.

Hai trong số 100 tác phẩm 'MetaBirkins' của Mason Rothschild.
Mason Rothschild không đồng ý với cáo buộc từ phía Hermes. Anh phản bác trên Instagram: "Tôi không tạo ra hoặc bán túi Birkin giả. Tôi đã sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật... Tu chính án 1 Hiến pháp Mỹ cho tôi quyền sản xuất và bán tác phẩm nghệ thuật mô phỏng túi Birkin. Tôi sẽ không bị đe dọa". NFT của anh hiện vẫn được chào bán trên nền tảng Rarible.
NFT (non-fungible token) là chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm. Dù đã ra đời được vài năm, NFT bắt đầu bùng nổ trong 2021 khi nhiều tác phẩm được bán với giá hàng triệu USD.
Ngoài đời thực, túi Hermes Birkin có giá từ 9.000 USD trở lên và luôn được săn lùng trên thị trường hàng qua tay. Cuối tháng 5/2017, một chiếc Matte Himalayan da cá sấu bạch tạng đính kim cương được đấu giá ở Hong Kong và giúp sàn Christie's thu về 380.000 USD (hơn 8,6 tỷ đồng), xác lập kỷ lục là chiếc túi đắt nhất từng được bán ra trên thế giới, theo AP.